Bộ trưởng Đỗ Đức Duy: Cơ sở pháp lý quan trọng để sử dụng hiệu quả đất đai
(Dân trí) - Sáng 5/9, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức hội nghị phổ biến các nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai năm 2024.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy cho biết Luật Đất đai giao Chính phủ quy định chi tiết 96 nội dung.
Trong đó Chính phủ đã giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì tham mưu quy định chi tiết 86/96 nội dung, tập trung vào: điều tra cơ bản đất đai; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; thu hồi, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất; giá đất; đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất; thanh tra, kiểm tra, kiểm toán; giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về đất đai…
Bộ trưởng Đỗ Đức Duy phát biểu khai mạc hội nghị (Ảnh: Đình Trung).
Trong thời gian ngắn, theo ông Duy, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tích cực, chủ động phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng, trình Chính phủ ban hành 4 nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai có hiệu lực đồng bộ với luật (từ ngày 1/8).
Cụ thể gồm: Nghị định số 71/2024 quy định về giá đất; Nghị định số 88/2024 quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; Nghị định số 101/2024 quy định về điều tra cơ bản đất đai; đăng ký, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất và hệ thống thông tin đất đai; Nghị định số 102/2024 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai.
Đồng thời, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành theo thẩm quyền 4 thông tư được giao trong luật.
"Đó là thành quả được tạo nên từ tinh thần, thái độ làm việc bền bỉ, kiên trì, công phu, nghiêm túc; sự đóng góp công sức, trí tuệ, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức toàn ngành Tài nguyên và Môi trường từ trung ương đến địa phương", Bộ trưởng Đỗ Đức Duy nhận định.
Bộ trưởng Đỗ Đức Duy nói nội dung các nghị định hướng dẫn thi hành đã bao trùm phần lớn các nội dung quản lý nhà nước về đất đai, là cơ sở pháp lý quan trọng để tổ chức quản lý, sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên đất tại địa phương.
Người đứng đầu Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đề nghị đại diện các địa phương cung cấp thông tin về tình hình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Luật Đất đai thuộc thẩm quyền của HĐND, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương để Bộ tổng hợp, báo cáo Chính phủ.
Đăng thảo luận