YênBái - Phát huy vai trò của phụ nữ trong thời đại mới và tạo mọi điều kiện giúp phụ nữ phát triển toàn diện là một trong những mục tiêu, nhiệm vụ quan trọng được khẳng định trong Chỉ thị số 21-CT/TW ngày 20/1/2018 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XII.
Nhà thiết kế Dung May và bộ sưu tập áo dài trong Chương trình nghệ thuật "Hương sắc áo dài Việt" tổ chức tối 29/2/ tại Nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội). Ảnh: Thu Hạnh
Thực hiện Chỉ thị 21-CT/TW, những năm qua, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và tạo điều kiện của cấp ủy, chính quyền các cấp, cùng với phụ nữ cả nước, phụ nữ các dân tộc tỉnh Yên Bái đã tích cực lao động, học tập, phát huy phẩm chất "Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang” của người phụ nữ Việt Nam, xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết các dân tộc, góp phần quan trọng xây dựng tỉnh ngày càng phát triển theo hướng "Xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc”.
Theo đó, phụ nữ Yên Bái đã được tạo môi trường thuận lợi để cùng thi đua lao động sáng tạo, cùng tham gia thảo luận, đóng góp ý kiến vào các chương trình, mục tiêu xây dựng và phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh; những vấn đề liên quan đến công tác phụ nữ ở địa phương; được thụ hưởng những chính sách đặc thù để phát triển toàn diện, nhất là các chính sách khuyến khích, hỗ trợ giúp phụ nữ khởi nghiệp như: Kế hoạch thực hiện Đề án Hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2018-2025; Kế hoạch thực hiện Dự án "Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn 1 từ 2021-2025; Kế hoạch tuyên truyền, phổ biến kiến thức, pháp luật…
Đặc biệt, Tỉnh ủy Yên Bái đã ban hành và triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án số 11-ĐA/TU năm 2018 về "Xây dựng và tạo nguồn đội ngũ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ dân tộc thiểu số thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý đến năm 2030, định hướng đến năm 2035”. Nhờ vậy, số lượng cán bộ nữ, nhất là cán bộ nữ người dân tộc thiểu số của tỉnh là đại biểu Quốc hội và tham gia HĐND các cấp nhiệm kỳ sau luôn cao hơn so với nhiệm kỳ trước. Điển hình như nhiệm kỳ 2020 - 2025, nhiều cán bộ nữ đã được tín nhiệm bầu, bổ nhiệm giữ các chức vụ lãnh đạo chủ chốt ở các sở, ban, ngành, địa phương, các tổ chức hội, đoàn thể của huyện, thị, thành phố trong tỉnh; trong đó, cấp tỉnh là 20,8%, cấp huyện là 21,6%, cấp xã là 22,7%. Tỷ lệ nữ tham gia đại biểu Quốc hội khóa XV chiếm 50%; tham gia đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2021-2026 chiếm 34,4%, tăng 1,4% so với nhiệm kỳ trước (cao hơn 5% so với bình quân chung của của nước).
Bên cạnh đó, các cấp ủy Đảng, chính quyền tỉnh luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến công tác bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ, coi đây là nội dung quan trọng, xuyên suốt trong triển khai hoạt động trên tất cả các lĩnh vực đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội. Các đơn vị, địa phương trong tỉnh đẩy mạnh hoạt động phổ biến, tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về bình đẳng giới, các văn bản pháp luật mới liên quan đến phụ nữ và trẻ em gái; phòng, chống bạo lực gia đình; phòng, chống bạo lực, xâm hại tình dục đối với phụ nữ và trẻ em...
Từ năm 2023 đến nay, tỉnh đã thành lập được 214 tổ truyền thông cộng đồng tại cơ sở; tổ chức 19 lớp tập huấn về hướng dẫn, thành lập, vận hành tổ truyền thông cộng đồng; 16 lớp tập huấn vận hành, duy trì "Địa chỉ tin cậy tại cộng đồng”; 10 lớp tập huấn về tổ chức đối thoại chính sách cho đội ngũ cán bộ cấp huyện, xã và thôn, bản.
Các tổ truyền thông cộng đồng đã tổ chức được 69 hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi về bình đẳng giới tại cộng đồng, thu hút gần 4.000 lượt người tham dự. Hiện nay, toàn tỉnh có trên 7.400 mô hình phụ nữ làm kinh tế giỏi, trong đó gần 1.800 mô hình cho thu nhập từ 200 triệu đồng/năm, 92 mô hình cho thu nhập trên 500 triệu đồng/năm. Các cấp hội phụ nữ trong tỉnh đã đứng ra thành lập gần 600 tổ hợp tác, 24 hợp tác xã và 14 doanh nghiệp phát triển nhiều sản phẩm chủ lực, đặc sản, ngành nghề…, góp phần giải quyết việc làm, tạo sinh kế cho người dân và thực hiện tốt chiến lược giảm nghèo bền vững ở địa phương.
Song, để khẳng định vai trò, năng lực, sức sáng tạo của phụ nữ các dân tộc trên mọi lĩnh vực đời sống xã hội, đòi hỏi các chị em phụ nữ nói chung, cán bộ nữ lãnh đạo, quản lý các cấp, các ngành nói riêng phải không ngừng nỗ lực, phát huy nhiều hơn nữa để có tri thức, có văn hóa, có kỹ năng sống tự lập, sẵn sàng đối mặt với mọi áp lực, vượt qua khó khăn, thách thức, khẳng định vai trò, vị thế của mình, xứng đáng là những tấm gương của sự đoàn kết, phấn đấu, tiến bộ và phát triển. Qua đó, góp phần lan toả sâu rộng và truyền cảm hứng mạnh mẽ cho phụ nữ các dân tộc trong tỉnh cùng lao động, học tập, phấn đấu vươn lên xây dựng quê hương giàu đẹp, đất nước phồn vinh, gia đình hạnh phúc.
Thanh Hương
Đăng thảo luận