Theo tiến sĩ, nhà trị liệu tâm lý Laura F. Dabney (Mỹ) nói chuyện một mình là hành động bình thường và phổ biến, không phải triệu chứng hay dấu hiệu của bệnh tâm thần.

Hầu hết tất cả chúng ta đều tự nói chuyện với chính mình, như một cách tạo ý nghĩa và giải thích cho bản thân điều gì xảy ra trong ngày. Ví dụ, khi ra khỏi nhà, bạn có thể đọc to những vật dụng thiết yếu như chìa khóa, áo khoác, túi xách thành tiếng với chính mình như một cách kiểm tra. Sau giờ làm việc, bạn có thể kể lại cuộc trò chuyện căng thẳng với sếp, như một cách trút bầu tâm sự với chính mình.

"Điều này không chỉ bình thường mà còn rất quan trọng. Nhận thức được chất lượng của cuộc đối thoại nội tâm này chính là con đường dẫn đến hạnh phúc và viên mãn", huấn luyện viên cuộc sống Vironika Tugaleva, tác giả cuốn sách The Art of Talking to Yourself (Nghệ thuật nói chuyện với chính mình), nói.

Tự nói chuyện với chính mình có bình thường không?  第1张

Ảnh: psychcentral.com

Nói chuyện với chính mình có thể mang lại lợi ích

Sheri McGregor, một huấn luyện viên cuộc sống và là tác giả của cuốn Done With The Crying, cho biết hình thành thói quen trò chuyện với chính mình vừa lành mạnh vừa hữu ích.

McGregor làm việc với nhiều cha mẹ đang phải đối mặt với tình trạng xa lánh con cái và khuyên họ tự nói chuyện với bản thân, như một cách tích cực để vượt qua giai đoạn khó khăn. "Đó là cách xoa dịu bản thân và tập trung vào những điều tích cực thay vì lo lắng và căng thẳng", McGregor nói.

Itamar Shatz, ứng viên tiến sĩ ngôn ngữ học tại Đại học Cambridge của Anh, cho biết những thời điểm khó khăn là lúc mọi người thường tự nói chuyện với chính mình. Ví dụ khi cố đưa ra quyết định khó khăn hoặc cố đối phó với những cảm xúc mạnh mẽ.

Huấn luyện viên cuộc sống McGregor cho biết tự nói chuyện cũng là cách nhắc bản thân về những việc cần làm hoặc cách giải quyết những vấn đề nhỏ hơn hoặc mang tính tình huống hơn.

Lần tới, khi lo lắng về bài thuyết trình, hãy tự nói chuyện với chính mình để vượt qua nỗi sợ hãi và đưa ra giải pháp mang tính xây dựng hoặc nhắc nhở bản thân bạn đã chuẩn bị tốt thế nào. Tránh tự nói chuyện tiêu cực hoặc khiến bạn chìm sâu vào nỗi lo lắng.

Shatz đã nghiên cứu về kỹ thuật này và cho biết bạn có thể khiến tự nói chuyện hiệu quả hơn bằng cách sử dụng phương pháp tự tạo khoảng cách, trong đó bạn tự giới thiệu mình ở ngôi thứ hai hoặc thứ ba.

Ví dụ, nếu thấy lo lắng trước khi thuyết trình, thay vì tự nhủ 'tại sao mình lại lo lắng thế", bạn có thể nói "tại sao Jane lại lo lắng thế?".

"Nghiên cứu cho thấy việc này giúp bạn nhìn nhận tình huống theo cách trung lập hơn về mặt cảm xúc, từ đó cải thiện khả năng đối phó với cảm xúc và đưa ra quyết định hợp lý hơn", Shatz nói.

Tự nói chuyện với chính mình là một thói quen tốt

Theo McGregor, nói chuyện với chính mình liên quan đến chánh niệm. Trong thời điểm khó khăn, tâm trí chúng ta có thể suy nghĩ tiêu cực. Đó là lý do tại sao biến tự nói chuyện tích cực thành thói quen cần có thời gian, cần được nuôi dưỡng.

Nhà trị liệu tâm lý Dabney gợi ý nên chọn thời gian hoặc địa điểm để tự nói chuyện. Ví dụ, hãy thử tự nói chuyện sau một sự kiện căng thẳng trong ngày và xem điều gì có và không, giúp bạn đối phó hoặc cảm thấy tốt hơn.

"Bạn có thể ghi nhớ về hiệu quả của nó hoặc ghi nhật ký trong một tuần để nhận biết tính hiệu quả", Dabney nói.

Nói chuyện một mình có bao giờ gây hại không?

Có một số trường hợp mà tự nói chuyện là dấu hiệu của vấn đề tâm lý.

Khi tự nói chuyện đi kèm với tự làm hại bản thân thì đó là vấn đề về cảm xúc.

Tương tự, nếu bạn tự nói chuyện liên quan đến các cụm từ, thần chú hoặc số lặp đi lặp lại, tự nói chuyện gây rối cho bạn hoặc khó dừng lại, đó cũng có thể là dấu hiệu của một vấn đề về cảm xúc.

Trong những trường hợp như vậy, hãy nói chuyện với chuyên gia y tế để được đánh giá đúng.

Nhật Minh (Theo Huffpost)