Tôi và các bạn luôn kính trọng thầy Đỗ Thanh Tuấn như người cha thứ hai. Mọi lời răn dạy của thầy năm xưa vẫn in sâu trong lòng tôi
Thầy Đỗ Thanh Tuấn là giáo viên cấp hai môn ngữ văn của chúng tôi khóa 2002 - 2006 Trường THCS Nguyễn Thái Bình (xã Xuân Bắc, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai). Năm 2002, khi tôi vào lớp 6, thầy cũng vừa về trường công tác.
Truyền cảm hứng học tập
Sinh năm 1981 nên khi ấy, thầy Tuấn chỉ vừa ra trường, còn rất trẻ, lòng mang bao nhiệt huyết dành cho nghề, dành cho chúng tôi - những lứa học trò đầu tiên. Ấn tượng đầu tiên của tôi là thầy có dáng người đậm, gương mặt phúc hậu, hiền từ. Tôi đặc biệt thích chất giọng miền Bắc trầm ấm của thầy, giọng nói đã đưa hồn tôi bay bổng theo những con chữ, bài thơ.
Tôi vốn có "bệnh"... sợ thầy cô - tình trạng chung của những đứa học trò có kết quả học tập không mấy sáng sủa. Mặt khác, vì bỡ ngỡ với trường lớp mới, bạn bè mới và cả thầy cô mới, tôi sợ thầy cũng như sợ bao thầy cô khác dù chưa từng bị thầy la mắng.
Tôi nhớ mãi hôm thầy trả bài kiểm tra một tiết. Tôi sững người khi nghe thầy xướng tên tôi được điểm tối đa. Hôm ấy, thầy đã đọc bài văn của tôi trước lớp để các bạn tham khảo. Không tin vào tai mình, tôi cố lắng nghe thầy đọc đến những câu cuối cùng mới dám xác nhận đúng là bài của mình. Cánh mũi tôi phập phồng qua từng lời khen của thầy. Bao ánh mắt ngưỡng mộ, ghen tị trong lớp đổ dồn vào tôi. Sau bài văn ấy, các bạn trong lớp bắt đầu chú ý đến tôi.
Tôi chưa kịp hết sung sướng thì liền sau đó đã bị thầy nhắc nhở về chữ viết. Thầy nhăn mặt nhìn tôi rồi cười bảo: "Văn hay chữ tốt mà em mất một nửa rồi. Về luyện lại chữ nhé! Hôm nay thầy trừ nửa điểm về "tội" chữ xấu". Nói là làm, thầy lấy cây bút đỏ trừ thẳng nửa điểm vào bài viết.
Thế nhưng, nửa điểm ấy không đủ làm động lực cho tôi sửa khuyết điểm của mình. Lần nào trả bài kiểm tra, trong ô lời phê của thầy vẫn luôn là câu nhắc nhở "cần luyện chữ viết". Tôi tưởng tượng đến khung cảnh dưới ánh đèn, đầu thầy nghiêng nghiêng, gương mặt thầy nhăn nhó với đôi mày nhíu lại khi cố gắng đọc từng chữ của cô học trò nhỏ khi chấm bài lúc đêm khuya.
Thầy Đỗ Thanh Tuấn (ngoài cùng bên trái) trong một chuyến làm từ thiện cùng đồng nghiệp (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Sự yêu thương của thầy như một động lực to lớn khiến tôi ngày càng thích đến lớp. Tôi luôn háo hức mong chờ tiết ngữ văn để được nghe thầy giảng bài, cắt nghĩa câu từ và được thầy gọi tên khi trả bài kiểm tra. Tôi không sao quên được những cảm giác ấy khi nghĩ về đời học trò của mình.
Hai năm tiếp theo, tuy không được học thầy Tuấn nữa nhưng nhờ nền tảng vững chắc có được trong suốt một năm học thầy nên tôi vẫn duy trì được thành tích, luôn nằm trong danh sách học trò ưu tú của các thầy cô môn ngữ văn. Đó cũng là nền móng cho sự đam mê viết lách của tôi hiện tại.
Nét chữ, nết người
Buổi học đầu của năm cuối cấp, cả lớp tôi vỡ òa khi thầy Tuấn bước vào bục giảng, trịnh trọng giới thiệu sẽ là chủ nhiệm lớp năm nay của chúng tôi. Đám học trò ngày nào còn nhìn thầy sợ sệt nay đã ầm ĩ vỗ tay, hò hét vui sướng. Và, trong ô lời phê những bài kiểm tra văn năm ấy, tôi lại nhận được lời nhắc nhở quen thuộc của thầy "cần luyện chữ viết".
Một hôm, trong lúc tôi đang tập trung viết bài một tiết, tiếng thầy thì thầm bên cạnh khiến tôi giật mình ngừng bút ngẩng lên. Thầy nhẹ nhàng: "Bài viết hay đấy, nhưng em có nghĩ đến việc thương cho đôi mắt của thầy không? Em luyện chữ đi".
Sau hôm ấy, trong đầu tôi cứ vang mãi câu nói của thầy. Tôi bắt đầu viết chậm lại, nắn nót từng nét và còn bắt chước chữ của các bạn viết đẹp trong lớp. Sau một tháng, tôi được thầy khen trước lớp. Lòng tôi chộn rộn vì sung sướng. Vậy là, tôi đã rèn được "văn hay, chữ tốt" như lời dặn dò của thầy năm xưa.
Tuy chủ nhiệm một đám học trò "nổi loạn" năm cuối cấp nhưng thầy chưa hề than trách, la mắng hay yêu cầu chúng tôi thay đổi trong mỗi giờ sinh hoạt lớp như nhiều thầy cô khác. Trong suốt năm học ấy, tôi nhớ lần duy nhất thầy nổi giận. Đó là khi hai bạn Châu và Thương đánh nhau.
Tôi thấy thầy bước nhanh qua khoảng sân rộng trước cửa lớp. Mặt thầy đỏ phừng phừng, nét giận sục sôi trong mắt thầy khiến cả lớp im lặng ngồi ngoan ngoãn. Thầy gọi hai bạn lên hỏi rõ sự tình trước sự chứng kiến của cả lớp. Thầy bảo Thương là người gây sự trước nên phải xin lỗi từng bạn trong lớp, đặc biệt là với Châu, cho đến khi được cả lớp tha thứ thì thôi.
Hôm ấy, thầy dành trọn hai tiết dạy văn để giảng cho chúng tôi bài học về sự đoàn kết. Suốt chín mươi phút, trong lớp chỉ vang lên giọng thầy lúc cao lúc thấp, khi to khi nhỏ kiên nhẫn giải thích cho đám trẻ nghịch ngợm hiểu hai từ "đoàn kết" nghĩa là gì.
Từ ấy, lớp chúng tôi là một tập thể bảo bọc nhau, yêu thương, giúp đỡ nhau hết mình. Tôi thật sự cảm mến người thầy của mình và cũng cảm phục cách thầy dạy chúng tôi. Thầy lấy sự mềm mỏng để uốn nắn chúng tôi từ những điều nhỏ nhất.
Cuối năm học đó, thành tích học tập của lớp tôi đứng đầu toàn trường. Một bạn trong lớp đạt danh hiệu xuất sắc toàn khối với nhiều giải thưởng huyện, tỉnh các môn. Đứng trên sân khấu nhìn xuống, tôi thấy ánh mắt thầy long lanh tự hào khi chứng kiến đám học trò lớp 9/2 của mình xếp hàng dài dưới cờ nhận phần thưởng…
Mong thầy vững "tay chèo"
Tôi sẽ về thăm thầy Tuấn để xem mái tóc thầy nay còn mấy phần đen, xem lớp lớp học trò tinh nghịch đã vẽ bao nhiêu nếp nhăn lên vầng trán rộng của thầy - người thầy mà dù đi qua bao lứa học trò vẫn nhớ mặt nhớ tên từng đứa. Tôi thương thầy và mong thầy luôn vui khỏe để vững tay chèo đưa từng lớp học trò qua sông. Tôi mong sự nghiệp trồng người của thầy bớt vất vả, mệt nhọc; mong bọn trẻ bây giờ biết thương thầy, yêu thầy như chúng tôi từng thương yêu thầy năm xưa...
Đăng thảo luận
2024-10-07 12:54:52 · 来自171.9.11.97回复
2024-10-07 13:05:01 · 来自222.91.11.119回复
2024-10-07 13:14:53 · 来自106.85.163.6回复
2024-10-07 13:25:06 · 来自123.233.129.64回复
2024-10-07 13:34:48 · 来自182.80.242.148回复
2024-10-07 13:55:07 · 来自123.235.114.204回复