Du lịch Thanh Hóa nổi tiếng không chỉ bởi cảnh quan thiên nhiên đẹp mà ẩm thực cũng rất đa dạng với nhiều món ngon nức tiếng như: nem chua, chả tôm, gỏi nhệch, mắm tép, bánh răng bừa...
Ngoài những món ngon đã làm nên thương hiệu, tại các bản làng vùng cao ở Thanh Hóa, du khách sẽ được thưởng thức món ngon dân dã, đậm chất núi rừng. Hiện nay, tại các điểm du lịch cộng đồng nổi tiếng như Pù Luông (huyện Bá Thước), bản Bút (huyện Quan Hóa), Bến En (huyện Như Thanh), bản Mạ (huyện Thường Xuân), huyện Mường Lát... trong mâm cơm đều không thể thiếu cá suối.
Cá suối là loại cá nhỏ, thường sống trên các con suối chảy từ núi về sông lớn. Nước suối trong xanh, không ô nhiễm nên cá rất sạch và tươi ngon. Cá suối thường có nhiều loài cá (cá na, cá lún, cá bống sông, cá chạch...), tùy mỗi nơi có tên gọi khác nhau. Đơn cử như ở Bến En có một loại cá gọi là cá na, nhưng ở vùng cao Quan Hóa, Mường Lát lại gọi là cá mát (cá khính).
"Cá na là loài cá mình dày, thịt dai và ngọt. Người dân địa phương chúng tôi thường đánh bắt về nướng ăn hoặc đồ khô cất lên gác bếp, khi nào có khách quý mới đưa ra mời khách thưởng thức. Ngày nay, cá được đánh bắt nhiều để phục vụ các điểm du lịch nên nguồn cá ngày càng cạn kiệt" - một người dân xã Xuân Thái, trong điểm du lịch cộng đồng Bến En, huyện Như Thanh, chia sẻ.
Cá suối nướng ăn kèm với các loại rau, quả rừng
Cá suối thường có nhiều cách chế biến như nấu canh chuối rừng, chiên, nướng, nhưng ngon nhất vẫn là cá suối nướng. Khi nướng qua lửa hồng, cá giữ được độ ngọt, dai, đậm đà hương vị. Khi ăn, thường ăn kèm với những loại rau rừng như lá sung, cà dại, ớt hoặc có thể ăn kèm với rau sống như xà lách, cải xanh, rau mùi và húng quế. Đặc biệt, cá được ăn cùng với chấm chẻo - một loại gia vị đặc trưng của vùng cao, nhờ đó tạo nên điểm đặc biệt của món ăn này.
Nhằm bảo vệ, khai thác bền vững loài cá suối, nhiều bản làng vùng cao của Thanh Hóa đã đưa ra các quy định cấm đánh bắt, khai thác tràn lan mà theo quy định, thời điểm, trong đó cấm dùng kích điện để đánh bắt.
"Địa phương phải đưa ra quy định cấm đánh bắt cá vào mùa sinh sản và khi đánh bắt thì cả làng cùng tham gia để chia sẻ nguồn lợi này. Nhờ đó mà mấy năm gần đây, cá sinh sôi trở lại rất nhiều" - ông Lục Văn Tâm, Bí thư xã Mường Chanh, huyện Mường Lát, cho hay.
Đăng thảo luận