(NLĐO)- Ngày 10-8, tiếp tục các hoạt động trong chuyến thăm chính thức Nhật Bản, tại Hokkaido, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã tham dự "Tọa đàm Triển vọng hợp tác giữa các trường đại học Việt Nam - Nhật Bản trong giai đoạn mới".
Lãnh đạo các trường đại học đã chia sẻ nhiều ý kiến tâm huyết về các biện pháp cụ thể thúc đẩy hợp tác nguồn nhân lực trong giai đoạn mới giữa Việt Nam và Nhật Bản. Ảnh: Bộ Ngoại giao
Cùng dự Tọa đàm có lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, lãnh đạo TP HCM, tỉnh Quảng Ninh, hiệu trưởng Đại học Việt - Nhật, Đại học Hạ Long, Cố vấn đặc biệt Liên minh Nghị sĩ hữu nghị Nhật - Việt Takebe Tsutomu và hiệu trưởng và chủ tịch các trường Đại học TP Ashikawwa, Đại học hộ lý chữ thập đỏ Hokkaido, Hiệu trưởng Đại học tương lai Hakodate, Đại học kỹ thuật Kitami và Học viện Hokkaido.
Tại tọa đàm, lãnh đạo các trường đại học đã giới thiệu về đơn vị đào tạo của mình, các lĩnh vực hợp tác đào tạo hiện có giữa các trường đại học hai nước, trong đó có các ngành kỹ thuật, điều dưỡng. Lãnh đạo các trường đại học Việt Nam và Nhật Bản đã chia sẻ nhiều ý kiến tâm huyết về các biện pháp cụ thể thúc đẩy hợp tác nguồn nhân lực trong giai đoạn mới giữa Việt Nam và Nhật Bản.
Phát biểu tại tọa đàm, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh quan hệ hợp tác và hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản ngày càng phát triển mạnh mẽ, toàn diện và thực chất trên mọi lĩnh vực. Hợp tác đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, đã được khởi động từ sớm và là một trong ba nội dung trọng tâm trong hợp tác ODA thế hệ mới giữa hai nước.
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: Bộ Ngoại giao
Bộ trưởng chia sẻ Nhật Bản là một trong những nước viện trợ lớn nhất cho ngành giáo dục - đào tạo của Việt Nam và Việt Nam là nước đầu tiên trên thế giới chính thức đưa tiếng Nhật vào giảng dạy ở bậc trung học cơ sở từ năm 2003, tiểu học từ năm 2019. Hiện có hơn 43.000 lưu học sinh Việt Nam đang tại Nhật Bản, đây là lực lượng quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội của hai nước và gắn kết tình cảm, hiểu biết lẫn nhau giữa người dân hai nước.
Đăng thảo luận