Bà Winnie Wong Giám đốc Quốc gia của Mastercard tại Việt Nam, Campuchia và Lào
Trước đây, chỉ người tiêu dùng và ngân hàng nơi họ mở tài khoản mới có quyền truy cập vào dữ liệu tài chính. Ngân hàng mở cho phép người tiêu dùng chia sẻ an toàn dữ liệu tài khoản với các nhà cung cấp dịch vụ khác như fintech và đơn vị bán hàng, giúp cải thiện trải nghiệm tài chính.
Ngân hàng mở đang tạo ra sự thay đổi lớn trong dịch vụ tài chính cho người tiêu dùng, ngân hàng, fintech, cơ quan quản lý và các bên liên quan, thông qua ba lợi ích chính sau đây.
Ngân hàng mở - xu hướng phát triển tương lai
Đầu tiên, Ngân hàng mở cách mạng hóa thanh toán và quản lý tài chính, cho phép người tiêu dùng dễ dàng chuyển đổi giữa các dịch vụ trực tuyến, trong ứng dụng và cửa hàng với giải pháp thanh toán nhanh, an toàn và thuận tiện. Đồng thời cung cấp dịch vụ cá nhân hóa, giúp người dùng quản lý tài chính hiệu quả hơn bằng cách tổng hợp thông tin từ nhiều tài khoản và thẻ tín dụng trong một giao diện duy nhất, cho phép thanh toán trực tiếp mà không cần chuyển đổi giữa các ứng dụng.
Với sự bùng nổ thương mại điện tử khiến người tiêu dùng mua sắm trực tuyến nhiều hơn, các dịch vụ giá trị gia tăng như Thanh toán trả góp và Mua trước trả sau mà Ngân hàng mở cung cấp sẽ giúp tối ưu chi phí, tăng tiết kiệm, tránh phí thấu chi nhờ tự động chuyển tiền giữa các tài khoản, đồng thời đảm bảo bảo mật cao và giảm nguy cơ gian lận.
Thứ hai, việc tích hợp thanh toán Ngân hàng mở vào nền tảng thương mại điện tử giúp các đơn vị bán hàng nhanh chóng và tiết kiệm chi phí đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về trải nghiệm thanh toán kỹ thuật số liền mạch. Những đơn vị tiên phong sẽ gia tăng doanh số, tỷ lệ chuyển đổi và giữ chân khách hàng nhờ công nghệ và quy trình thanh toán đơn giản. Ngân hàng mở giúp doanh nghiệp tối ưu hóa hoạt động, tăng cạnh tranh và thúc đẩy tăng trưởng bền vững với chi phí thấp, hiệu quả cao và ít rủi ro.
Thứ ba, Ngân hàng mở thúc đẩy trao đổi dữ liệu, cung cấp thông tin chi tiết về hành vi tài chính và tăng khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính cho những nhóm ít được phục vụ, chiếm gần 22% dân số Việt Nam. Ngân hàng mở sử dụng dữ liệu giao dịch để đánh giá tình hình tài chính và dự đoán rủi ro tín dụng, giúp các MSMEs chưa có lịch sử tín dụng tiếp cận các khoản vay thiết yếu. Dấu vết dữ liệu tài chính cho phép fintech và tổ chức tài chính phân loại khách hàng, cải thiện thẩm định, giảm rủi ro tài chính và hỗ trợ quản lý tài chính, giúp họ vượt qua thách thức tài chính và tạo cơ hội phát triển.
Sự chuyển dịch sang Ngân hàng mở tại Việt Nam
Ngân hàng mở đã xuất hiện trên thế giới từ lâu nhưng gần đây mới được chấp nhận rộng rãi. Hiện nay, 87% quốc gia đã triển khai Ngân hàng mở qua Giao diện lập trình ứng dụng mở (API). Ở Hoa Kỳ, sự phát triển này chủ yếu do các công ty trong ngành nhận thấy tiềm năng thương mại từ dữ liệu. Ngược lại, châu Âu và Úc phát triển chủ yếu nhờ quy định của chính phủ nhằm khuyến khích cạnh tranh.
Việt Nam, một nền kinh tế mới nổi của Đông Nam Á, đang chứng kiến sự chuyển mình của lĩnh vực ngân hàng - từ một hệ thống khép kín truyền thống sang một hệ sinh thái hợp tác, mở nhờ vào nhu cầu người tiêu dùng tăng cao và các mối quan hệ đối tác đổi mới trong hai năm qua.
Người tiêu dùng Việt Nam ngày càng ưa chuộng các giải pháp số cho nhu cầu tài chính. Trong nửa đầu năm 2024, Ngân hàng Nhà nước ghi nhận 8 tỷ giao dịch không dùng tiền mặt, với thanh toán qua internet tăng 50%, qua thiết bị di động tăng 60% và giao dịch qua mã QR tăng 104%. Chỉ số Thanh toán mới của Mastercard cho thấy sự gia tăng đáng kể trong việc sử dụng ví điện tử, cho thấy nhu cầu đổi mới đang thúc đẩy ngành ngân hàng Việt Nam chuyển hướng sang Ngân hàng mở để đáp ứng kỳ vọng và tiêu chuẩn toàn cầu.
Thực tế, ngành đang tích cực chuyển đổi số 4.0 khi chính phủ và các ngân hàng hàng đều đã nghiên cứu tiềm năng của Ngân hàng mở, phát triển các gói API mở để thúc đẩy chia sẻ dữ liệu và dịch vụ tài chính sáng tạo. Một số ngân hàng đã triển khai hệ thống API mở với nhiều dịch vụ thanh toán, hợp tác với các đối tác như nhà bán lẻ, doanh nghiệp vận tải và nền tảng thương mại điện tử để cung cấp dịch vụ ngân hàng tự động và nhanh chóng.
Nhu cầu của khách hàng, sự quan tâm của chính phủ, các tổ chức tài chính và doanh nghiệp đối với Ngân hàng mở đều rất lớn, với khoảng 70.000 công ty công nghệ và 18.000 công ty phần mềm ở Việt Nam, mở ra tiềm năng lớn cho dịch vụ này.
Tương lai của Ngân hàng mở tại Việt Nam?
Để Ngân hàng mở thành công tại Việt Nam, các bên liên quan (cơ quan quản lý, bên thứ ba và ngân hàng) cần hợp tác để giải quyết thách thức trong ba lĩnh vực quan trọng.
Trước hết, cần xây dựng cơ chế chuẩn hóa cho tương tác giữa ngân hàng và nhà cung cấp bên thứ ba (third-party providers - TPPs), bao gồm mở rộng sản phẩm, tạo giao diện thân thiện với nhà phát triển, cung cấp tài nguyên thử nghiệm và thiết lập thỏa thuận rõ ràng.
Thứ hai, cần thiết lập giải pháp bảo mật để giảm thiểu rủi ro gian lận, bao gồm cơ chế giám sát và chia sẻ thông tin về hoạt động gian lận cùng với mô hình chấm điểm rủi ro hiệu quả, nhằm khuyến khích người dùng sử dụng Ngân hàng mở.
Cuối cùng, cần có quy trình rõ ràng trong quản lý yêu cầu và giải quyết tranh chấp, vì sự tham gia của TPP sẽ gia tăng thách thức, đặc biệt trong thanh toán. Việc xây dựng cơ chế giải quyết vấn đề phát sinh là điều thiết yếu cho hệ sinh thái Ngân hàng mở.
Các nhà hoạch định chính sách cần thiết lập quy định và khung pháp lý hiệu quả, đồng thời tăng cường bảo vệ dữ liệu. Việt Nam đang áp dụng mô hình Ngân hàng mở tương tự EU, tập trung vào quy tắc tiêu chuẩn API mở, sự đồng thuận của khách hàng, bảo mật và yêu cầu hoạt động.
Các ngân hàng, fintech và TPP nên xem các đối thủ cạnh tranh mới là đối tác tiềm năng, góp phần mở rộng quy mô và đa dạng hóa dịch vụ tài chính với chi phí hợp lý.
Là đối tác chiến lược của ngành ngân hàng Việt Nam trong dài hạn, Mastercard cam kết mang đến bề dày kinh nghiệm và giải pháp giúp thúc đẩy quá trình phát triển hệ sinh thái Ngân hàng mở tại Việt Nam. Mastercard với chuyên môn của một công ty công nghệ thanh toán hàng đầu thế giới sẽ giúp kết nối Ngân hàng mở với mạng lưới thẻ và tài khoản ngân hàng toàn cầu. Mastercard có quan hệ đối tác rất chặt chẽ với các tổ chức tài chính, tập đoàn và doanh nghiệp nhỏ, chính phủ và người tiêu dùng tại hơn 210 quốc gia và vùng lãnh thổ. Mastercard kết nối tất cả các bên liên quan trong hệ sinh thái Ngân hàng mở đồng thời sử dụng công nghệ tiên tiến và chuyên môn toàn cầu để đảm bảo thanh toán đơn giản, thông minh, an toàn và liền mạch hơn. Từ góc nhìn của một đối tác quốc tế, Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển Ngân hàng mở. Ngân hàng mở sẽ hỗ trợ cho các cá nhân, tổ chức tài chính, chính phủ và doanh nghiệp đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng hiện đại với các trải nghiệm thanh toán liền mạch, không gián đoạn. Đối với các thị trường mới nổi và đang phát triển, Ngân hàng mở tạo ra cơ hội đổi mới, giảm chi phí và tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ tài chính cho cả những khách hàng hạn chế về khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính.
Xem nhiềuKinh tế
Giá vàng thế giới bứt tốc tăng cao kỷ lục
Kinh tế
Giá vàng nhẫn tăng cao nhất lịch sử
Kinh tế
Thương lái Trung Quốc 'quay xe', giá cau ở Quảng Ngãi lao dốc
Kinh tế
Đề xuất nghỉ 4 ngày Quốc khánh năm 2025, dịp 30/4 nghỉ 5 ngày
Kinh tế
Đăng thảo luận