Trong bối cảnh phát triển du lịch xanh là "chìa khóa" để nâng cao năng lực cạnh tranh của điểm đến, ITE HCMC năm 2024 kỳ vọng mang tới các giải pháp tạo động lực cho loại hình này
Ngày 5-9, Hội chợ Du lịch quốc tế TP HCM (ITE HCMC) năm 2024 đã chính thức khai mạc tại quận 7, TP HCM. Đây là cơ hội để TP HCM học tập quốc tế về những cơ chế, chính sách mang tính động lực nhằm phát triển du lịch trong giai đoạn tăng tốc triển khai thực hiện Nghị quyết 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù.
Du lịch bền vững - Kiến tạo tương lai
Phát biểu tại lễ khai mạc, ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP HCM, cho biết sau hơn 2 năm khôi phục hoạt động, ngành du lịch toàn cầu gần như đã phục hồi so với trước đại dịch COVID-19. Theo Tổ chức Du lịch Liên Hiệp Quốc, trong quý I/2024, đã có hơn 285 triệu khách du lịch quốc tế trên toàn cầu, đạt 97% so với trước đại dịch.
Với Việt Nam, 7 tháng đầu năm 2024, tổng số khách quốc tế đã đạt gần 10 triệu lượt, tăng 51% so với cùng kỳ năm trước và tăng gần 2% so với cùng kỳ năm 2019. Cùng với sự phục hồi về số lượng khách, các xu hướng du lịch cũng đã có nhiều thay đổi.
Thực hiện cam kết của Chính phủ Việt Nam hướng đến mục tiêu phát thải bằng 0, trong thời gian qua, Việt Nam đã triển khai nhiều chương trình, kế hoạch hướng đến phát triển bền vững trong tất cả lĩnh vực, trong đó có du lịch.
"Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Việt Nam và UBND TP HCM đã chọn chủ đề "Du lịch bền vững - Kiến tạo tương lai" cho ITE HCMC năm 2024. Đây là cam kết của Việt Nam nói chung, TP HCM nói riêng về việc triển khai thực hiện có hiệu quả các hoạt động phát triển du lịch gắn với 17 tiêu chí phát triển bền vững của UNESCO và hướng đến việc giảm phát thải, bảo vệ môi trường tự nhiên và văn hóa trong từng hoạt động của hội chợ" - ông Nguyễn Văn Dũng nói.
Một trong những chương trình nổi bật của ITE HCMC năm 2024 là Diễn đàn Du lịch cấp cao chủ đề "Chuyển đổi xanh, Du lịch net zero - Kiến tạo tương lai".
Ông Pavnesh Kumar, Giám đốc Nghiên cứu và Phát triển bền vững Hiệp hội Du lịch châu Á - Thái Bình Dương (PATA), phân tích các điểm đến có thể tạo ra sự khác biệt cho chính mình, bằng cách đẩy mạnh cam kết về tính bền vững và mục tiêu phát thải ròng bằng 0. "Đây là thời điểm vàng của du lịch có ý thức. Các khảo sát cho thấy du khách đến từ Nhật Bản, Hồng Kông (Trung Quốc)... sẵn sàng chi tiêu nhiều hơn cho những lựa chọn du lịch bền vững. Đồng thời, tại Ấn Độ, Việt Nam và Trung Quốc, du khách là những người muốn ưu tiên nhất cho du lịch bền vững" - ông Pavnesh Kumar nói.
Khảo sát về Chỉ số niềm tin du lịch năm 2023 của Booking.com cũng cho thấy 90% người tiêu dùng tìm kiếm các lựa chọn bền vững khi đi du lịch. Chuyên gia của PATA nhấn mạnh các điểm đến cần điều chỉnh chiến lược marketing cho phù hợp với giá trị phân khúc du khách mới nổi này. Các điểm đến tích hợp tính bền vững vào hoạt động tiếp thị có thể chứng kiến lượng khách tăng tới 20% nhờ những du khách có ý thức bảo vệ môi trường.
Các nhà mua hàng trong nước và quốc tế tìm hiểu thông tin tại Hội chợ Du lịch quốc tế TP HCM ngày 5-9
Cần tiêu chí rõ ràng
Lợi thế từ du lịch xanh, chuyển đổi theo hướng phát triển bền vững là tất yếu nhưng một trong những trở ngại được các chuyên gia chỉ ra là chi phí ban đầu khá cao và cần những tiêu chí rõ ràng để doanh nghiệp (DN) triển khai.
Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vietravel, chia sẻ câu chuyện khoảng 5 năm trước, Vietravel là một trong những DN đầu tiên triển khai du lịch xanh, bền vững. Nhưng thời điểm đó, khái niệm trên còn mới mẻ nên không thành công và hiện tại DN đang phải làm lại.
Ba định hướng phát triển chính của Vietravel thời gian tới là DN xanh, số và kinh tế tuần hoàn. DN này đang xây dựng chiến lược trong 10 năm tới nhưng cũng rất lúng túng về tiêu chí, mục tiêu cơ bản xác định tiêu chí xanh, DN xanh. Ví dụ mỗi năm, DN này phục vụ khoảng 1 triệu lượt khách, mỗi người chỉ cần sử dụng 2 chai nước suối thì sẽ thải ra môi trường 2 triệu chai nhựa. Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp nên còn sử dụng hệ thống chuỗi cung ứng của các ngành khác. Nhiều điểm đến đang gặp khó khăn vì ngập rác và cần phải giải quyết nếu không muốn bị ảnh hưởng danh tiếng, thương hiệu.
Để triển khai du lịch xanh hướng tới net zero, ông Nguyễn Quốc Kỳ đề xuất cần xây dựng bộ tiêu chí kết nối các DN và cập nhật, xếp hạng kiểm soát việc phát thải. Ngay từ năm 2025 có thể chọn là năm phân loại rác tại nguồn, chủ động triển khai trước phân loại rác tại nguồn, đồng thời xây dựng bộ tiêu chí kiểm soát lượng phát thải carbon cho ngành du lịch, có điều chỉnh, cập nhật…
Phát biểu tại Diễn đàn Du lịch cấp cao, Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh để thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi xanh trong du lịch hướng tới mục tiêu net zero vào năm 2050, ngành du lịch cần phát triển gắn với đổi mới công nghệ, sử dụng hiệu quả năng lượng, tăng tỉ trọng nguồn năng lượng tái tạo, giảm phát thải khí nhà kính. Ngoài ra, ngành du lịch khuyến khích nghiên cứu đổi mới phương pháp và ứng dụng công nghệ mới nhằm tạo sản phẩm xanh độc đáo, thu hút du khách có trách nhiệm.
"Cần tăng cường quản lý điểm đến, du lịch không rác thải nhựa và carbon thấp, ứng dụng thông minh trong du lịch để khai thác hiệu quả nguồn lực phát triển du lịch. Nâng cao nhận thức về phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh, thúc đẩy hình thành cộng đồng xanh, điểm đến xanh…" - Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh.
Diễn ra từ ngày 5 đến 7-9, ITE HCMC năm 2024 sẽ tiếp 700 lãnh đạo thuộc các tổ chức, DN hàng đầu thế giới trong ngành du lịch đến từ 38 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Đăng thảo luận
2024-10-29 18:25:16 · 来自171.14.91.149回复
2024-10-29 18:34:44 · 来自222.43.159.5回复
2024-10-29 18:44:45 · 来自36.60.226.52回复