Trong môi trường làm việc hiện đại, việc thích nghi với nhóm lao động trẻ đang trở thành một trong những thách thức lớn

"Một cơn ác mộng" là cụm từ được nhiều nhà tuyển dụng dùng để nói về nhân sự mới, nhất là nhóm lao động trẻ (LĐT). Nguyên nhân được cho là vì nhiều người trong nhóm lao động này muốn mọi thứ mà không quan tâm đến lợi ích chung của doanh nghiệp (DN).

Kỳ vọng của doanh nghiệp

Bà Đinh Thị Mộng Kha, Giám đốc vận hành Công ty CP Xích Việt - VietGuys, nhận định LĐT có nhiều ưu điểm như trẻ tuổi, có hoài bão, sáng tạo và khả năng thích ứng nhanh. Song, nhiều người dễ chán nản và khả năng chịu áp lực kém, một phần do được lớn lên trong điều kiện vật chất đầy đủ hơn các thế hệ trước.

Theo bà Kha, nhiều LĐT ban đầu rất nhiệt tình, chủ động đề xuất tham gia dự án mới, gặp gỡ khách hàng và thử sức với những ý tưởng sáng tạo. Tuy nhiên, chỉ sau thời gian ngắn, họ than phiền công việc quá khó. Khi gặp phải phản hồi gay gắt từ khách hàng, có người không thể chịu đựng và xin nghỉ việc vì cho rằng mình đã chọn sai đường. Trong khi đó, nhiều LĐT khác có năng lực nhưng thiếu khiêm tốn.

Với DN, yếu tố quyết định khi đánh giá ứng viên là thái độ, nhất là sự trung thực. Bởi lẽ, trung thực không chỉ là sự thẳng thắn mà còn là việc nhất quán giữa suy nghĩ, lời nói với hành động. Thái độ là yếu tố quan trọng trên mỗi nấc thang sự nghiệp. LĐT cần tự tin, luôn tin vào con đường mình chọn nhưng đừng tự cao.

"Đây là những yếu tố mà DN kỳ vọng đối với LĐT. Nếu nắm bắt được những điểm mấu chốt này, DN có thể xây dựng một thế hệ lao động kế thừa mạnh mẽ và bền vững trong tương lai" - bà Kha nhìn nhận.

 Thu hẹp khoảng cách các thế hệ 第1张

Cùng hướng đến giá trị win-win (chiến thắng) là cách hiệu quả để dung hòa giữa doanh nghiệp và lao động trẻ (Ảnh do Saint-Gobain Việt Nam cung cấp)

Bà Thanh Nguyễn, Giám đốc Điều hành Công ty CP Anphabe, thông tin từ năm 2015, có đến 85% các tổ chức đã thừa nhận hội chứng "generation gap - chia rẽ thế hệ" trong môi trường làm việc. Đến năm 2025, LĐT được dự báo sẽ chiếm khoảng 1/3 lực lượng lao động tại Việt Nam.

"Vì thế, chỉ có sự chia sẻ, thấu hiểu và hòa hợp trong tư duy, cách làm việc, suy nghĩ của nhau, cùng LĐT hướng về giá trị win-win (chiến thắng), mang lại lợi ích cho nhau thì DN mới có thể ổn định nội lực và an tâm phát triển bền vững" - bà Thanh Nguyễn nhấn mạnh.

Tăng cường gắn kết

Bà Nguyễn Thị An Hà, Giám đốc Marketing và Trải nghiệm khách hàng tại Công ty CP Kết nối nhân tài - Talentnet (quận 1, TP HCM), cho rằng cần có cái nhìn cởi mở hơn đối với LĐT. Nhiều LĐT cũng đã thể hiện sự chịu khó và tích cực trong công việc.

Tuy nhiên, bà Hà thừa nhận bản thân chưa thích ứng với cách ứng xử và tư duy của một bộ phận LĐT. Song, giải pháp không phải là chỉ trích mà là làm sao tìm cách dung hòa, thu hẹp khoảng cách. Vì vậy, cách tốt nhất là giúp DN và LĐT tìm được tiếng nói chung, thay vì phản ứng tiêu cực trước sự khác biệt.

"Để nhân sự trẻ phát huy hết tiềm năng, DN cần dung hòa những yêu cầu, mong muốn và mục tiêu của cả hai bên. Mối quan hệ và hợp tác giữa DN với người lao động nằm ở sự cảm thông và đối thoại" - bà Hà nhận định.