Để hỗ trợ khôi phục sản xuất, kinh doanh, Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí... cho người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi bão, lũ sau siêu bão số 3

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 143 về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3 (bão Yagi), nhanh chóng ổn định tình hình, đẩy mạnh khôi phục sản xuất kinh doanh, tích cực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát tốt lạm phát.

Gia hạn, miễn thuế

Theo Chính phủ, bão số 3 (siêu bão Yagi) là cơn bão mạnh nhất trong 30 năm qua trên biển Đông và trong 70 năm qua trên đất liền, với nhiều đặc điểm chưa từng có tiền lệ. Khi vào Việt Nam đã làm 329 người chết, mất tích và gây thiệt hại sơ bộ khoảng 50.000 tỉ đồng.

Nghị quyết của Chính phủ đã nêu 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để khắc phục hậu quả mưa bão, khôi phục sản xuất kinh doanh, tích cực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát tốt lạm phát. Thứ nhất, nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm về bảo vệ tính mạng, an toàn, sức khỏe của nhân dân. Thứ hai, nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm về hỗ trợ khôi phục các hoạt động đời sống, xã hội để ổn định cuộc sống nhân dân. 

Thứ ba, nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm về hỗ trợ các cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh, hợp tác xã, doanh nghiệp để khôi phục nhanh chuỗi sản xuất, cung ứng, lao động, phục hồi và thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, tăng trưởng kinh tế. Thứ tư, nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm về chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với thiên tai, bão lũ, ngập lụt, sạt lở… trong thời gian tới. Thứ năm, nhóm nhiệm vụ, giải pháp về cơ chế, chính sách, giải pháp cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục hành chính để triển khai các chính sách hỗ trợ. Thứ sáu, nhóm nhiệm vụ, giải pháp về kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Để hỗ trợ khôi phục sản xuất, kinh doanh, Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính khẩn trương thực hiện các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất, thuê mặt nước... cho các đối tượng bị ảnh hưởng, thiệt hại bởi bão, lũ, lụt, sạt lở đất. Theo đó, doanh nghiệp (DN), hộ gia đình, người dân bị ảnh hưởng do bão được miễn, giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT), tiêu thụ đặc biệt, tài nguyên và sử dụng đất phi nông nghiệp. Theo Tổng cục Thuế, DN được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế với phần giá trị tổn thất do thiên tai.

Đối với thuế thu nhập cá nhân, đối tượng nộp thuế gặp khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn, bệnh hiểm nghèo ảnh hưởng đến khả năng nộp thuế thì được xét giảm thuế tương ứng với mức độ thiệt hại nhưng không vượt quá số thuế phải nộp. Bên cạnh đó, DN được gia hạn nộp thuế không quá 2 năm; miễn tiền phạt vi phạm hành chính, tiền chậm nộp, gia hạn nộp hồ sơ…

Về thuế tài nguyên, người dân, DN được xét miễn giảm khoản phải nộp cho tài nguyên bị tổn thất. Với thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, các đối tượng được giảm 50% số phải nộp nếu thiệt hại bằng 20%-50% giá tính thuế. Các hộ, cá nhân kinh doanh có thể được giảm thuế thu nhập cá nhân tương ứng với mức độ thiệt hại, nhưng không vượt quá số thuế phải nộp.

Ưu tiên các gói hỗ trợ nhanh chóng

Trao đổi với Báo Người Lao Động, ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa TP Hà Nội, cho biết sau bão số 3 và mưa lũ, các DN cần được hỗ trợ về tài chính và vốn vay ưu đãi; khôi phục hạ tầng; chính sách cho người lao động; thông tin và kết nối thị trường. DN cần tiếp cận các gói hỗ trợ tài chính khẩn cấp, vay vốn với lãi suất ưu đãi để khắc phục thiệt hại, phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh.

 Triển khai loạt giải pháp khôi phục sản xuất 第1张

Bão số 3 gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản ở các tỉnh phía Bắc. Ảnh: MINH CHIẾN

Với Nghị quyết 143 của Chính phủ, ông Mạc Quốc Anh cho rằng cần phân công rõ trách nhiệm cho các cơ quan từ Trung ương đến địa phương trong việc triển khai. Đặc biệt, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành liên quan cùng các địa phương chịu ảnh hưởng để triển khai nhanh chóng các biện pháp hỗ trợ. 

Chính phủ cần thúc đẩy việc sử dụng công nghệ số trong việc theo dõi, giám sát và điều phối các hoạt động hỗ trợ để bảo đảm tính minh bạch, nhanh chóng và chính xác trong việc phân phối nguồn lực hỗ trợ. Đặc biệt, các thủ tục để tiếp cận hỗ trợ cần được đơn giản hóa và rút ngắn thời gian xử lý, giúp DN và người dân nhanh chóng nhận được sự hỗ trợ kịp thời.

Về phía DN, ông Trần Mạnh Báo, Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn ThaiBinh Seed, cho rằng trong bối cảnh khó khăn, để công tác hỗ trợ thực sự hiệu quả, cơ quan chức năng cần xác định rõ những đối tượng nào cần được hỗ trợ và nên hỗ trợ gì. Đơn cử, trong lĩnh vực nông nghiệp, người dân miền núi cần nhất là hỗ trợ giống lúa, giống ngô; ở khu vực đồng bằng sông Hồng cần hỗ trợ giống rau, khoai tây, hoa…

Lãnh đạo Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) cho biết cơ quan này đã đề nghị các DN bảo hiểm phối hợp với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan xác định thiệt hại về người và tài sản của các tổ chức, cá nhân tham gia bảo hiểm. Đặc biệt, thực hiện ngay việc tạm ứng bồi thường, bồi thường và trả tiền bảo hiểm nhanh chóng, kịp thời, đầy đủ cho bên mua bảo hiểm, người thụ hưởng theo thỏa thuận tại hợp đồng và quy định pháp luật.

Xem xét miễn giảm lãi vay

Tại Nghị quyết, Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam chỉ đạo các tổ chức tín dụng chủ động tính toán phương án hỗ trợ, thực hiện cơ cấu lại thời hạn, giữ nguyên nhóm nợ, xem xét miễn, giảm lãi vay cho các khách hàng bị thiệt hại, xây dựng các chương trình tín dụng mới với lãi suất ưu đãi phù hợp, tiếp tục cho vay mới đối với khách hàng để khôi phục sản xuất kinh doanh sau bão theo các quy định pháp luật hiện hành.

Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết ngành NH đã có những chỉ đạo kịp thời nhằm khắc phục hậu quả của cơn bão số 3. Ngay trong ngày đầu tiên đi làm sau bão số 3, NHNN đã có Văn bản số 7417 chỉ đạo các tổ chức tín dụng và NHNN chi nhánh một số tỉnh, thành phố triển khai các giải pháp cấp bách để hỗ trợ khách hàng.

Ghi nhận của phóng viên, đến nay một loạt NH như Vietcombank, Agribank, Eximbank, TPBank, MSB, VPBank, BVBank… đã triển khai chính sách hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi bão, lũ. TPBank giảm tối đa 50% số tiền lãi hiện tại cho khách hàng cá nhân hiện hữu chịu ảnh hưởng bão, lũ gây và giữ cố định mức lãi suất giảm này đến muộn nhất là ngày 31-1-2025. 

VPBank giảm trực tiếp lãi suất cho vay cho tất cả khách hàng cá nhân có khoản vay hiện hữu và tài sản bảo đảm. Các khoản vay trung và dài hạn sẽ được giảm 1%, ngắn hạn giảm 0,5%. Chính sách này áp dụng đến hết năm 2024 tại Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội, Thái Nguyên, Yên Bái...

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA), cho biết ngành NH đã và đang triển khai các giải pháp hỗ trợ khách hàng cá nhân và DN bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3 vừa qua. Giảm lãi suất thậm chí là miễn lãi được nhiều NH thương mại triển khai. 

  • Thủ tướng Chính phủ yêu cầu ứng phó áp thấp nhiệt đới/bão trên Biển Đông

  • Thủ tướng Chính phủ: Xây cầu Phong Châu mới "đảm bảo an toàn trong mọi điều kiện mưa lũ"

Riêng khoanh, giãn nợ hoặc cơ cấu lại thời hạn trả nợ theo các quy định của NHNN cũng đang được triển khai theo chính sách chung. Tuy nhiên, nếu triển khai thêm chính sách hỗ trợ đặc biệt cho khách hàng bị ảnh hưởng bão số 3 cần văn bản quy phạm pháp luật của NHNN để các tổ chức tín dụng thực hiện thuận lợi hơn.

"Nhiều khách hàng không còn tài sản thế chấp. Nếu cho vay mới để có vốn tiếp tục kinh doanh, mua sắm nguyên vật liệu mà vay tín chấp hoặc không đủ điều kiện tiếp cận tín dụng… cần có chính sách hỗ trợ cụ thể để tổ chức tín dụng triển khai. Các quy định cụ thể để NH thương mại triển khai sẽ giúp tiếp sức về nguồn vốn tín dụng để DN sớm vượt qua khó khăn" - ông Nguyễn Quốc Hùng nói. 

Sắp hoàn thành khu tạm cư ở Làng Nủ

Sau hơn một tuần xảy ra trận lũ quét kinh hoàng tại thôn Làng Nủ (huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai), bên cạnh công tác tìm kiếm các nạn nhân mất tích, việc ổn định về nơi ăn chỗ ở cho các hộ dân mất nhà đang được triển khai gấp rút. Tỉnh Lào Cai đang khẩn trương xây dựng một khu nhà tạm với mặt bằng rộng hơn 2.000 m2, mỗi hộ dân sẽ được bố trí từ 50 - 60 m2 diện tích đất ở tạm cư trong thời gian chờ khu tái định cư hoàn thành.

Ông Nguyễn Văn Nhất, Phó Chủ tịch UBND huyện Bảo Yên, cho biết toàn bộ chi phí xây dựng khu nhà tạm cho người dân thôn Làng Nủ là 2 tỉ đồng, do Quỹ Thiện Tâm của Tập đoàn VinGroup hỗ trợ. UBND tỉnh Lào Cai và Đài Truyền hình Việt Nam cũng đang gấp rút triển khai xây dựng khu tái định cư ở thôn Làng Nủ và khu tái định cư ở thôn Nậm Tông, xã Nậm Lúc, huyện Bắc Hà. Kinh phí do Đài Truyền hình Việt Nam tài trợ. Việc xây dựng sẽ hoàn thành trước ngày 31-12-2024.

V.Duẩn

Đơn giản hóa các thủ tục trong đầu tư, xây dựng

Chính phủ yêu cầu Thanh tra Chính phủ, các bộ, ngành tạm ngừng các hoạt động thanh tra, kiểm tra tại các địa phương để các địa phương tập trung khắc phục hậu quả thiên tai, bão lũ. Chính phủ cũng giao các bộ ngành, địa phương có cơ chế, chính sách, giải pháp cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục hành chính trong đầu tư, xây dựng để sớm khắc phục các công trình bị hư hại do thiên tai; chỉ định thầu rút gọn đối với các gói thầu cần thực hiện để khắc phục ngay hoặc xử lý kịp thời hậu quả do bão số 3 và mưa lũ sau bão gây ra.