18 tập đoàn, tổng công ty, công ty mẹ - con ghi nhận lỗ lũy kế là 60.394 tỉ đồng, chiếm hơn 50% tổng số lỗ lũy kế của các doanh nghiệp nhà nước.

18 tập đoàn, tổng công ty chiếm hơn một nửa số nợ của doanh nghiệp nhà nước  第1张

Ngành điện ghi nhận mức lỗ năm 2023 khoảng hơn 26.500 tỉ đồng - Ảnh: P.SƠN

Chính phủ vừa có báo cáo Quốc hội về hoạt động đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp trong phạm vi toàn quốc năm 2023.

Đến cuối năm 2023 có 841 doanh nghiệp có vốn góp của Nhà nước, với 671 doanh nghiệp nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và trên 50% vốn điều lệ.

Doanh nghiệp nhà nước có nợ phải trả lớn hơn vốn chủ sở hữu

Tổng hợp báo cáo về tình hình tài chính, kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của 813 doanh nghiệp cho hay tổng tài sản doanh nghiệp sở hữu là hơn 4 triệu tỉ đồng, tăng 2% so với đầu năm. Vốn chủ sở hữu là 1,88 triệu tỉ đồng, tăng 3%; trong đó Nhà nước đang đầu tư vốn là 1,75 triệu tỉ đồng.

Trong năm 2023, các doanh nghiệp này ghi nhận doanh thu là 2,7 triệu tỉ đồng, tăng 1% so với năm 2022; lãi phát sinh trước thuế là 217.788 tỉ đồng, giảm 13%. Các doanh nghiệp nộp ngân sách là 373.849 tỉ đồng, giảm 3% so với năm 2022.

Đáng chú ý, có 93/813 doanh nghiệp có lỗ phát sinh là 33.794 tỉ đồng; có 169 doanh nghiệp (chiếm 20%) còn lỗ lũy kế là 116.692 tỉ đồng.

  • 18 tập đoàn, tổng công ty chiếm hơn một nửa số nợ của doanh nghiệp nhà nước  第2张

    Thủ tướng yêu cầu doanh nghiệp nhà nước tinh gọn bộ máy, giao nhiệm vụ cho từng 'ông lớn'ĐỌC NGAY

Đặc biệt, tổng số nợ phải trả của doanh nghiệp này là hơn 2 triệu tỉ đồng, nhiều hơn cả vốn sở hữu. 

Trong số này nợ ngắn hạn chiếm tới 57% số nợ phải trả của doanh nghiệp. Tổng giá trị các khoản phải thu là 605.045 tỉ đồng, tăng 5% so với đầu năm 2023.

Các doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và hơn 50% vốn điều lệ nắm chủ yếu tổng tài sản và vốn chủ sở hữu. 

Đây cũng là nhóm các doanh nghiệp có doanh thu, lãi phát sinh cũng như các khoản lỗ chiếm chủ yếu.

Trong đó, 671 doanh nghiệp này hiện nay đang nắm giữ tổng tài sản là 3,8 triệu tỉ đồng, 1,8 triệu tỉ đồng vốn chủ sở hữu và doanh thu là 2,6 triệu tỉ đồng.

Các doanh nghiệp này ghi nhận lãi trước thuế là 211.198 tỉ đồng và nộp nân sách là 365.515 tỉ đồng. 

Dù vậy, doanh nghiệp phát sinh khoản lỗ là 33.703 tỉ đồng và lỗ lũy kế là 115.270 tỉ đồng. Các khoản nợ phải trả là hơn 2 triệu tỉ đồng, trong đó riêng các tập đoàn, tổng công ty có số nợ phải trả là 1,9 triệu tỉ đồng.

Nhiều tập đoàn, tổng công ty còn lỗ lũy kế

Đối với riêng 78 tập đoàn, tổng công ty, công ty mẹ - công ty con nhà nước, có vốn chủ sở hữu là 1,4 triệu tỉ đồng, tăng 2% chủ yếu từ hoạt động sản xuất kinh doanh có lãi. 

Tuy nhiên có 8/78 công ty mẹ được xác định là không bảo toàn được vốn chủ sở hữu do kết quả kinh doanh bị lỗ và còn lỗ lũy kế.

Năm 2023, các doanh nghiệp này có tổng doanh thu là 1,8 triệu tỉ đồng, tương đương với năm trước. Các đơn vị có tổng doanh thu lớn theo số liệu báo cáo hợp nhất tập trung chủ yếu ở các doanh nghiệp có quy mô lớn.

Các doanh nghiệp này ghi nhận mức lãi là 153.718 tỉ đồng, giảm 18% so với năm trước. Tuy nhiên, lỗ phát sinh là 26.958 tỉ đồng và lỗ lũy kế theo báo cáo hợp nhất tại 18 tập đoàn, tổng công ty, công ty mẹ - con là 60.394 tỉ đồng.

Theo đánh giá của Chính phủ, các doanh nghiệp nhà nước cơ bản thực hiện tốt việc phát triển vốn, tài sản, nỗ lực đáp ứng công nghệ, quản trị hiện đại, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. 

Đây là những doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế, là doanh nghiệp đầu tàu, giữ vai trò chủ chốt ở nhiều lĩnh vực, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng; thực hiện chuyển đổi số, hạ tầng số; bảo đảm an ninh lương thực; vận tải; tài chính ngân hàng…

Chưa thể hiện vai trò dẫn dắt, hiệu quả chưa tương xứng nguồn lực nắm giữ

Chính phủ đánh giá doanh nghiệp nhà nước chưa thể hiện rõ vai trò nổi bật trong việc dẫn dắt, tạo động lực, thúc đẩy các thành phần khác phát triển, thúc đẩy liên kết chuỗi giá trị gia tăng….

Tỉ trọng đầu tư vào những ngành, lĩnh vực có tính dẫn dắt, tạo động lực, nhất là những ngành mới như sản xuất năng lượng sạch, tái tạo, công nghệ cao, chip bán dẫn, hydrogen chưa được ưu tiên, chưa có những dự án đầu tư phát triển với quy mô lớn…

Năng lực cạnh tranh, khoa học công nghệ còn hạn chế. Hiệu quả hoạt động chưa tương xứng với nguồn lực nắm giữ nên hiệu quả đầu tư chưa kỳ vọng. Chưa thực hiện đầy đủ quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm để hoạt động theo cơ chế thị trường.

Việc triển khai cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp chưa được quan tâm đúng mức, chưa nghiêm túc nên còn để kéo dài…