Dự thảo Luật Việc làm sửa đổi mới nhất trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bỏ quy định về giới hạn số giờ làm thêm của học sinh, sinh viên.
Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung - Ảnh: GIA HÂN
Chiều 24-9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi).
Quy định mới việc làm thêm của học sinh, sinh viên
Đáng chú ý, tại dự thảo luật mới nhất trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đề xuất quy định mới về việc làm không trọn thời gian của học sinh, sinh viên đang theo học các chương trình giáo dục chính quy.
Theo đó, người lao động là học sinh, sinh viên đang theo học các chương trình giáo dục chính quy đủ độ tuổi lao động theo quy định dự luật này được làm việc theo quy định của pháp luật về lao động.
Đề xuất đóng bảo hiểm thất nghiệp tối đa 1%ĐỌC NGAY
Tiền lương của người lao động là học sinh, sinh viên được thanh toán trên cơ sở thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu theo giờ.
Người lao động là học sinh, sinh viên khi làm việc không trọn thời gian có trách nhiệm thông báo cho cơ sở giáo dục.
Theo dự thảo luật, người sử dụng lao động có trách nhiệm sử dụng lao động là học sinh, sinh viên theo quy định pháp luật về lao động. Cơ sở giáo dục, gia đình có trách nhiệm theo dõi, hỗ trợ người lao động là học sinh, sinh viên trong quá trình làm việc.
Trước đó, dự thảo Luật Việc làm sửa đổi được đưa ra lấy ý kiến hồi tháng 6 - 7 đã đề xuất quy định sinh viên đang học được làm việc nhưng không quá 24 giờ/tuần, nới 4 giờ so với dự thảo luật được lấy ý kiến hồi tháng 3.
Quang cảnh phiên họp - Ảnh: GIA HÂN
Nhiều cải cách chính sách bảo hiểm thất nghiệp
Trước đó, trình bày tờ trình của Chính phủ về dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết dự thảo luật có nhiều nội dung cải cách chính sách bảo hiểm thất nghiệp.
Theo đó, dự luật bổ sung các đối tượng tham gia là người lao động có giao kết hợp đồng lao động xác định thời hạn từ 1 tháng trở lên (hiện nay từ 3 tháng trở lên).
Người làm việc không trọn thời gian, có tiền lương trong tháng bằng hoặc cao hơn tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thấp nhất.
Mức đóng bảo hiểm thất nghiệp cũng quy định linh hoạt theo hướng người lao động đóng tối đa bằng 1% tiền lương tháng. Người sử dụng lao động đóng tối đa bằng 1% quỹ tiền lương tháng của những người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp.
Nhà nước hỗ trợ tối đa 1% quỹ tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của những người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp và do ngân sách trung ương bảo đảm.
Dự luật cũng sửa đổi các chế độ bảo hiểm thất nghiệp. Cụ thể, các trường hợp người sử dụng lao động được hỗ trợ khi có các lý do kinh tế, thay đổi cơ cấu, công nghệ theo quy định tại Bộ luật Lao động; thiên tai, hỏa hoạn, địch họa hoặc dịch bệnh nguy hiểm hay thực hiện quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc di dời hoặc thu hẹp địa điểm sản xuất kinh doanh...
Ông Dung nêu qua tổng kết, chính sách hỗ trợ của bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động hiện rất ít, gần như chỉ chi cho các trường hợp thất nghiệp. Trong khi đó việc duy trì đào tạo, bồi dưỡng, chuyển đổi tay nghề không có hoặc rất thấp.
Ông chỉ rõ vừa qua, chính sách chi cho đào tạo nghề chỉ gói gọn trong 3 triệu đồng là không đủ. Cùng với đó, công tác tư vấn và giao dịch việc làm cũng đang bất cập...
Cũng theo Bộ trưởng Dung, việc chuyển đổi, đào tạo, bồi dưỡng việc làm trước đây thông qua Quỹ quốc gia việc làm song chưa thực sự phát huy được hiệu quả.
Do đó, dự thảo luật lần này được thiết kế để doanh nghiệp, người dân dễ tiếp cận chính sách về bảo hiểm thất nghiệp cũng như có các phương án đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động.
Báo cáo thẩm tra dự luật, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho hay thường trực ủy ban đề nghị đơn vị soạn thảo bổ sung đánh giá tác động, đồng thời có giải pháp để bảo đảm tính khả thi khi mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp.
Bên cạnh đó, cần làm rõ cơ chế xử lý tách bạch số tiền chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm thất nghiệp.
Đăng thảo luận