Phòng trọ rộng 8,4 m2, thêm một gác lửng 5,6 m2, chỉ đủ để nằm ngủ, nhưng con gái tôi và ba bạn sinh viên khác vẫn phải chấp nhận.

"Con gái tôi, cách đây gần hai năm (lúc học đại học năm nhất) đã phải gom tiền cùng ba bạn sinh viên khác để thuê một phòng trong dãy trọ tư nhân (nhiều tầng). Phòng trọ nằm trong hẻm sâu, chỉ rộng khoảng 8,4 m2, có một toilet nhỏ và một gác lửng rộng 5,6 m2. Như vậy, tổng diện tích sử dụng là khoảng 14 m2 cho bốn người, nói chung chỉ đủ để nằm ngủ. Vậy mà giá thuê đã 5 triệu đồng một tháng rồi (chưa kể điện, nước, phí gửi xe...). Ở quê rộng rãi quen rồi nên xuống thành phố đúng là ngộp thở".

Đó là chia sẻ của độc giả Ten trước tình trạng giá thuê trọ khu vực nội thành TP HCM tăng cao khiến mức chi phí dưới 3 triệu đồng trở nên khan hiếm, khó kiếm được phòng sạch đẹp, an ninh. Từ tháng bảy, giá thuê phòng trọ tại TP HCM đã bắt đầu điều chỉnh tăng từ 10-20% so với năm ngoái. Với tầm giá thuê dưới 3 triệu đồng mỗi tháng (gồm điện nước, phí dịch vụ), người thuê nhà phải di chuyển ra các khu vực ngoại thành như quận Bình Tân, 12 hay TP Thủ Đức. Những dãy nhà này cũng khá chật hẹp, diện tích nhỏ, hẻm đi vào sâu, chất lượng môi trường sống không cao.

Đồng cảm với những áp lực khi giá phòng trọ tăng cao so với thu nhập, bạn đọc Yusaku bình luận: "Tôi đang thuê trọ ở Bình Thạnh, TP HCM với giá 2,5 triệu đồng một tháng. Đó là một phòng 12 m2, tầng trệt, không cửa sổ, trần cao 4,5 mét, có điều hòa. Nhưng bếp và nhà vệ sinh tôi phải sử dụng chung với ba người khác. Nói chung, biết là giá phòng cao nhưng tôi cũng đành phải chấp nhận chứ cũng chẳng biết làm sao bây giờ".

"Tôi cũng là sinh viên, đang thuê trọ ở quận Gò Vấp (ở chung hai người). Phòng máy lạnh, có chỗ để xe dưới hầm, phòng nhỏ nhưng có gác lửng, tổng diện tích sử dụng khoảng gần 30 m2, nhưng giá thuê cũng đã 7 triệu đồng một tháng rồi, chưa tính điện nước và giữ xe", độc giả Sonhoamy nói thêm.

>> Tôi sốc với phòng trọ 1,9 triệu đồng ở Hà Nội chỉ đủ duỗi chân

Báo cáo mới đây của Tổng cục Thống kê cho thấy, 6 tháng đầu năm thu nhập bình quân tháng của người lao động là 7,5 triệu đồng, tăng 7,4%, tương ứng tăng 519.000 đồng so với cùng kỳ năm ngoái. Với thu nhập trên, người lao động vẫn rất khó khăn để xoay xở an cư trong bối cảnh chi phí sinh hoạt và giá thuê nhà liên tục tăng như hiện nay.

So sánh với giá thuê trọ ở Thái Lan, độc giả LQL phân tích: "Nhìn giá phòng trọ ở Bangkok, Thái Lan, người dân lao động ở đây vẫn có thể thuê nhà và sinh sống tốt ở nội thành. Bởi vì họ có những khu trọ bình dân, giá thuê chỉ chiếm 30% thu nhập của người dân. Thế nên, chỉ nhờ một đầu thu nhập, một nhân viên bán trà sữa cũng có thể thuê trọ và làm việc tốt tại trung tâm Bangkok, cuối tháng vẫn để dư được 30% thu nhập. Nếu ở chung với người khác thì còn để dành được nhiều hơn nữa.

Ở trung tâm Bangkok (ngang với các khu Quận 1, Quận 3 ở TP HCM) vẫn có các tòa nhà chuyên cho thuê trọ, có bảo vệ, tiếp tân, thang máy, đội ngũ sửa chữa, phòng khoảng 20 m2 hoặc hơn một chút, có tiện nghi cơ bản như giường, nệm, tủ, bàn, máy lạnh... Tòa nào cũ thì giá thuê rẻ, khoảng 5.200 - 5.500 baht một tháng (phòng không máy lạnh chỉ khoảng 3.000 baht); tòa nào mới thì giá thuê tầm 6.000 - 7.000 baht hoặc hơn.

Như vậy, có nhiều sự lựa chọn khác nhau và người lao động tay chân hoàn toàn có thể thuê trọ và làm việc tại trung tâm Bangkok. Vấn đề là lương và thu nhập ở đây họ trả có thể gấp ba lần tiền thuê nhà nên người lao động ở Bangkok vẫn có thể ở trong trung tâm thành phố.

Tòa nhà mà tôi đang ở cũng chỉ có giá thuê 5.200 baht một tháng, sáu năm rồi người ta vẫn chưa tăng giá thuê nhà. Tôi nghĩ có sự khác biệt không hề nhỏ giữa Việt Nam và Thái Lan trong vấn đề phòng trọ, nhà ở".

Lê Phạm tổng hợp