Kế hoạch cao điểm truyền thông về ATTP Hà Nội giai đoạn 2024 – 2025 được ban hành nhằm tạo chuyển biến thực chất trong nhận thức và hành động của các chủ thể bao gồm: người tiêu dùng, người quản lý, người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm.
Đây là hoạt động nhằm góp phần xây dựng nếp sống văn minh, trong đó, an ninh, ATTP được đề cao, trở thành yêu cầu thường trực, bắt buộc; kiên trì đấu tranh trên mặt trận truyền thông với mọi đối tượng, mọi hành vi gây mất an toàn, vệ sinh thực phẩm, gây nguy cơ dịch bệnh, tổn hại đến sức khỏe cộng đồng.

Cao điểm truyền thông về an toàn thực phẩm tại Hà Nội  第1张 Đoàn liên ngành kiểm tra ATTP tại Hà Nội.

Liên quan đến nội dung tuyên truyền, Kế hoạch nêu rõ, truyền thông về ATTP phải thường xuyên, kiên trì tuyên truyền khẳng định và làm nổi bật quan điểm của Đảng ta rất quan tâm đến công tác ATTP.
Nội dung tuyên truyền gắn ATTP với vấn đề an ninh theo tinh thần Chỉ thị số 17-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương; Chỉ thị số 34-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy, coi “An ninh, ATTP là vấn đề hệ trọng, vừa cấp bách, vừa lâu dài; tác động, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ Nhân dân, chất lượng giống nòi dân tộc”.
Các đơn vị, địa phương phổ biến, giáo dục pháp luật về ATTP; phổ biến kiến thức, kỹ năng thực hành đúng về ATTP cho người tiêu dùng, người quản lý, người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm nhằm hạn chế các vụ ngộ độc và các bệnh truyền nhiễm qua thực phẩm.
Mặt khác, các đơn vị tuyên truyền nâng cao nhận thức của người tiêu dùng, không mua thực phẩm không bảo đảm chất lượng, ATTP được bày bán tại lòng đường, vỉa hè; tạo thói quen quét mã QR truy xuất nguồn gốc xuất xứ hàng hóa; tuyên truyền đề cao yếu tố đạo đức của người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm.
Cùng với đó, cơ quan báo chí đưa tin kịp thời về công tác triển khai các giải pháp nhằm bảo đảm ATTP trên địa bàn TP; kịp thời cảnh báo các yếu tố, hành vi có nguy cơ gây mất ATTP từ cả hai phía: người tiêu dùng và người cung ứng thực phẩm.
Bên cạnh đó, các đơn vị, địa phương thông tin tôn vinh các doanh nghiệp, người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm làm tốt công tác ATTP, biểu dương kịp thời các điển hình tiên tiến, mô hình sản xuất, chế biến thực phẩm an toàn; lan tỏa rộng rãi các địa chỉ cung ứng thực phẩm an toàn để người dân, người tiêu dùng thực phẩm ủng hộ, lựa chọn.
Ngoài ra, các đơn vị, địa phương công khai thông tin các doanh nghiệp, người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm mất an toàn, đã bị các cơ quan chức năng xử phạt, nhắc nhở; tiếp tục công khai thông tin nhắc nhở đến khi các đơn vị sau khi đã khắc phục, sửa đổi, bảo đảm ATTP.
UBND TP yêu cầu đẩy mạnh các tuyến tin, bài, sản phẩm truyền thông có nội dung phê phán, đấu tranh với các đối tượng, hành vi vi phạm ATTP, hằng ngày, hằng tuần và trong các dịp cao điểm về ATTP như: Tháng hành động về ATTP, Tết Trung thu, Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán,...
Về hình thức tuyên truyền, UBND TP yêu cầu tuyên truyền trên báo chí; trên trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội; qua tập huấn kiến thức cho các chủ thể; trên Cổng Giao tiếp điện tử Hà Nội, Cổng/Trang thông tin điện tử của các sở, ban, ngành, UBND quận, huyện, thị xã; trên hệ thống thông tin cơ sở và tuyên truyền cổ động trực quan.