Chuyện túp lều gianh cuối cùng bị phá hủy ở phố Paul Bert (nay là Tràng Tiền) tháng 1/1888 được ghi lại trong "Hà Nội thời cận đại".
Ấn phẩm 524 trang, tập hợp những nghiên cứu của tác giả Đào Thị Diến về quá trình Hà Nội chuyển mình là thành phố hiện đại kiểu phương Tây, thủ phủ của Liên bang Đông Dương thuộc Pháp cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20. Nội dung được tuyển chọn từ báo cáo khoa học và loạt bài tác giả viết về Hà Nội đã đăng trên nhiều báo, tạp chí và trang web Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I, dựa trên các tài liệu từ thời Pháp thuộc của đơn vị.
Sách do Nhã Nam phát hành hôm 29/9, dịp kỷ niệm 70 năm Ngày tiếp quản thủ đô (10/10/1954-10/10/2024). Ảnh: Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I
Tác phẩm chia hai phần, mở đầu bằng sự kiện hai cuộc tấn công thành Hà Nội của quân đội viễn chinh Pháp các năm 1873, 1882. Đây được xem là giai đoạn bản lề để định hình diện mạo thành phố.
Theo tài liệu của André Masson trong cuốn Hanoï pendant la période héroïque (1873-1888), ngay sau khi chiếm được nơi đây năm 1883, một đại đội bộ binh do đại úy Retrouvey chỉ huy đã đóng quân tại điện Kính Thiên. Retrouvey cho bịt những cột có chạm trổ đẹp bằng "các bức tường kinh khủng có lỗ châu mai".
Tác giả đề cập việc mở rộng và quy hoạch khu phố Pháp ở phía Tây Hà Nội từ vị trí thành cổ trong những năm cuối của thế kỷ 19. Ngoài ra, bà nhắc đến sự có mặt của Paul Doumer năm 1897, khi ông đến Hà Nội để nhậm chức Toàn quyền. Ngày 20/1/1900, Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp được thành lập, nhằm bảo vệ các di tích lịch sử trên toàn bán đảo Đông Dương, bao gồm Hà Nội.
Bức ảnh cuối cùng về kiến trúc nguyên vẹn của thành Hà Nội. Phía trước là hồ Voi, ô đất trống bên cạnh hiện là Đại sứ quán Trung Quốc. Ảnh: Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I
Quá trình Hà Nội biến đổi từ khu nhượng địa đến "thành phố Pháp" được thể hiện ở phần hai. Tác giả hệ thống 35 bài viết theo tám mục nhỏ, gồm: Khu nhượng địa, Địa giới và tổ chức hành chính thành phố, Giao thông, Phố và đặt tên phố, Văn hóa - Xã hội, Giáo dục, Bảo vệ cảnh quan và các di tích lịch sử, Xây dựng và mở rộng thành phố.
Bà Đào Thị Diến chỉ ra quá trình phát triển đô thị được chính quyền thuộc địa thực hiện song song trên hai lĩnh vực, gồm định hình về mặt địa giới hành chính qua việc xác định và mở rộng địa giới thành phố, xây dựng hệ thống chính quyền gồm hai tổ chức là Hội đồng thành phố và Tòa đốc lý thành phố.
Giao thông Hà Nội thời Pháp thuộc được tái hiện trong loại bài về nguồn gốc xuất hiện tàu điện, xe kéo và cách chúng được khai thác. Qua một số tư liệu phương Tây, diện mạo thành phố dần được Âu hóa ở thế kỷ 19. Quá trình đô thị hóa thể hiện ở các mốc lớn, như tháng 1/1888, những túp lều lợp gianh cuối cùng bị phá hủy ở phố Paul Bert. Năm 1891, Hà Nội có nhà máy sản xuất nước đá. Từ năm 1897, thành phố được rải đá mặt đường, làm vỉa hè, xây cống ngầm, hoàn thành hệ thống cung cấp điện và nước.
Giai đoạn 1920-1945, Hà Nội được mở rộng về phía Nam (khu vực hồ Bảy Mẫu), xuất hiện nhiều công trình như Bảo tàng Louis Finot (nay là Bảo tàng Lịch sử Quốc gia), Sở Tài chính Đông Dương (Bộ Ngoại giao hiện tại), Nhà thương René Robin (hiện là Bệnh viện Bạch Mai).
Route Mandarine (đường Quan Lộ sau đổi tên thành phố Hàng Lọng, nay là đường Lê Duẩn). Ảnh: Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I
Ở cuối sách, tác giả dành một phần phụ lục gồm Bảng tra tên đường, phố, quảng trường, vườn hoa ở Hà Nội trước và sau năm 1954, Lược dẫn tên các nhân vật người Pháp được đặt làm tên phố, quảng trường, vườn hoa và một số công trình ở Hà Nội trước năm 1954. Ví dụ đường Abattoire có từ trước năm 1895, đến trước năm 1930 được gọi là đường 159, đổi thành phố Dương Thị Ái (1945), đường Lương Yên (1951), sau 1954 đến nay là phố cùng tên.
Bên cạnh đó, tác giả đưa ra một số thông tin mới như cầu Long Biên do Daydé và Pillé là người thiết kế và xây dựng, không phải Gustave Eiffel như nhiều người nhầm lẫn. Bà kết luận thông qua các tài liệu của Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I, gồm hồ sơ đấu thầu, nghị định của Toàn quyền Đông Dương chọn công ty Daydé và Pillé làm nhà thầu chính thức.
Bà Đào Thị Diến sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, có nhiều kỷ niệm ở vườn hoa Hàng Đậu, tiếng tàu điện dọc phố Quán Thánh. Với bà, các con phố khắp thủ đô trở thành một phần không thể thiếu của tuổi thơ. "Tôi xin gửi gắm tình yêu sâu đậm với Hà Nội trong cuốn sách này", tác giả nói.
Dự buổi ra mắt sách sáng 29/9, giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Vũ Dương Ninh nhận định ngoài việc cung cấp thông tin, tác giả kết hợp phân tích, đánh giá vai trò của chính quyền thuộc địa, phương pháp quản lý hành chính của họ, thể hiện qua những văn bản, công văn. Giáo sư cũng ấn tượng bảng phụ lục thống kê các tên phố trước và sau năm 1954. "Tiến sĩ Đào Thị Diến đã tìm cho mình một lối riêng qua việc đi sâu nhiều sự kiện lịch sử của Hà Nội qua sách", ông nhận xét.
Tác giả Đào Thị Diến tại sự kiện sáng 29/9. Ảnh: Thúy Hằng
Tác giả Đào Thị Diến 71 tuổi, tốt nghiệp chuyên ngành Sử Thế giới, Đại học Tổng hợp Hà Nội (1970-1975), cộng tác tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I (1975-2008).
Bà là tác giả của nhiều chuyên luận Hà Nội qua tài liệu và tư liệu lưu trữ (1873-1954) (chủ biên), Hệ thống văn bản pháp quy về xây dựng và quản lý Thành phố Hà Nội từ 1885 đến 1954. Tác giả còn tham gia biên soạn các sách Biên niên lịch sử Thăng Long - Hà Nội, Khu phố Tây ở Hà Nội nửa đầu thế kỷ 20 qua tư liệu địa chính, Địa danh hành chính Thăng Long - Hà Nội (từ đầu thế kỷ 19 đến nay).
Phương Linh
Đăng thảo luận