Nhiều người trên 70 tuổi ở Mỹ đang tham gia khóa học nhận biết deepfake trong bối cảnh nhóm này bị lừa 28 tỷ USD mỗi năm.
"Ôi trời ơi", một giáo sư đại học đã nghỉ hưu thì thào trong lớp học về lừa đảo AI, deepfake và thông tin sai lệch ở ngoại ô Chicago.
"Những món đồ công nghệ chúng ta dùng có dính virus không nhỉ?", một cụ bà 75 tuổi bối rối.
"Rồi làm sao để biết nó là thật hay giả?", cụ ông 79 tuổi chăm chú lắng nghe về bài giảng và hỏi người bên cạnh.
Bà Barbara Winston ngồi trước máy tính tìm hiểu về AI. Ảnh: AP
Trong lớp, học viên đều tóc bạc, một số dùng gậy. Họ ngạc nhiên với những thứ đang nghe. Họ - thế hệ đã trải qua thời kỳ của tủ lạnh, radio, cassette, TV màn hình CRT và Internet thời kỳ đầu - đang mày mò tìm hiểu về bước nhảy vọt công nghệ mới nhất và có thể lớn nhất cuối đời họ: AI.
Theo AP, những lớp học như vậy đang xuất hiện trên khắp nước Mỹ nhằm chỉ dẫn người cao tuổi về cách AI thay đổi cuộc sống và nguy cơ tiềm ẩn.
"Tôi chứng kiến nhiều thứ không tưởng được tạo bởi AI, đó là lý do tôi ở đây", bà Barbara Winston, 89 tuổi, một giáo sư đã nghỉ hưu, tham gia lớp ở Northfield, cho biết. "Tôi nghĩ, đây có thể là cuộc cách mạng kỹ thuật lớn nhất mình thấy trong đời."
Winston rời lớp học và bắt đầu tìm hiểu sâu hơn về AI, dù những người khác còn hoài nghi. Khi về nhà, bà tìm đọc sách về công nghệ trên mạng, tải ChatGPT để hỏi những câu bà đang quan tâm.
"Đây là khởi đầu mới. Tôi không lo lắng về việc bảo vệ bản thân bởi đã quá già, nhưng muốn tạo cảm hứng cho mọi người quan tâm hơn về mỗi đe dọa từ AI", bà chia sẻ.
Theo Michael Gershbein, giảng viên tại Northfield, các lớp học được mở nhằm giúp người cao tuổi hiểu cách công nghệ có thể cải thiện cuộc sống, đồng thời cũng khuyến khích người già "hoài nghi cân bằng" về cách AI có thể làm méo mó sự thật.
"Nó rất phức tạp", Gershbein nói. "Người cao tuổi hoài nghi là tốt, nhưng cần đủ cân bằng để không khiến họ bị tê liệt bởi nỗi sợ và không dám làm gì trên môi trường trực tuyến".
Cũng theo ông, mối quan tâm đến lớp học tăng vọt trong chín tháng qua. Thông thường, lớp sẽ bắt đầu từ những câu hỏi "từ ngớ ngẩn đến thực tế và học thuật". Tuy nhiên, điểm chung mà ông thấy là sự chăm chú của học viên trước các thông tin về deepfake, AI và tin giả. Khi ông chiếu một vài video, những người tham gia ngỡ ngàng, không thể tin những thứ giả mạo đang hiển thị trông thật đến mức nào.
Theo Fortune, các nghiên cứu gần đây cho thấy người cao tuổi dễ bị trở thành nạn nhân của lừa đảo AI, dễ tin vào tin giả. Báo cáo của Hiệp hội Người về hưu Mỹ (AARP) công bố năm ngoái cho thấy người Mỹ trên 60 tuổi đã mất 28,3 tỷ USD mỗi năm vì các cuộc gọi tống tiền tài chính, một phần được hỗ trợ bởi AI, deepfake.
Bà Dianne Stone, Phó giám đốc Hội đồng Quốc gia về Người cao tuổi Mỹ, đánh giá việc trang bị cho người cao tuổi kiến thức về AI đáng ra phải làm từ lâu. "Họ cần hiểu không phải mọi thứ nghe hay nhìn thấy trước màn hình đều đúng. Tiếp cận thông tin thường xuyên là tốt, nhưng phải biết tự phân loại", bà nói.
Giáo sư Siwei Lyu tại Đại học Buffalo cho biết việc giúp người già tiếp cận công nghệ mới khá khó do tuổi tác, khiến nhiều người thiếu kiên nhẫn. "Giáo trình cần cân bằng và được thiết kế tốt", Lyu chia sẻ.
"Khi tham gia học, bạn phải đặt câu hỏi thường xuyên để nắm bắt. Thực tế, tôi chỉ hiểu tại lớp và quên ngay khi ra về", bà Linda Chipko, 70 tuổi, tham gia một lớp học AI ở ngoại ô Atlanta, thừa nhận. "Nó không dành cho tôi".
Bảo Lâm (theo AP, Fortune)
- Vấn nạn deepfake mạo danh bác sĩ trên mạng xã hội
- Câu hỏi cứu giám đốc Ferrari khỏi lừa đảo deepfake
- Cách kẻ gian dùng deepfake để lừa hàng triệu USD
- Ba câu chuyện cho thấy sự nguy hiểm của deepfake
- Yêu lầm deepfake Elon Musk, bị lừa tình 50.000 USD
Đăng thảo luận