Phó cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính Nguyễn Duy Hoàng từng cho biết ông nhận được ý kiến cho rằng dịch vụ công trực tuyến tạo thêm gánh nặng, nhiều nơi chạy theo chỉ tiêu.
Cán bộ phường Bến Thành, quận 1, TP.HCM hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến - Ảnh: T.T.D.
Theo ông Hoàng, một số ý kiến cho rằng dịch vụ công trực tuyến hình như tạo thêm gánh nặng cho công chức.
Thực ra dịch vụ công trực tuyến nhằm giúp tiết kiệm thời gian, chi phí cho người dân, doanh nghiệp, cắt giảm khối lượng công việc cho công chức nhưng hiện nay có tình trạng chạy theo chỉ tiêu. Có trường hợp làm trực tuyến vẫn phải chuẩn bị hai bộ hồ sơ giấy dán tem.
Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan cho biết việc hình thành trung tâm cũng nhằm tăng cường hiệu quả kiểm soát thủ tục hành chính, hỗ trợ công tác chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo UBND TP.HCM. Khi trung tâm hình thành, người dân ở đâu cũng có thể được phục vụ. TP sẽ tinh gọn bộ máy để ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ nhanh hơn và đáp ứng được yêu cầu tốt hơn.
Ông Nguyễn Quang Đồng, viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông (IPS), nhìn nhận nếu thực hiện được các công đoạn, mục tiêu như đề án đặt ra, TP.HCM sẽ có cơ sở tạo ra nền công vụ chuyên nghiệp, coi việc cung cấp dịch vụ hành chính là hàng hóa. Với sự tập trung các thủ tục, người dân được nộp hồ sơ không bị ngăn cản theo ranh giới hành chính.
Nói cách khác, doanh nghiệp và người dân được lựa chọn đơn vị cung cấp. Lấy ví dụ chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai quận Phú Nhuận vẫn có thể liên thông gửi hồ sơ để một phường hay phòng chuyên môn của quận 5 kiểm tra hồ sơ và gửi lại để chi nhánh này làm thủ tục cho dân.
Theo ông Đồng, nền hành chính chuyên nghiệp coi việc cung cấp dịch vụ hành chính là hàng hóa buộc các đơn vị phải cạnh tranh với nhau về thái độ, chất lượng và tốc độ phục vụ.
Trung tâm phục vụ hành chính công TP.HCM: Hồ sơ nhà đất Thủ Đức có thể nộp ở Củ ChiĐỌC NGAY
Một đơn vị có thái độ niềm nở, hạn chế việc đi lại của người dân và kết quả trả sớm, đúng hẹn sẽ được nhiều người dân, doanh nghiệp lựa chọn.
Muốn vậy, phải tạo được tính cạnh tranh trong việc cung cấp dịch vụ hành chính giữa các đơn vị.
Thiết kế theo hướng đơn vị nào phục vụ nhiều hơn, giải quyết nhiều hồ sơ hơn sẽ được thưởng nhiều hơn.
Từ sự cạnh tranh, người dân, doanh nghiệp sẽ lựa chọn chi nhánh nào làm tốt, giải quyết hồ sơ nhanh, cung cấp dịch vụ tốt nhất.
Ông Đồng cho rằng: "Cần tập trung các nhóm giải pháp đẩy mạnh thuê dịch vụ đối với các công việc có thể thuê ngoài, thí điểm thuê nhân sự quản lý để giảm áp lực cho cán bộ, công chức. Hay giải pháp đẩy mạnh chuyển đổi số và tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan, đơn vị cũng có thể tạo đột phá về giám sát chất lượng công vụ".
Ông LÊ MINH ĐỨC (phó trưởng Ban Pháp chế, HĐND TP.HCM):
Bố trí nhân lực phục vụ người dân tốt nhất
Việc thành lập Trung tâm hành chính công TP.HCM là việc TP sẽ gom các đầu mối bộ phận phòng cửa từ các sở thành một cấp thống nhất để phục vụ người dân được tốt hơn không phân biệt địa giới hành chính. Người dân ở bất kỳ nơi nào trên địa bàn TP.HCM nộp hồ sơ thì sẽ được thuận tiện, thuận lợi nhất.
Khi thông qua tờ trình về việc thành lập trung tâm này, HĐND TP có lưu ý UBND TP về việc bố trí nguồn lực, nhân lực cơ sở vật chất để đảm bảo việc phục vụ nhân dân tốt nhất. Đã là trung tâm một cửa, một cấp thì cơ sở hạ tầng và nhân lực phải đảm bảo làm sao không còn tình trạng kẹt mạng khiến dân phải chờ đợi.
Thực tế qua báo cáo, HĐND cũng thấy được UBND TP đã chuẩn bị rất tốt về các điều kiện cơ sở vật chất như trang thiết bị, máy tính, các hệ thống dữ liệu liên thông giữa các sở, ngành. Từ đó đảm bảo việc tra cứu, rà soát và thực hiện thủ tục tiếp nhận hồ sơ được nhanh chóng nhất.
Trước đây việc tiếp nhận hồ sơ được phân cho từng khu vực và mỗi người địa phương sẽ có cách làm, cách phục vụ khác nhau tùy vào tính chất của người dân ở từng nơi.
Hiện giờ tập trung lại chắc chắn bước đầu sẽ có những trở ngại. Tuy nhiên đây là mô hình mới và bộ phận phục vụ, tiếp nhận hồ sơ sẽ phải hiểu ý được tâm lý của người dân.
Đội ngũ cán bộ, công chức thành viên trong đội ngũ trung tâm sẽ được đào tạo, huấn luyện để khi có người dân từ các nơi khác đến với tập hồ sơ ta vẫn biết được đặc điểm, tình hình để phục vụ nhân dân.
Bà PHẠM QUỲNH ANH (trưởng Ban Pháp chế, HĐND TP.HCM):
Thí điểm để nhân rộng mô hình
Trung tâm phục vụ hành chính công tại TP.HCM được thực hiện theo chủ trương của Chính phủ. Trong đó thực hiện thí điểm đối với bốn tỉnh, TP gồm: TP.HCM, Hà Nội, Bình Dương và Quảng Ninh.
Việc thực hiện thí điểm nhằm hướng đến việc chuyển từ phân chia bộ phận một cửa thành quản lý tập trung để thống nhất và tạo điều kiện cho việc triển khai tiếp nhận và trả các kết quả hành chính thuận lợi hơn cho người dân, doanh nghiệp, không phụ thuộc vào địa giới hành chính.
Việc thí điểm này là cần thiết, thông qua việc thí điểm sẽ nhân rộng mô hình và hoàn thiện các quy định của pháp luật về tổ chức và hoạt động của bộ phận một cửa và một cửa liên thông hiện nay. Chính phủ cho phép TP.HCM thí điểm thời hạn một năm và UBND TP đã có định hướng chia thành các giai đoạn khác nhau để đảm bảo thực hiện theo lộ trình, tiến tới xây dựng hoàn thiện hơn cho mô hình này.
Luật sư NGÔ HUỲNH PHƯƠNG THẢO (TAT Law Firm):
Tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng phục vụ
Để tổ chức Trung tâm phục vụ hành chính công TP.HCM thành công và hiệu quả, cần tập trung hoàn thiện quy trình tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính.
Mặt khác cần triển khai mạnh mẽ công nghệ thông tin trong việc xử lý hồ sơ và cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Việc số hóa quy trình không chỉ tạo thuận lợi cho người dân mà còn giúp giảm chi phí cho ngân sách TP.
Nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan chuyên môn cũng là yếu tố quan trọng để đảm bảo các chỉ tiêu kế hoạch đề ra được thực hiện đầy đủ. Ngoài ra, cần thực hiện các giải pháp khắc phục điểm nghẽn trong giải quyết hồ sơ và tiến hành kiểm tra, giám sát thường xuyên để duy trì và cải thiện chất lượng phục vụ.
Tất cả các hoạt động này cần được gắn kết chặt chẽ với lộ trình cải cách hành chính và chuyển đổi số của TP.
Đăng thảo luận