Thành công của hai HLV Scaloni và Da la Fuente đặt ra vấn đề: Liệu có cần một HLV danh tiếng để dẫn dắt ĐTQG?
Tây Ban Nha vô địch Euro lần thứ tư một cách cực kỳ thuyết phục với HLV De la Fuente, Argentina vô địch Copa America lần thứ hai liên tiếp xen giữa đó là chức vô địch WC 2022 với HLV Scaloni, điểm chung của họ đều là những HLV chưa nhiều danh tiếng, nhận được nhiều nghi ngờ trước khi trở thành người hùng.
Điều này đặt ra một vấn đề liệu một có cần một HLV quá danh tiếng để dẫn dắt đội tuyển quốc gia hay không?
Từ Scaloni
Tháng 11 năm 2018, Scaloni được bổ nhiệm làm HLV đội tuyển Argentina thay thế cho Sampaoli sau thất bại tại vòng 1/8 của Messi và các đồng đội tại trước Pháp ở WC 2018, nơi mà nhiều nguồn tin cho thấy HLV Sampaoli không còn được các học trò tín nhiệm sau trận thua trước Croatia ở vòng bảng.
Sampaoli không phải là HLV vô danh, khi ông hai lần liên tiếp giúp Chile vô địch Copa 2016, 2017. Tập thể Argentina cũng gồm nhiều tài năng nhưng đội bóng của Sampaoli chơi thứ bóng đá thiếu gắn kết và hỗn loạn và thất bại cũng là điều dễ hiểu.
Sau khi Scaloni được bổ nhiệm, người ta lật lại sự nghiệp của ông, chỉ thấy những thông tin cực kỳ khiêm tốn: Scaloni đã dành phần lớn sự nghiệp chuyên nghiệp của mình với Deportivo ở Tây Ban Nha, ra sân tổng cộng 258 trận đấu và 15 bàn thắng trong 12 mùa giải ở La Liga. Ông cũng đã trải qua vài năm ở Ý, cùng với các đội Lazio và Atalanta.
Ở sự nghiệp HLV, Scaloni càng khiêm tốn hơn: chủ yếu là HLV các đội trẻ của Deportivo.Vào tháng 10 năm 2016, Scaloni gia nhập đội ngũ huấn luyện của người đồng hương Sampaoli tại Sevilla.
Vào tháng 6/2017, khi Sampaoli được bổ nhiệm làm huấn luyện viên mới cho đội tuyển quốc gia Argentina , Scaloni một lần nữa được bổ nhiệm làm trợ lý.
Nhiều người thắc mắc ông ta đã có thành tích gì, triết lý bóng đá là gì... chẳng ai biết và cũng chẳng ai tin ông sẽ thành công, và sự thật thì cho đến hiện tại người ta vẫn không biết triết lý bóng đá của Scaloni là gì dù Argentina có được 3 chức vô địch liên tiếp.
Điểm nhấn chiến thuật rõ ràng nhất của Scaloni có lẽ là đưa một cầu thủ thuận chân trái là Di Maria về đá cánh trái trong trận chung kết World Cup 2022 với Pháp, trong thời điểm mà hầu như HLV nào cũng thích để cầu thủ chân trái đá lệch cánh, điều này làm cho các cầu thủ Pháp bất ngờ và Kounde đã có một đêm ác mộng khi đối đầu với Di Maria, anh góp công trong cả 2 bàn thắng giúp Argentina dẫn trước 2-0 và khi Di Maria được thay ra ở phút 70 cả đội Pháp đều thở phào nhẽ nhõm. Hay là tin dùng Otamendi ở WC 2022, một trung vệ tưởng đã hết thời làm trụ cột ở hàng phòng ngự chứ không phải Lisandro Martinez trung vệ trẻ đang nổi đình đám ở cấp CLB.
Tuy không có dấu ấn chiến thuật rõ nét nhưng Scaloni có được điều mà HLV nào cũng cần: Sự ủng hộ của Messi và các cầu thủ, dễ dàng nhận thấy Argentina dưới thời Scaloni đoàn kết hơn, thi đấu chắc chắn hơn. Messi có thể đi bộ, các cầu thủ khác có thể chạy thay Messi nhưng nó diễn ra đồng bộ và có hệ thống hơn thời của Sampaoli, hệ thống mà Scaloni xây dựng giúp phát huy hết khả năng của Messi.
Đội hình của Argentina ở WC 2022 ngoài Messi, những cầu thủ còn lại đều chưa đạt đến một nửa đẳng cấp của anh, nhưng họ rất đoàn kết, đều ra sân với tinh thần chiến đấu cao nhất và cố gắng giúp siêu sao Messi của họ phát huy phẩm chất tốt nhất.
Mặc dù thành công của Scaloni không thể có nếu không có những khoảng khắc xuất thần của Messi trong nhưng nó cũng chứng minh cho mọi người thấy khả năng quản lý phòng thay đồ, nghệ thuật đắc nhân tâm, khả năng xây dựng đội bóng dựa vào những con người có sẵn của Scaloni và nó tạo nên thành công cho ông ngày hôm nay.
Đến De La Fuente
Giống như Scaloni, Fuente được bổ nhiệm thay Luis Enrique sau WC 2022, nơi mà Tây Ban Nha thất bại ở vòng 1/8 trước Maroc, Enrique là một HLV có danh tiếng cực cao với cú ăn ba thời còn dẫn dắt Barcelona và Tây Ban Nha dưới thời của ông nổi tiếng với lối đá kiểm soát bóng tốt nhất thế giới.
Tuy nhiên ở World Cup 2022 Tây Ban Nha thất bại trước Maroc ở loạt sút luân lưu dù kiểm soát bóng tới 79%, nhưng chỉ có 1 cú sút trúng đích hay thất bại 2-1 trước Nhật Bản dù kiểm soát bóng 81%, người hâm mộ nhìn đội bóng của Enrique chỉ chuyền lẩn quẩn, không có tính sát thương cao, các pha chuyển đổi trạng thái chậm, thường mất 4-5 đường chuyền bóng mới được đưa lên tuyến trên, khi đó đối phương đã kịp lùi về bố trí phòng ngự.
De la Fuente được bổ nhiệm với bản CV công việc: Vô địch U19, U21 châu Âu, Á quân Olympic 2020... thành tích của Fuente chủ yếu nằm ở giải trẻ, năng lực của ông chưa điểm kiểm chứng ở môi trường bóng đá đỉnh cao ở cấp câu lạc bộ và tất nhiên là ai cũng nghi ngờ năng lực của ông.
De la Fuente thấy được vấn đề của bóng đá Tây Ban Nha những năm gần đây, khi Xavi, Busquet, Iniesta giải nghệ hoặc từ giã đội tuyển quốc gia, Tây Ban Nha đã không còn phù hợp với triết lý kiểm soát bóng nữa vì thiếu những nhân tố cần thiết, bù lại họ có những cầu thủ tấn công tài năng và có tốc độ như Lamine Yamal, Dani Olmo hay Nico William.
Vì vậy ông đã cho Tây Ban Nha chơi nhanh hơn, trực diện hơn, ở Tây Ban Nha hiện giờ ta có thể thấy các trung vệ sẵn sàng phất dài lên tuyến trên cho bộ đôi này đua tốc độ, điều hiếm thấy dưới thời Enrique, hay chỉ cần 1 đến 2 đường chuyền họ đã đưa bóng từ sân nhà sang sân đối phương.
Mặc dù khi cần họ vẫn kiểm soát bóng rất tốt như trong trận chung kết gặp Anh hay Ý ở vòng bảng nhưng Tây Ban Nha bây giờ không quá chú trọng vào thời lượng kiểm soát bóng, họ sẵn sàng chơi phòng ngự và nhường quyền kiểm soát bóng cho đối phương như trong trận gặp Đức hay Croatia miễn sao luôn đảm bảo kết quả tốt nhất thuộc về mình.
Các cầu thủ Tây Ban Nha dưới thời Fuente dù có danh tiếng như Rodri hay kém danh như Merino, Okazabal, hay một cầu thủ bị đánh giá là bom xịt của Chelsea là Cucurella..., đều chơi như lên đồng trong hệ thống của Fuente, họ luôn đoàn kết, sẵn sàng hỗ trợ nhau. Chức vô địch Nation League 2023 hay Euro 2024 là minh chứng cho cách dùng người và cách xây dựng đội bóng linh hoạt của De la Fuente
Tất nhiên không HLV nào mà không có triết lý của mình nhưng cái hay của Scaloni hay De La Fuente là không cứng nhắc, biết tùy cơ ứng biến, biết thay đổi để sử dụng tốt nhất những con người mà mình có, họ biết đặt những cầu thủ mà mình có vào vị trí giúp họ phát huy tốt nhất khả năng, biết xây dựng không khí gia đình ,đoàn kết và giúp các cầu thủ luôn thi đấu với tinh thần cao nhất.
Và Park Hang-seo
Trước năm 2018 hầu như không ai biết ông Park là ai. Trước khi đến Việt Nam ông Park cũng khá lận đận trong sự nghiệp HLV, khi ông có ý định kiếm việc tại Trung Quốc trước khi nghỉ hưu.
Khi đến Việt Nam, ông Park cũng nhận được nhiều nghi ngờ về năng lực nhưng sau 5 năm ở Việt Nam ông đã trở thành HLV thành công nhất lịch sử bóng đá Việt Nam.
Dưới thời ông Park, Việt Nam trở thành một đội bóng cực kỳ khó chịu với các ông lớn châu Á, cực kì khó bị đánh bại ở Đông Nam Á, quan trọng là người hâm mộ luôn thấy các cầu thủ vui vẻ trong tập luyện, thi đấu luôn với tinh thần cao nhất, luôn đoàn kết và hết mình tới những phút cuối cùng... ông Park cũng đã xây dựng đội bóng từ những cầu thủ đã thất bại ở người tiền nhiệm, xây dựng đội tuyển như một gia đình, xây dựng cho họ và người hâm mộ niềm tin chiến thắng khi ra sân và điều đó đóng góp không nhỏ đến thành công của ông Park trong 5 năm tại vị
Trên thế giới không ít HLV thành công với triết lý của mình. Triết lý là điều quan trọng để xây dựng một đội bóng trong quá trình dài nhưng triết lý nào muốn thành công thì phải có những con người phù hợp và Scaloni hay De La Fuente đã minh chứng đôi khi ở đội tuyển quốc gia sự phù hợp lại quan trọng hơn triết lý.
*Bạn có đồng ý quan điểm của tác giả? Gửi bài tại đây.
Phương Đường Kính
Đăng thảo luận