Trong khi các VĐV thi đấu kém may mắn tại Thế vận hội, tối qua, chúng ta có thêm 2 hoa hậu, 6 á hậu.
Sáng nay đọc báo, đập vào mắt tôi là thông tin, chỉ riêng trong đêm 3/8, từ hai giải thi đang tổ chức, chúng ta có thêm 2 hoa hậu và 6 á hậu. Ông bạn uống cà phê chung trợn mắt: "Hoa hậu bây giờ nhiều dữ vậy?".
Trên mạng xã hội, một người chịu khó tổng hợp các cuộc thi hoa hậu, con số lên đến ngoài một trăm.
Tôi nhớ khi xưa, để khen một cô nàng nào đó, nhiều người sẽ ví von "đẹp như hoa hậu", "đẹp như người mẫu. Sau đó, sự so sánh bị chuyển qua "đẹp như diễn viên Hàn Quốc". Rồi sau tất cả, chẳng ai còn lấy người mẫu, hoa hậu ra để khen nhau nữa.
Có nhiều yếu tố góp phần tạo nên hiện tượng này. Đầu tiên phải kể đến yếu tố thương mại. Các cuộc thi nhan sắc ngày càng trở thành một "mỏ vàng" cho các đơn vị tổ chức. Chính vì vậy, nhiều đơn vị đã không ngần ngại đầu tư tổ chức các cuộc thi. Thế nhưng, tổ chức càng nhiều giải, nhiều cô gái sẽ sẽ trở nên bão hòa.
Bạn thử để ý xem, những cô hoa hậu đăng quang gần đây đều gặp vấn đề tranh cãi ngay trong đêm công bố kết quả.
Khi khán giả trở nên ngán ngẩm, danh hiệu hoa hậu sẽ mất đi giá trị. Khi có quá nhiều người đẹp đăng quang, danh hiệu hoa hậu sẽ trở nên phổ biến và không còn mang tính đặc biệt.
Chất lượng của các cuộc thi cũng bị ảnh hưởng. Để thu hút sự chú ý, nhiều đơn vị tổ chức đã không ngần ngại sử dụng các chiêu trò gây sốc nhằm tạo sự chú ý. Điều này đi ngược lại với giá trị của một cuộc thi nhan sắc.
Câu hỏi các tân hoa hậu sẽ làm gì để xứng đáng với danh hiệu mà mình đã đạt được, công chúng cũng chẳng còn buồn hỏi. Vì bây giờ quá nhiều hoa hậu, chẳng ai có đủ thì giờ để xem họ làm gì sau cuộc thi.
Tôi quay sang nói với ông bạn: Ước gì thể thao Việt Nam trên đấu trường Olympic cũng tưng bừng như các cuộc thi hoa hậu. Nếu được đọc tin các vận động viên Việt Nam đoạt huy chương, dù chỉ là huy chương đồng, tôi (và chắc nhiều người khác) sẽ thấy vui hơn là có quá nhiều hoa hậu.
Phương Quang
Đăng thảo luận