Người dân Thái Lan sơ tán lũ lụt. Ảnh: AFP.
Cho đến hôm nay 12/9, hàng triệu người trên khắp Đông Nam Á vẫn phải vật lộn với các ngôi nhà bị ngập nước, bị cắt điện và cơ sở hạ tầng bị hủy hoại sau khi bão Yagi quét qua khu vực, trong khi số người chết đã vượt qua 200.
Bão Yagi đổ bộ vào Việt Nam vào cuối tuần qua, mang theo một trận mưa khổng lồ, nhấn chìm một vùng rộng lớn của miền Bắc Việt Nam, Lào, Thái Lan và Myanmar, gây ra sạt lở đất chết người và lũ lụt rộng khắp các con sông.
Tại Việt Nam, nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất, số người chết đã lên đến 197.
Một nông dân Việt Nam cho AFP biết toàn bộ vườn đào rộng 1.800 mét vuông của anh đã bị ngập, phá hủy tất cả 400 cây đào. "Việc phục hồi từ tổn thất này sẽ rất khó khăn đối với tôi - tôi nghĩ tôi sẽ mất tới 40.000 USD trong mùa này" - ngời nông dân tên Tu cho biết. "Tôi thực sự không biết phải làm gì bây giờ, tôi chỉ đang chờ nước rút".
Cắt đứt liên lạc
Nước lũ đã tàn phá hơn 250.000 hécta cây trồng và số lượng lớn gia súc, Bộ Nông nghiệp Việt Nam cho biết, với đất nông nghiệp xung quanh Hà Nội bị ảnh hưởng nặng nề.
Những người đi làm ở một số khu vực của thủ đô Việt Nam đã phải lội qua nước lũ màu nâu, sâu đến đầu gối, mặc dù các quan chức cho biết mức nước sông trong thành phố đang giảm dần sau khi đạt mức cao nhất trong 20 năm hôm 11/9
Hàng nghìn người đã bị buộc phải sơ tán khỏi nhà, trong khi những người khác đang vật lộn với tình trạng mất điện, và ở một quận bị ảnh hưởng nặng nề ở vùng ngoại ô Hà Nội, hơn 15.000 người đã bị ảnh hưởng bởi lũ lụt - theo AFP. Hãng tin Pháp cũng đưa tin về hai vụ sạt lở đất ở Lào Cai gây thiệt hại to lớn về người, gồm cả vụ sạt lở vùi lấp toàn bộ thôn Làng Nủ gồm 37 ngôi nhà.
Cảnh báo Luang Prabang
Ủy ban Sông Mekong, cơ quan quốc tế giám sát con đường thủy quan trọng này, đã đưa ra cảnh báo lũ lụt vào ngày 12/9 cho thành phố lịch sử Luang Prabang của Lào.
Dự báo sông Mekong sẽ đạt mức lũ lụt ở di sản thế giới Luang Prabang, một di sản thế giới của UNESCO, vào 12/9, ủy ban cho biết trong một thông báo.
Tại Thái Lan, số người chết đã tăng lên 8 người, sau khi 4 người nữa được báo cáo từ một vụ sạt lở đất ở tỉnh Chiang Mai, theo thống đốc tỉnh Nirat Pongsitthaworn.
Ở phía Bắc, quận Mae Sai giáp biên giới với Myanmar đang trải qua trận lũ lụt tồi tệ nhất trong 80 năm, Suttipong Juljarern, một quan chức cấp cao của Bộ Nội vụ cho biết trong một tuyên bố.
Chính phủ Thái Lan đã huy động quân đội để hỗ trợ công tác cứu trợ, triển khai ba trực thăng để thực hiện khảo sát trên không tình hình.
Các chùa Phật giáo, cùng với khách sạn và khu nghỉ dưỡng, đã mở cửa để tiếp nhận gần 1.000 người bị lũ lụt đẩy ra khỏi nhà, chính phủ cho biết.
Tại MYa Lũ lụt ở Myanmar nghiêm trọng nhất xung quanh thủ đô thấp trũng Naypyidaw của chính quyền quân sự, trong khi thị trấn Taungoo cũng đang bị đe dọa bởi mức nước sông đang dâng cao.
Báo Global New Light of Myanmar, tờ báo do nhà nước quản lý, cho biết dịch vụ tàu hỏa trên tuyến chính giữa Yangon và Mandalay đã bị đình chỉ vì một số đoạn bị ngập.
Mưa rào nặng hạt tấn công Đông Nam Á hàng năm, nhưng biến đổi khí hậu do con người gây ra đang làm cho các kiểu thời tiết trở nên dữ dội hơn, khiến lũ lụt phá hoại trở nên có khả năng xảy ra nhiều hơn.
Biến đổi khí hậu đang khiến bão hình thành gần bờ biển hơn, mạnh lên nhanh hơn và lưu lại lâu hơn trên đất liền, theo một nghiên cứu được công bố vào tháng Bảy.
Tham khảo thêm
Đăng thảo luận