Liên hợp quốc thông qua thỏa thuận 56 điểm cho tương lai thế giới
(Dân trí) - Các thành viên Liên Hợp Quốc đã thông qua một thỏa thuận được mô tả là đột phá, mang tính bước ngoặt để giúp thế giới có thể giải quyết các mối đe dọa và thách thức.
Trụ sở Liên hợp quốc tại New York, Mỹ (Ảnh: Reuters).
AFP đưa tin, các nước thành viên Liên hợp quốc ngày 22/9 đã thông qua một bản kế hoạch được mô tả là mang tính đột phá nhằm vạch ra hướng đi để khép lại các cuộc chiến trên toàn cầu, mối đe dọa về môi trường và thách thức công nghệ mà con người đang phải đối mặt.
Tổng thư ký Antonio Guterres, người ủng hộ "Hiệp ước vì tương lai", đã ca ngợi "các thỏa thuận mang tính bước ngoặt là một bước thay đổi hướng tới chủ nghĩa đa phương hiệu quả hơn, toàn diện hơn, kết nối mạng lưới hơn".
Đây là sự kiện mở màn cho tuần lễ cấp cao thường niên của Đại hội đồng Liên hợp quốc, dự kiến sẽ bắt đầu vào ngày 24/9.
Các nhà lãnh đạo cam kết củng cố hệ thống đa phương để "bắt kịp với một thế giới đang thay đổi" và "bảo vệ nhu cầu và lợi ích của các thế hệ hiện tại và tương lai" đang phải đối mặt với "cuộc khủng hoảng dai dẳng".
"Chúng tôi tin rằng có một con đường dẫn đến tương lai tươi sáng hơn cho toàn thể nhân loại", văn bản nêu rõ.
Hiệp ước liệt kê ra 56 "hành động", bao gồm các cam kết về chủ nghĩa đa phương, duy trì Hiến chương Liên hợp quốc và gìn giữ hòa bình.
Thỏa thuận cũng kêu gọi cải cách các tổ chức tài chính quốc tế và Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, cùng với những nỗ lực mới nhằm chống biến đổi khí hậu, thúc đẩy giải trừ quân bị và định hướng phát triển trí tuệ nhân tạo.
Trong giai đoạn đàm phán, Tổng thư ký Liên hợp quốc đã thúc giục các quốc gia thể hiện "tầm nhìn" và "lòng can đảm", kêu gọi "tham vọng tối đa" để củng cố các thể chế quốc tế trước các mối đe dọa hiện nay.
Một số ý kiến cho rằng thỏa thuận này vẫn chưa đảm bảo được sự đột phá như kỳ vọng. Tuy nhiên, một nhà ngoại giao nhận định, đây vẫn là "cơ hội để khẳng định cam kết chung của chúng ta đối với chủ nghĩa đa phương, ngay cả trong bối cảnh địa chính trị khó khăn hiện nay", đồng thời nhấn mạnh nhu cầu xây dựng lại lòng tin giữa các nước Bắc và Nam Bán cầu.
Theo AFP
Đăng thảo luận