Lão hóa miễn dịch, trình trạng suy giảm về năng lực thể chất và tinh thần của những người trên 60 tuổi, là mối nguy đe dọa chất lượng dân số.
Trong hội thảo tại thành phố Wavre, Bỉ hôm 25/9, trả lời VnExpress, bác sĩ Alexander Liakos, Phó Chủ tịch, Trưởng khối Y khoa toàn cầu của GSK, nói hệ miễn dịch suy yếu dần khi con người già đi. Đây được gọi là hiện tượng "lão hóa miễn dịch".
Cụ thể, từ độ tuổi ấu thơ đến khi trưởng thành, hệ miễn dịch được huấn luyện và hoàn thiện hơn nhờ tiếp xúc các tác nhân gây bệnh thông qua cơ chế tự nhiễm hoặc tiêm phòng bằng vaccine. Cơ thể hình thành trí nhớ miễn dịch giúp hệ miễn dịch phản ứng lại mầm bệnh một cách dễ dàng hơn.
Hệ miễn dịch đạt đỉnh cao khi ở độ tuổi trưởng thành. Sau thời điểm đó, nó bắt đầu suy yếu khi tuổi càng lớn. Lúc này, dân số người lớn tuổi dễ mắc các bệnh truyền nhiễm như cúm, Covid-19, ho gà, phế cầu khuẩn hay zona thần kinh. Bên cạnh đó, họ cũng có nhiều khả năng mắc các bệnh lý nền và bệnh tiềm ẩn hơn, ông Liakos giải thích.
Nghiên cứu trên 4 triệu hồ sơ sức khỏe tại Anh cho thấy sau độ tuổi 40 hoặc 50, số lượng bệnh lý đi kèm tăng theo cấp số nhân. Bệnh lý nền khiến nguy cơ nhập viện vì các bệnh truyền nhiễm thường quy như zona thần kinh hoặc virus hợp bào hô hấp (RSV) tăng cao hơn.
Dữ liệu của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ cho thấy các bệnh lý nền như béo phì, bệnh lý đường hô hấp, hút thuốc, tim mạch (rất thường gặp ở người lớn tuổi) khiến tỷ lệ nhập viện vì nhiễm RSV tăng lên.
Đến năm 2030, ước tính dân số trên 60 tuổi toàn thế giới là khoảng 1,4 tỷ người. Đến năm 2050, con số này chạm mốc 2,1 tỷ. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mọi quốc gia đều có sự tăng trưởng về cả quy mô và tỷ lệ người lớn tuổi. Các nước thu nhập thấp và trung bình trải qua sự thay đổi lớn và nhanh nhất. Đến năm 2050, hai phần ba dân số thế giới trên 60 tuổi sẽ sống ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình.
Theo WHO, vấn đề tất yếu song hành với dân số già là lão hóa. Ở cấp độ sinh học, lão hóa là kết quả của sự tích hợp các thay đổi về mặt chất lượng và số lượng tế bào theo thời gian. Điều này dẫn đến suy giảm về năng lực thể chất và tinh thần, nguy cơ mắc bệnh ngày càng tăng và cuối cùng là tử vong.
Người cao tuổi chơi cờ tại một khu phố ở Singapore, tháng 1/2024. Ảnh: AFP
Gánh nặng bệnh tật ở người lớn tuổi
Tại một số quốc gia trên thế giới, người dân sống thọ, song chất lượng cuộc sống không cao do tình trạng bệnh tật. Theo Bộ Y tế, người dân Việt Nam có tuổi thọ tương đối cao nếu so với các quốc gia có cùng mức sống, nhưng lại có số năm sống với bệnh tật nhiều. Mỗi người Việt Nam trung bình có tới 10 năm phải sống với bệnh tật vì vậy ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng sống.
Theo báo cáo của Viện Y tế McKinsey (MHI), hiện nay, người dân thế giới dành nhiều năm sống trong tình trạng sức khỏe kém hơn bất kỳ thời điểm nào trong lịch sử. Dù tuổi thọ trung bình toàn cầu đã tăng gấp đôi từ năm 1800 đến năm 2017 (từ 30 lên 73 tuổi), báo cáo cho thấy tỷ lệ người dân sống trong tình trạng sức khỏe kém hoặc trung bình vẫn không đổi ở mức 50%.
Chất lượng cuộc sống của người cao tuổi bị ảnh hưởng sau khi mắc các loại bệnh truyền nhiễm cấp tính như viêm phổi do RSV hoặc zona thần kinh. Các yếu tố như chất lượng giấc ngủ, khả năng làm việc, giao tiếp xã hội và thực hiện các hoạt động hàng ngày đều suy giảm.
Dự phòng là lời giải
Bên cạnh các biện pháp thông thường, chuyên gia nhận định dự phòng bệnh tật giúp giải quyết được gánh nặng y tế và kinh tế do lão hóa miễn dịch cũng như các bệnh truyền nhiễm, nhất là các bệnh có thể phòng ngừa bằng vaccine.
Trích dẫn nghiên cứu tại Italy về lợi ích kinh tế khi tiêm chủng cho người cao tuổi, ông Liakos cho biết ảnh hưởng tài chính của cúm mùa thông thường là gần một tỷ USD, bệnh zona thần kinh là 4,4 triệu USD, bệnh phế cầu khuẩn là 130 triệu USD.
Trong khi đó, việc dự phòng các bệnh nói trên sẽ tiết kiệm lần lượt 142 triệu USD, 330.000 USD và 15,4 triệu USD cho ngân sách. Phòng ngừa cũng góp phần tiết kiệm nguồn lực y tế, ngăn ngừa bệnh mạn tính và tình trạng kháng kháng sinh.
Một trong những lợi ích lớn hơn của chương trình dự phòng là ý tưởng về công bằng xã hội, ông Liakos nói thêm.
Ông giải thích, những người thuộc nhóm kinh tế, xã hội thấp lại có nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm cao hơn. Điều này đôi khi khiến họ phải nghỉ làm, cách ly với gia đình và những người xung quanh. Các chương trình phòng bệnh với trọng tâm là tiêm chủng mang đến cơ hội giảm nguy cơ mắc bệnh, từ đó đem lại sự bình đẳng về chăm sóc sức khỏe cho mọi người.
"Nhiều người qua ngưỡng 50 tuổi vẫn đóng góp tích cực cho xã hội, đang làm việc, có gia đình và giữ vai trò quan trọng trong cộng đồng. Vì vậy, xã hội có trách nhiệm bảo vệ nhóm này, không chỉ vì lợi ích cá nhân của họ mà còn vì tầm quan trọng đối với cộng đồng", ông Liakos nhận định.
Thục Linh
Đăng thảo luận