'Nuôi một đứa con, chỉ là ăn uống, mưu sinh cơ bản, cũng tiêu tốn ít nhất 12 triệu đồng mỗi tháng, tôi chẳng còn đồng nào phòng thân'.
"Tiền đi học mẫu giáo hai triệu đồng; tiền bỉm, sữa hai triệu đồng; tiền điện nước hai triệu đồng; ăn uống năm triệu đồng. Vậy là mỗi tháng gia đình tôi chi tiêu ít nhất 12 triệu đồng với một đứa con. Tức là, để nuôi được một con, mỗi người vợ, người chồng như chúng tôi cần kiếm được ít nhất bảy triệu đồng một tháng (hai người là 14 triệu đồng). Đó mới chỉ là ăn uống, mưu sinh cơ bản. Ngoài ra, chúng tôi cũng chẳng để thừa được gì, phòng lúc ốm đau, chưa nói đến mua nhà.
Chúng ta không thể so sánh với các nước phát triển ở phương Tây vì ở đó cơ sở vật chất, chế độ phúc lợi hầu hết đều được miễn phí. Nói đơn giản, chỉ riêng nước sạch thôi, cứ ra công viên là có thể tự uống thẳng từ vòi và không mất tiền. Y tế cũng được giảm đến 87% mặc định cho tất cả sản phẩm. Còn ở ta, kinh tế còn hạn chế, mọi thứ đều phải tự bỏ tiền, nên sinh con và nuôi con thực sự là một điều không hề đơn giản".
Đó là chia sẻ của độc giả DoctorWho trước bối cảnh tỷ lệ sinh của Việt Nam là 1,96 - thấp nhất lịch sử, ảnh hưởng về lâu dài tới phát triển kinh tế, xã hội đất nước. Thu nhập thấp là nguyên nhân hàng đầu khiến người trưởng thành không kết hôn, trường hợp lập gia đình sẽ không sinh con hoặc sinh một.
Đồng quan điểm, bạn đọc Tuấn Tài bày tỏ trăn trở trước những gánh nặng kinh tế khi sinh con: "Qua cái thời 'trời sinh voi, sinh cỏ' rồi. Hầu hết mọi người ngày nay đều ý thức việc phải đảm bảo cho con cái sinh ra có một tương lai đầy đủ, hơn là sinh ra để làm vui cửa vui nhà.
Tôi chứng kiến nhiều họ hàng của mình thuộc thế hệ 9X vội vàng lập gia đình khi mới 18-20 tuổi, trong tay không có gì, không việc, không tiền tiết kiệm. Họ vội kết hôn để thỏa mãn nhu cầu sớm có cháu bế của ông bà. Tôi đã cật lực phản đối nhưng những đứa trẻ vẫn được sinh ra và sống nheo nhóc, thiếu ăn. Nhìn thấy thương nhưng tôi cũng không thể giúp gì được, chỉ trách người già, người lớn thiếu suy nghĩ".
"Chưa cần nói đến thời gian làm việc, chỉ cần tính đến chi phí nuôi một đứa con thôi thì tôi chắc chắn các bạn trẻ chẳng ai muốn sinh con nữa. Việt Nam đang rất yếu ở khâu tạo điều kiện cho người trẻ sinh con. Ngay cả việc tầm soát bệnh trước hôn nhân để có một thế hệ con cái khỏe mạnh mà chúng tôi cũng phải tự bỏ tiền túi ra hàng chục triệu đồng để tự thăm khám mà không có bất kỳ hỗ trợ nào cũng đủ để người ta chùn bước", độc giả Phanmanhhabk nói thêm.
>> Nỗi lo người trẻ 'con không có nhưng chó 6 con'
Thực tế, hầu hết các nước đã để tỷ lệ sinh thấp kéo dài vài thập kỷ mới thực hiện chính sách khuyến sinh là quá muộn. Nguồn hỗ trợ tài chính mà chính phủ một số nước đưa ra giúp gia đình có thể nuôi dạy được hai con còn hạn chế.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cải thiện thu nhập cho người dân để khuyến khích tăng sinh, độc giả Hoangkhuong bình luận: "Gia đình tôi sẵn sàng sinh hai con khi thu nhập cơ bản của hai vợ chồng đủ lo cho con. Thứ hai là cơ quan chức năng nên tạo điều kiện để con được học tại địa phương tạm trú với chi phí hợp lý khi con đến tuổi đi học. Chứ hiện tại tôi đang phải gửi con về quê mới được đi học với chi phí rẻ".
Lấy dẫn chứng từ thực tế nuôi con của mình, bạn đọc Duyr kết lại: "Tôi là người đang nuôi hai con nhỏ, thấy rằng khó khăn của đa số các gia đình hiện nay là:
Thứ nhất, thiếu người chăm sóc con nhỏ, đặc biệt trẻ dưới ba tuổi. Hết thời gian nghỉ thai sản sáu tháng tới khi trẻ đi học mẫu giáo là giai đoạn các cặp vợ chồng trẻ phải gồng mình trong việc chăm con. Vợ tôi đã phải nghỉ việc hẳn để ở nhà chăm con.
Thứ hai, thời gian học ở bậc tiểu học cũng là khó khăn rất lớn. Nếu gia đình có hai con đang đi học thì nguyên việc đưa đón con (mỗi ngày bốn lượt một trẻ) cũng rất khó khi mà thời gian đó bố hoặc mẹ vẫn phải đi làm ở cơ quan. Như gia đình tôi 7h đưa con đi học, 10h đón về, 13h lại đưa đi, 16h lại đón về.
Theo cá nhân tôi, việc tăng thu nhập cũng rất tốt, nhưng giải quyết các khó khăn trên cũng không kém phần quan trọng. Nếu không thì dù có tăng tỷ lệ sinh nhưng chất lượng của việc giáo dục những công dân tương lai cũng sẽ không tốt. Khi đó, chúng ta sẽ có một thế hệ lao động đông về số lượng nhưng chất lượng không cao. Cuối cùng, hậu quả sẽ là một xã hội mãi đi làm thuê những công việc giản đơn trong khi xu hướng là tự động hóa và chuyên môn hóa cao".
- 'Sinh con đi, ông bà nuôi cho'
- 'Đẻ đi rồi tính'
- 'Lương dưới 15 triệu khó đẻ thêm con'
- Sống không con cái vì sợ phải chịu gánh nặng
- Nỗi vất vả gồng gánh cha mẹ già vì tôi là con một
- Tôi không cố sinh con chỉ vì sợ bị xem là ích kỷ
Đăng thảo luận