"Lời khuyên dành cho thầy cô" trong thời đại toàn cầu hóa
(Dân trí) - Chỉ cần vài cú nhấp chuột, ai cũng có thể tìm ra câu trả lời cho hầu hết các vấn đề. Vậy, nếu không còn là nguồn cung cấp kiến thức duy nhất, vai trò của giáo viên ở thời đại này là gì?
Giới trẻ ngày nay có điều kiện tiếp cận nhiều thứ thú vị bên ngoài lớp học. Việc đến trường sẽ dễ trở thành trải nghiệm phát chán nếu những gì tiếp nhận được từ thầy cô không có sự gắn kết thiết thực với cuộc sống hiện đại của các em.
Theo quan niệm từ xưa, giáo dục là tích lũy kiến thức, vai trò của thầy cô là cung cấp kiến thức, nhiệm vụ của học sinh là ghi nhớ tất cả những gì được truyền dạy. Tuy nhiên, tư tưởng này không còn phù hợp với thời đại chúng ta đang sống - nơi cơ hội tiếp cận thông tin ngày càng rộng mở cho mọi người nhờ sự phát triển như vũ bão của mạng Internet. Vậy, nếu không còn là nguồn cung cấp kiến thức duy nhất, vai trò của giáo viên ở thời đại này là gì?
"Lời khuyên dành cho thầy cô" là một cuốn cẩm nang dành cho nhà giáo được viết bởi Giáo sư John Vu.
Câu trả lời sẽ được tìm thấy trong "Lời khuyên dành cho thầy cô", một cuốn cẩm nang dành cho nhà giáo được viết bởi Giáo sư John Vu. Là người Mỹ gốc Việt, tác giả đã có hàng chục năm tham gia vào môi trường giảng dạy ở Mỹ cùng nhiều quốc gia khác. Đặc biệt, với chuyên môn trong lĩnh vực khoa học và công nghệ máy tính, ông hiểu rõ các biến đổi không ngừng của thời đại số và ảnh hưởng của chúng lên cuộc sống của con người.
Qua từng trang sách, các giáo viên không chỉ có cái nhìn toàn cảnh về hệ thống giáo dục trong thời đại toàn cầu hóa, mà còn được cung cấp một bộ kỹ năng giảng dạy hiện đại để phát triển kiến thức chuyên môn, khả năng tiếp cận tương thích với thời đại mới, và hơn nữa là nuôi dưỡng sợi dây gắn kết giữa thầy và trò.
Hiểu biết thấu đáo về môn học
Trên thực tế, ở Việt Nam vẫn còn tồn tại tư duy "môn chính - môn phụ": Văn, Toán, Lý, Hóa là các môn chính, còn lại là môn phụ. Trong khi đó, kiến thức từ tất cả các môn học đều có giá trị tương đương trong việc phát triển đất nước.
Ngay từ khi còn là sinh viên ở giảng đường sư phạm, các thầy cô cần phải hiểu rõ tại sao mình chọn môn học này là chuyên ngành mà không phải là môn học khác. Ví dụ, thầy cô chọn dạy môn Sử vì chính bản thân tin rằng truyền dạy bài học từ quá khứ sẽ giúp học sinh có nền tảng văn hóa vững vàng để tạo dựng tương lai.
Khi chính người giáo viên có đam mê và niềm tin vào ý nghĩa của môn học, không ngừng trau dồi kiến thức để hiểu thấu đáo về những điều mình dạy, học sinh sẽ cảm nhận được niềm say mê tri thức trong từng giờ học với họ.
Giá trị cốt lõi của giáo dục suy cho cùng không phải là răn dạy để các em thành tài, mà trước đó nên là hướng các em thành nhân.
Khả năng truyền đạt tri thức
Một nhà toán học hay một thông dịch viên tiếng Anh có thể rất giỏi trong lĩnh vực của họ, nhưng việc truyền đạt cho người khác một cách thu hút và thấu đáo thì lại là chuyện khác.
Khả năng sư phạm không chỉ nằm ở hiểu biết chuyên ngành mà còn nằm ở kỹ năng giao tiếp. Đã qua rồi thời "thầy đọc - trò chép", lớp học ngày nay đang chuyển hướng trở thành không gian của thảo luận bình đẳng giữa giáo viên và học sinh, đòi hỏi phương pháp giảng dạy mang tính chia sẻ, gợi ý, khuyến khích và cộng tác.
Không phải dọa nạt hay gò ép, sự kiên nhẫn và cởi mở trong thảo luận và phản biện mới là thứ cần hướng tới trong kỹ năng sư phạm của các quý thầy cô giáo.
Khiến môn học lý thuyết trở nên thích ứng với cuộc sống
Thực tế thường thấy là nhiều giáo viên chỉ dạy đi dạy lại một nội dung kiến thức suốt mấy chục năm làm nghề. Hệ quả là học sinh không được tiếp cận kiến thức phù hợp với thời đại, đồng thời giáo viên cũng dần đánh mất nhiệt huyết nghề nghiệp.
GS John Vu chia sẻ, trong công việc giảng dạy về công nghệ phần mềm ở nhiều trường đại học, ông thường tham khảo báo chí, tin tức thời sự để đổi mới tài liệu dạy học mỗi năm, xây dựng giáo trình dựa trên những chủ đề, sự kiện mà học sinh quan tâm. Sự mới mẻ tạo nên những giờ học sống động, giúp hoạt động dạy và học trở thành hành trình thú vị cho cả thầy và trò.
Quan tâm đến học sinh
Với truyền thống "tôn sư trọng đạo", nhiều thầy cô đã không sẵn lòng bộc lộ thái độ thân thiện với học sinh, bởi e ngại rằng các em sẽ đánh mất sự tôn kính và không nghe lời.
Tuy nhiên, tác giả lại cho rằng việc tạo dựng mối quan tâm ở khía cạnh cá nhân không hề là sự dễ dãi hay hạ thấp chuẩn mực người thầy, mà sẽ giúp giáo viên nhìn thấy tính cách và nền tảng năng lực khác nhau ở từng học sinh, từ đó có hướng hỗ trợ phù hợp với điểm mạnh - điểm yếu của mỗi em. Về phía học sinh, khi cảm nhận được sự quan tâm từ thầy cô, các em sẽ thoải mái chia sẻ quan điểm, trở nên dạn dĩ, tự tin và độc lập trong tư duy.
Giá trị cốt lõi của giáo dục suy cho cùng không phải là răn dạy để các em thành tài, mà trước đó nên là hướng các em thành nhân. Việc đến trường nên được xây dựng thành những trải nghiệm thú vị bởi thầy cô không chỉ là người truyền dạy mà còn là người đồng hành cùng các em. Khi giá trị của mỗi học sinh không bị đè nén bởi ganh đua điểm số và thứ bậc, các em sẽ có niềm tin vào bản thân cũng như tin vào một nền xã hội văn minh.
"Lời khuyên dành cho thầy cô" là tác phẩm thuộc bộ sách về giáo dục được viết bởi Giáo sư John Vu với tâm huyết góp phần kiến tạo một thế hệ Việt Nam ưu việt. Đến với bộ sách này, thầy cô, học sinh, sinh viên và các bậc cha mẹ sẽ tìm được những góc nhìn rộng mở, những kỹ năng hữu ích để xây dựng con đường phát triển cho mỗi cá nhân phù hợp với thời đại tri thức.
Theo First News
Đăng thảo luận