Zuha Siddiqui, 30 tuổi, đang xây nhà tại Karachi, Pakistan, dự định để bố mẹ sống ở tầng trệt, còn bản thân sống ở tầng trên, không con cái.

Siddiqui là nhà báo tự do, viết bài cho các ấn phẩm trong và ngoài nước. Cô là một trong số những người trẻ ở Nam Á không muốn sinh con.

Tỷ lệ sinh đang giảm tại khu vực này, tương tự phần còn lại của thế giới. Theo Ayo Wahlberg, giáo sư Đại học Copenhagen, tỷ lệ sinh cần thiết để duy trì dân số là 2,1 con trên một phụ nữ. Ấn Độ hiện có tỷ lệ 2, dự kiến giảm xuống 1,29 vào năm 2050 và 1,04 vào năm 2100. Con số của Nepal, Bangladesh lần lượt là 1,85 và 2,07.

Tại Pakistan, tỷ lệ sinh vẫn ở mức 3,32. Tuy nhiên, những người trẻ như Siddiqui không hiếm, báo hiệu xu hướng giảm trong tương lai. Siddiqui cho biết quyết định không sinh con của cô xuất phát từ vấn đề tài chính. Tuổi thơ của cô gắn liền với bất ổn kinh tế. Bố mẹ cô không có kế hoạch tài chính cho con cái. Bạn bè cô, những phụ nữ ở độ tuổi 30, cũng quyết định tương tự.

Siddiqui cho biết sẽ giữ quyết định này ngay cả khi kết hôn. Cô lo lắng về tương lai và khả năng chi trả cho cuộc sống. Lạm phát, chi phí sinh hoạt, thâm hụt thương mại và nợ nần khiến kinh tế Pakistan bất ổn. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã phê duyệt khoản vay 7 tỷ USD cho nước này vào tháng 9/2024.

Kinh tế tăng trưởng chậm, lạm phát, thiếu việc làm và nợ nước ngoài là vấn đề chung của các nước Nam Á. Khủng hoảng chi phí sinh hoạt khiến nhiều cặp vợ chồng phải làm việc nhiều hơn, ít thời gian cho cuộc sống cá nhân và con cái.

Nhà xã hội học Sharmila Rudrappa đã thực hiện một nghiên cứu về tình trạng "vô sinh không chủ ý" ở những người làm công nghệ thông tin tại Hyderabad, Ấn Độ, xuất bản năm 2022. Nghiên cứu xem xét việc các cá nhân không bị vô sinh, nhưng có thể đưa ra quyết định dẫn đến vô sinh sau này do hoàn cảnh.

Những tình nguyện viên cho biết họ thiếu thời gian tập thể dục, nấu ăn và dành cho các mối quan hệ. Công việc khiến họ kiệt sức, ít thời gian cho giao tiếp xã hội.

Lựa chọn không sinh con của người trẻ Nam Á  第1张

Trẻ em đang chơi trên xích đu trong lễ kỷ niệm Eid al-Adha ở Karachi, Pakistan. Ảnh: Reuters

Tương tự, Mehreen, 33 tuổi, sống tại Karachi cùng chồng, bố mẹ chồng và ông bà nội. Cặp đôi làm việc toàn thời gian và đang phân vân về việc sinh em bé. Về mặt tình cảm, họ muốn có con, nhưng lý trí thì không. Chi phí nuôi con là một trong những lý do khiến họ gần như chắc chắn sẽ không làm điều này.

Mehreen cho biết thế hệ trước coi việc nuôi con là khoản đầu tư, họ kỳ vọng con cái sẽ chăm sóc khi về già. Suy nghĩ này không còn phù hợp với thế hệ của cô do suy thoái kinh tế. Cô cũng lo ngại về việc phân chia trách nhiệm nuôi dạy con cái. Xã hội kỳ vọng cô sẽ là người gánh vác việc này nhiều hơn chồng, mặc dù cả hai đều kiếm tiền.

Ngoài ra, biến đổi khí hậu cũng phần nào tác động. Mehreen lo lắng về việc nuôi dạy con cái trong điều kiện môi trường ô nhiễm, tương lai bất định. Cô nhớ lại khi còn nhỏ, bản thân không bao giờ đắn đo khi ăn hải sản.

"Giờ đây, tôi phải suy nghĩ rất nhiều, xét đến vi nhựa và tất cả những thứ tương tự. Nếu bây giờ đã tệ như vậy, 20-30 năm nữa sẽ ra sao?", cô nói.

Trong tuyển tập tiểu luận Apocalypse Babies, tác giả kiêm giáo viên người Pakistan Sarah Elahi đã ghi lại những khó khăn khi làm cha mẹ trong thời điểm lo lắng về khí hậu. Biến đổi khí hậu từng là vấn đề bị phớt lờ trong thời thơ ấu của cô ở Pakistan. Tuy nhiên, khi nhiệt độ toàn cầu đang tăng, cô nhận thấy con cái và học sinh của mình sống trong "nỗi lo âu".

Nhiều chuyên gia và tổ chức, chẳng hạn Save the Children, cho rằng tác động của biến đổi khí hậu sẽ khiến cuộc sống khó khăn hơn trong những năm tới.

Siddiqui nhận ra việc có con là không khả thi khi cô viết bài luận về môi trường. "Bạn có thực sự muốn mang một đứa trẻ đến một thế giới - nơi thảm họa luôn rình rập - sau khi bạn chết không?", cô đặt câu hỏi.

Các chuyên gia từ Hội đồng Đại Tây Dương (Mỹ) và Đại học College London (UCL), đồng ý rằng Nam Á là một trong những khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu.

Báo cáo Chất lượng Không khí Thế giới năm 2023 của IQAir cho thấy các thành phố ở Nam Á, bao gồm Bangladesh, Pakistan và Ấn Độ, có chất lượng không khí kém nhất trong số 134 quốc gia được theo dõi.

Theo đánh giá do Nhóm Nghiên cứu Môi trường tại Đại học Imperial College London công bố tháng 4/2023, chất lượng không khí kém ảnh hưởng đến mọi khía cạnh của sức khỏe con người. Các nhà khoa học chỉ ra rằng phụ nữ mang thai hít thở không khí ô nhiễm có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi. Chất lượng không khí xấu gây sảy thai, thai chết lưu. Đối với những phụ nữ trẻ như Siddiqui và Mehreen, đây là lý do để không sinh con.

Siddiqui đã xây dựng mối quan hệ bền vững với bạn bè và những người xung quanh. Nếu mọi thứ diễn ra một cách lý tưởng, cô cho biết mình sẽ sống trong một cộng đồng với bạn bè của mình. Tuy nhiên, nỗi sợ hãi cô đơn đôi khi vẫn xuất hiện trong tâm trí cô.

Một tuần trước khi nói chuyện với tờ Al Jazeera, cô ngồi trong quán cà phê với hai người bạn, những phụ nữ ở độ tuổi cuối 30 cũng không muốn có con. Họ kể về nỗi sợ ra đi trong cô quả.

"Đó là điều ám ảnh tôi khá nhiều", Siddiqui nói với bạn bè.

Nhưng giờ đây, cô gạt bỏ điều đó khỏi tâm trí, cho rằng điều này thật vô nghĩa.

"Tôi không muốn có con chỉ để có người chăm sóc khi tôi 95 tuổi. Tôi nghĩ điều đó thật nực cười", cô bày tỏ.

Thục Linh (Theo Al Jazeera)