Mỹ lên tiếng sau cảnh báo đanh thép của Tổng thống Putin về vũ khí tầm xa

(Dân trí) - Mỹ không có kế hoạch thay đổi chính sách liên quan đến việc Ukraine sử dụng vũ khí phương Tây để thực hiện các cuộc tấn công tầm xa vào lãnh thổ Nga.

Mỹ lên tiếng sau cảnh báo đanh thép của Tổng thống Putin về vũ khí tầm xa  第1张

Binh sĩ Ukraine chuẩn bị đạn pháo gần Bakhmut (Ảnh: AFP).

"Không có thay đổi nào trong quan điểm của chúng tôi về việc cung cấp khả năng tấn công tầm xa để Ukraine tiến hành vào lãnh thổ Nga", người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby tuyên bố hôm 13/9.

"Tôi không mong đợi bất kỳ thông báo quan trọng nào về vấn đề đó", ông Kirby nói, ngụ ý đến quyết định có thể sẽ được công bố sau các cuộc họp giữa Tổng thống Joe Biden và Thủ tướng Anh Keir Starmer tại Washington.

Cuộc gặp giữa Tổng thống Biden và Thủ tướng Starmer dự kiến sẽ thảo luận về nhiều vấn đề toàn cầu mà cả hai bên cùng quan tâm, bao gồm việc tiếp tục hỗ trợ mạnh mẽ cho Ukraine trong việc phòng thủ chống lại Nga.

Khi được các phóng viên hỏi rằng liệu ông có dỡ bỏ lệnh hạn chế sử dụng vũ khí tầm xa cho Ukraine hay không, Tổng thống Biden cho biết: "Chúng tôi đang xem xét vấn đề này ngay bây giờ".

Theo một số nguồn tin phương Tây, hạn chế có thể được dỡ bỏ ngay trong tuần này, sau chuyến thăm Kiev của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và người đồng cấp Anh David Lammy.

Trong khi đó, Điện Kremlin tuyên bố Nga sẽ đáp trả "thích đáng" nếu Mỹ dỡ bỏ lệnh hạn chế đối với Ukraine bằng cách cho phép Kiev sử dụng tên lửa do Mỹ cung cấp để tấn công các mục tiêu bên trong lãnh thổ Nga.

Ông Kirby cho biết Mỹ coi những lời đe dọa của Tổng thống Nga Vladimir Putin là "nghiêm túc". "Đây không phải lần đầu chúng tôi nghe thấy những tuyên bố như vậy. Ông ấy đã chứng minh khả năng hành động quyết liệt", ông Kirby nhấn mạnh.

"Ông Putin bắt đầu vung thanh kiếm hạt nhân. Chúng tôi quan tâm đến điều đó và chúng tôi liên tục theo dõi các hoạt động đó", người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ cho biết thêm.

Tổng thống Putin cảnh báo, phương Tây sẽ phải đối đầu trực tiếp với Nga nếu cho phép Ukraine thực hiện những cuộc tấn công tầm xa vào lãnh thổ Nga.

"Nếu phương Tây quyết định cho phép Ukraine sử dụng vũ khí viện trợ để tấn công Nga, điều đó đồng nghĩa các quốc gia NATO như Mỹ và các nước châu Âu tham gia trực tiếp vào cuộc chiến ở Ukraine. Dĩ nhiên, điều này làm thay đổi đáng kể bản chất của cuộc xung đột", ông nhấn mạnh.

Phát biểu tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ngày 13/9, Đặc phái viên Nga Vassily Nebenzia nhấn mạnh, các nước NATO sẽ bị coi là "khởi động chiến tranh mở" với Nga nếu cho phép Ukraine sử dụng vũ khí tầm xa.

"Nếu quyết định như vậy được đưa ra, điều đó có nghĩa là các nước NATO đang bắt đầu một cuộc chiến tranh mở chống lại Nga. Khi đó, rõ ràng chúng tôi sẽ buộc phải đưa ra những quyết định thích hợp và phương Tây sẽ phải gánh hậu quả", ông nói.

Một số nguồn tin cho rằng Anh có thể thay đổi lập trường của mình liên quan đến việc cho phép Ukraine sử dụng tên lửa Storm Shadow cho các cuộc tấn công tầm xa.

Các quốc gia khác như Thụy Điển, Phần Lan và Canada cũng lên tiếng trong những ngày gần đây rằng họ hoàn toàn ủng hộ Ukraine sử dụng vũ khí do phương Tây cung cấp để tấn công sâu vào Nga.

Theo Reuters