Xử lý nghiêm hành vi gian lận, lừa đảo khi phát hành, chào bán chứng khoán
Trình bày Tờ trình, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, trước sự thay đổi của tình hình kinh tế - xã hội, các văn bản pháp luật về tài chính cũng đã phát sinh một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện nên cần phải được rà soát, nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung. Chính phủ đã rà soát, tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện các luật trong lĩnh vực tài chính - ngân sách và xác định 7 luật cần sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.
Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày Tờ trình. Ảnh: Quochoi.vnMục đích quan trọng xây dựng luật là đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong việc xây dựng cơ chế, chính sách, pháp luật, quy hoạch, kiểm tra, giám sát. Thúc đẩy đơn giản hóa thủ tục hành chính và phát triển công nghệ thông tin, chuyển đổi số; xóa bỏ cơ chế xin - cho. Đặc biệt, khơi thông, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển, lấy đầu tư công, nguồn lực Nhà nước dẫn dắt và kích hoạt mọi nguồn lực hợp pháp khác.
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế, Luật Dự trữ quốc gia gồm 10 điều; sửa đổi, bổ sung một số quy định của 7 luật hiện hành.
Về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung nhóm quy định về nâng cao tính minh bạch, hiệu quả trong hoạt động phát hành, chào bán chứng khoán gồm: các quy định về nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp; quy định chào bán chứng khoán ra công chúng; quy định về chào bán chứng khoán riêng lẻ; quy định về công ty đại chúng;
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung hoàn thiện các quy định để tăng cường công tác giám sát và xử lý nghiêm các hành vi gian lận, lừa đảo trong hoạt động phát hành, chào bán chứng khoán, quy định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan, bảo đảm hiệu quả phòng ngừa, xử lý vi phạm trên thị trường chứng khoán, gồm: Bổ sung quy định về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan đến hồ sơ, tài liệu báo cáo; Sửa đổi, bổ sung quy định về các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động về chứng khoán và thị trường chứng khoán; Sửa đổi, bổ sung quy định về hủy bỏ đợt chào bán.
Các đại biểu Quốc hội dự Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XV. Ảnh: Quochoi.vnCùng đó, Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung nhóm các quy định để tháo gỡ các vướng mắc trong thực tiễn, thúc đẩy sự phát triển của thị trường chứng khoán với mục tiêu nâng hạng thị trường chứng khoán, cụ thể là hoàn thiện cơ sở pháp lý để thực hiện được hoạt động bù trừ, thanh toán các giao dịch chứng khoán trên thị trường theo cơ chế đối tác bù trừ trung tâm (CCP) trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế, Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung nhóm quy định về tạo nguồn lực cho phát triển kinh tế xã hội thông qua mở rộng cơ sở thu, chống thất thu thuế, bao gồm: Sửa đổi, bổ sung quy định về nguyên tắc khai thuế, tính thuế nhằm mở rộng cơ sở thu, bảo đảm công bằng, bình đẳng trong hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số; Sửa đổi, bổ sung quy định liên quan đến khai thác, chia sẻ dữ liệu giữa cơ quan thuế với các cơ quan liên quan.
Thao túng thị trường chứng khoán là hành vi bị nghiêm cấm
Trình bày Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh cho biết, về hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động chứng khoán và thị trường chứng khoán, cơ quan thẩm tra cơ bản nhất trí bổ sung thao túng thị trường chứng khoán là hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động về chứng khoán và thị trường chứng khoán quy định tại Điều 12 của Luật hiện hành để thống nhất với quy định tại Khoản 1 Điều 211 của Bộ luật Hình sự.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh trình bày Báo cáo thẩm tra. Ảnh: Quochoi.vnTuy nhiên, đa số ý kiến đề nghị cần rà soát, bổ sung quy định các hành vi được coi là thao túng thị trường chứng khoán khi được xác định bởi cơ quan có thẩm quyền, tránh trường hợp quy định tại luật các dấu hiệu về hành vi bị nghiêm cấm có tính chất tương đồng với các hoạt động nghiệp vụ thông thường của các công ty chứng khoán, các thành viên thị trường, nhà đầu tư khi tham gia thị trường.
Liên quan điều kiện và hồ sơ chào bán chứng khoán ra công chúng, cơ quan thẩm tra cơ bản nhất trí với đề xuất sửa đổi, bổ sung Điểm g Khoản 3 Điều 15 của luật hiện hành theo hướng một trong các điều kiện chào bán chứng khoán ra công chúng là đáp ứng quy định của Chính phủ về đại diện người sở hữu trái phiếu, hệ số nợ, giá trị phát hành trên vốn chủ sở hữu và có xếp hạng tín nhiệm.
Tuy nhiên, theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh, quy định về xếp hạng tín nhiệm đã có từ luật hiện hành nhưng đến nay việc triển khai chưa đạt hiệu quả cao, số lượng các doanh nghiệp xếp hạng tín nhiệm còn hạn chế, đề nghị Chính phủ cần đẩy mạnh việc áp dụng xếp hạng tín nhiệm tổ chức phát hành, tiến tới xếp hạng tín nhiệm về trái phiếu phát hành như một số nước để bảo đảm tính công khai, minh bạch.
Đăng thảo luận