Trong những nỗ lực nhằm củng cố nền kinh tế, các quốc gia Nam Á và Đông Nam Á đã thúc đẩy cấp thị thực dài hạn cho dân du mục kỹ thuật số.

Số lượng dân du mục kỹ thuật số, những người làm việc từ xa không bị ràng buộc với một địa điểm cụ thể, thường hoạt động trong lĩnh vực công nghệ hoặc tự kinh doanh, đã tăng vọt kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Họ thường chọn làm việc tại các điểm đến du lịch nổi tiếng.

Sri Lanka, một trong những quốc gia thu hút lượng lớn dân du mục kỹ thuật số, đang cân nhắc cấp thị thực dài hạn cho những đối tượng này. Với mục tiêu thu hút thêm lượng lớn du khách, kế hoạch này nhằm giúp vực dậy nền kinh tế sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2022, một phần bắt nguồn từ tình trạng thiếu hụt ngoại tệ.

Nam Á, Đông Á thúc đẩy thị thực cho dân du mục kỹ thuật số  第1张 Nam Á, Đông Nam Á thúc đẩy thị thực cho dân du mục kỹ thuật số. Ảnh: Nikkei Asia

Theo số liệu chính thức, khoảng 1,48 triệu du khách nước ngoài đến nước này vào năm 2023, nhưng vẫn chưa trở lại mức trước Covid-19. Cũng vào năm đó, chính phủ bắt đầu cung cấp thị thực du lịch miễn phí cho du khách từ các quốc gia như: Nhật Bản, Trung Quốc và Ấn Độ, và có kế hoạch mở rộng thị thực này lên hơn 30 quốc gia vào tháng 10 năm nay.

Thái Lan và Indonesia đã giới thiệu thị thực dành riêng cho dân du mục kỹ thuật số và gia đình trong năm nay. Cụ thể, thị thực của Thái Lan cho phép thời gian lưu trú của những đối tượng này lên đến 180 ngày, và có thể gia hạn thêm 180 ngày nữa. Trong khi đó, Indonesia cho phép người sở hữu thị thực lưu trú lên đến một năm.

Malaysia, quốc gia từng triển khai thị thực này cho những người làm việc trong lĩnh vực công nghệ vào năm 2022, đã mở rộng thêm các đối tượng là người lao động làm việc trong ngành kế toán và luật vào tháng 6 năm ngoái.

Philippines cân nhắc tiếp bước các quốc gia trên khi một hội đồng cố vấn du lịch của tổng thống Ferdinand Marcos Jr đã đề xuất ban hành loại thị thực trên cũng như đơn giản hóa các thủ tục nhập cảnh và xuất cảnh vào tháng 7/2024.

Chủ tịch Tập đoàn LT Lucio Tan III, một thành viên của hội đồng, cho biết: "Chúng ta cần cấp thị thực cho dân du mục kỹ thuật số nhanh chóng để thu hút khách du lịch lưu trú dài hạn. Các quốc gia khác như Thái Lan, Malaysia và Indonesia đã được hưởng lợi từ chính sách này".

Bày tỏ sự đồng thuận với đề xuất này, ông Marcos đã chỉ đạo các quan chức xem xét xây dựng văn bản luật quy định loại thị thực này cũng như những đối tượng đủ điều kiện được cấp.

Theo một cuộc khảo sát của trang web du lịch A Brother Abroad, có khoảng 35 triệu người du mục kỹ thuật số trên toàn thế giới vào năm 2022, với tổng giá trị tài sản vào khoảng 787 tỷ USD. Các chuyên gia dự báo số lượng người chọn lối sống này sẽ tăng lên khoảng 60 triệu người vào năm 2030.

Một số quốc gia đang tìm cách tận dụng năng lực của nhóm này. Trong đó, Thái Lan khuyến khích dân du mục kỹ thuật số tham gia vào các lĩnh vực quan trọng như: sản xuất xe thế hệ mới, tài chính và chăm sóc sức khỏe.

“Loại thị thức mới dành cho dân du mục sẽ thúc đẩy sự hợp tác giữa những nhóm người này và các doanh nghiệp địa phương để tạo nên động lực phát triển đối với các ngành công nghiệp lớn" - Kantatorn Wannawasu, Tổng giám đốc điều hành của công ty tư vấn Mediator của Thái Lan cho biết.

Nhờ khí hậu ấm áp, nhiều điểm thu hút khách du lịch và giá cả tương đối rẻ Nam Á và Đông Nam Á là những điểm đến phổ biến đối với những người du mục kỹ thuật số.

Theo A Brother Abroad, dân du mục kỹ thuật số trung bình chi 22.500 USD/năm, cao hơn tổng thu nhập quốc dân bình quân đầu người ở nhiều quốc gia Nam Á và Đông Nam Á. Điều này cũng cho thấy tiềm lực tài chính của những nhóm người này.

Các quốc gia Đông Nam Á cũng đang bắt đầu nới lỏng các hạn chế về thị thực đối với khách du lịch. Vào tháng 7, Thái Lan đã mở rộng chương trình miễn thị thực cho khoảng 90 quốc gia từ khoảng 60 quốc gia. Indonesia sẽ miễn thị thực cho 20 quốc gia vào tháng 10.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia lo ngại việc thúc đẩy du lịch giữa các quốc gia có thể tác động tiêu cực đến một số lĩnh vực đời sống, chẳng hạn như: văn hóa, trật tự an ninh xã hội. Nhiều người lo lắng các hành vi quấy phá, gây rối ngày càng gia tăng.