Kỹ sư Dương Quang Kiều (43 tuổi, ở phường Hòa Hương, TP. Tam Kỳ, Quảng Nam), chủ nhân của sáng chế trên đã có những trải nghiệm ý nghĩa, hạnh phúc như thế mỗi khi đến vùng cao lắp đặt Hệ thống bếp củi tạo nước nóng miền quê Việt.
Từ cơn lạnh của chính mình
Nói về nguồn cơn ý tưởng Hệ thống bếp củi tạo nước nóng miền quê Việt (tên gọi khác là Bếp nước nóng T-Sona), anh Kiều cho hay xuất phát từ chuyến trải nghiệm thực tế cùng nhóm bạn ở vùng trồng sâm Trà Linh, huyện Nam Trà My vào năm 2019. Nơi đó có độ cao cách mặt nước biển 1.500m, cây cối bao phủ, nhiệt độ luôn ở mức thấp, mùa đông giá kéo dài.
Trong điều kiện khắc nghiệt như vậy nhưng nguồn nước nóng để sinh hoạt lại không có. Để nấu một nồi cơm cũng phải tốn thời gian khá lâu, còn nước tắm rửa sinh hoạt thì dùng trực tiếp nguồn nước từ khe suối chảy về lạnh buốt. Mùa đông, hệ thống năng lượng mặt trời không thể phát huy tác dụng trong điều kiện thiếu ánh nắng.
Anh Dương Quang Kiều, chủ nhân sáng chế Hệ thống bếp củi tạo nước nóng miền quê Việt
Bản thân anh cùng nhóm bạn những ngày đó có trải nghiệm “nhớ đời” khi dội những gáo nước buốt lạnh lên người.
Trở về phố, hình ảnh từ cuộc sống của người dân vùng cao cứ quẩn quanh trong đầu, thôi thúc anh nghĩ cần phải có giải pháp nào đó để tạo nguồn nước nóng cho người dân và em nhỏ vùng cao trong những ngày đông tháng giá. “Tôi đã trăn trở rất nhiều, làm sao có thể giúp họ giải quyết vấn đề trên với mức chi phí thấp nhất. Và tôi phát hiện nguồn nhiệt duy nhất trên vùng cao chỉ có củi và lửa. Ý tưởng về hệ thống tạo nước nóng và lưu trữ nước nóng bằng lượng nhiệt thừa trong quá trình đun nấu thức ăn từ bếp đun củi truyền thống dựa trên nguyên lý đối lưu nhiệt ra đời”, anh Kiều chia sẻ.
Xanh và tiết kiệm
Hệ thống Bếp nước nóng T-Sona gồm hai phần, gồm bếp củi (thân bếp có dạng rỗng để chứa nước ở xung quanh) và bồn bảo ôn chứa nước, kết nối với nhau bằng ống chịu nhiệt. Khi đun nấu, lượng nhiệt thừa xung quanh bếp sẽ được hấp thu làm nóng nước bên trong. Khi nước bên trong bếp nóng lên thì cơ chế đối lưu nhiệt sẽ làm cho phần nước ở phía trên bếp sẽ di chuyển ngược lên bồn bảo ôn thông qua ống dẫn nước. Nước tiếp tục tuần hoàn liên tục theo chu trình và nước trong bồn sẽ nóng dần lên.
Bếp củi tạo nước nóng phù hợp với điều kiện đời sống người dân vùng cao khi không cần điện vẫn có nguồn nước nóng dự trữ sử dụng
Bếp củi cháy khoảng 3 phút thì có nước nóng dẫn ra vòi để sử dụng, cháy khoảng 3 giờ thì nước sôi và lưu trữ sử dụng được trong 3 ngày mới nguội. Hệ thống cũng được trang bị thêm bộ lọc 3 cấp để có nguồn nước sạch có thể sử dụng nấu ăn, hoặc uống trực tiếp.
Kỹ sư Kiều cho hay, bếp trong hệ thống được thiết kế kín nên lượng củi đốt sẽ giảm một nửa. Lượng củi đốt giảm kéo theo khí thải C02 ra môi trường ít hơn, nhiệt độ cao giúp đun nấu nhanh hơn. Ý tưởng vì vậy trở nên tối ưu hơn đáp ứng tiêu chí xanh và tiết kiệm.
Dù sản phẩm được đánh giá tối ưu nhiều mặt, phù hợp với điều kiện miền núi và thôn quê, nhưng anh Kiều cho hay không có ý định thương mại. Do điều kiện kinh tế không cho phép tặng sản phẩm cho các điểm trường, bà con vùng cao, nên anh kết nối với một số đội nhóm thiện nguyện để cung cấp sản phẩm giá ưu đãi nhất đủ để mua nguyên liệu, vận chuyển, lắp đặt nhằm hiện thực hóa giấc mơ nguồn nước nóng cho bà con vùng cao. Giá cho mỗi hệ thống bếp hiện 7,5 triệu đồng/bếp 75 lít, và 11,5 triệu cho bếp 150 lít. Anh Kiều cho rằng, đây đã là mức giá thấp nhất do cấu tạo bếp bằng innox để đảm bảo hoạt động và độ bền (khoảng 20 năm).
Hệ thống bếp củi tạo nước nóng được anh Kiều trao tặng, lắp đặt miễn phí cho cô trò điểm trường Răng Chuỗi, xã Trà Tập, huyện miền núi Nam Trà My
Tốt nghiệp ngành Điện - Điện tử, Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh, anh Dương Quang Kiều hiện làm việc về điều khiển tự động và cải tiến máy móc cho một doanh nghiệp nước ngoài chuyên sản xuất chip điện tử đóng trên địa bàn huyện Núi Thành (Quảng Nam). Anh tranh thủ những ngày cuối tuần để mày mò với sáng chế của mình.
Tại Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Quảng Nam năm 2023, dự án Bếp nước nóng miền quê Việt của anh Dương Quang Kiều giành giải Nhì (không có giải Nhất). Sáng chế của anh được đánh giá cao khi hướng về đối tượng đồng bào miền núi. Hệ thống bếp nước nóng này phù hợp với vùng cao vì không cần dùng đến điện, chỉ tận dụng nguồn năng lượng từ bếp củi để có nguồn nước nóng tích trữ, sử dụng.
Sản phẩm đầu tay được lắp đặt thử nghiệm tại vườn sâm Ngọc Linh, sau đó anh hoàn thiện hơn cho sản phẩm từ thực tế sử dụng. Đến năm ngoái, hệ thống hoàn toàn đáp ứng các yêu cầu đặt ra. Đến thời điểm này anh đã lắp đặt miễn phí 4 bộ, trong đó 2 bếp cho 2 điểm trường Lăng Lương và Răng Chuỗi (xã Trà Tập, huyện Nam Trà My, Quảng Nam).
Cô Trà Thị Thu, giáo viên điểm trường Răng Chuỗi cho biết đó là món quà vô cùng ý nghĩa với cô và trò điểm trường vùng cao. Hệ thống bếp của kỹ sư Dương Quang Kiều thực sự hữu ích, phù hợp với điều kiện sinh hoạt ở vùng núi cao, đặc biệt mùa đông, hay mưa lạnh. “Bếp không chỉ giúp việc nấu nướng nhanh hơn mà đặc biệt là luôn có nguồn nước nóng dự trữ cho học sinh dùng”, cô Thu nói.
Trở về phố, hình ảnh từ cuộc sống của người dân vùng cao cứ quẩn quanh trong đầu, thôi thúc anh nghĩ cần phải có giải pháp nào đó để tạo nguồn nước nóng cho người dân và em nhỏ vùng cao trong những ngày đông tháng giá.
Xem nhiềuPhóng sự
Châu Âu du ký… - Bài 7: Thành phố tình yêu
Phóng sự
Châu Âu du ký - Bài 6: Đâu là 'Venice phương Bắc'?
Phóng sự
Châu Âu du ký - Bài 5: Làng cổ Hallstatt - Miền cổ tích
Phóng sự
Còn ai nhớ nhà văn Nguyễn Thế Phương?
Phóng sự
Đăng thảo luận