Sơ tán dân khỏi vùng nguy hiểm
Mưa kéo dài khiến thôn Băng và thôn Nguyên (xã Trà Hiệp, huyện Trà Bồng) xuất hiện nhiều điểm có nguy cơ cao xảy ra sạt lở núi. Trong đó, núi Tà Cút (thôn Băng) có nhiều vết nứt sâu tạo rãnh. Mỗi khi mưa lớn, nước từ đỉnh núi chảy xiết, cuốn theo đất, đá đổ về chân núi, đe dọa trực tiếp tính mạng và nhà cửa của 6 hộ dân, với 23 nhân khẩu.
Còn tại thôn Nguyên, núi cũng bị nứt từ nhiều năm nay. Mỗi khi có mưa lớn, người dân lại phấp phỏng lo sợ, nhất là số hộ dân đang sinh sống dưới chân núi.
Người dân thôn Nguyên được di dời đến nơi an toàn.Trước tình hình trên, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (BCH PCTT&TKCN) huyện Trà Bồng chỉ đạo BCH PCTT&TKCN xã Trà Hiệp huy động các lực lượng tổ chức di dời tập trung 20 hộ dân với 83 nhân khẩu ở 2 thôn này đến nơi an toàn ngay trong đêm 26/10.
Tại xã Trà Tây - nơi cách trung tâm huyện Trà Bồng 39km, đường sá đi lại khó khăn, địa bàn rộng, thông tin liên lạc đến người dân còn hạn chế, nên BCH PCTT&TKCN xã đã cử các lực lượng đến từng tổ, thôn để thông tin tình hình diễn biến của mưa bão, giúp người dân nắm bắt và chủ động ứng phó.
Theo thống kê, trên địa bàn huyện miền núi Trà Bồng có 277 hộ, với 1.107 nhân khẩu nằm trong vùng nguy cơ sạt lở rất cao và 844 hộ, với 3.577 nhân khẩu nằm trong vùng nguy cơ sạt lở, tập trung tại các xã Hương Trà, Trà Phong, Trà Xinh, Trà Bùi, Trà Lâm và Trà Tây.
Chủ tịch UBND huyện Trà Bồng Trần Hoàng Vĩnh cho biết: "Huyện đã chỉ đạo các phòng, ban, địa phương theo dõi chặt chẽ, cập nhật liên tục thông tin diễn biến mưa bão; đồng thời tiếp tục rà soát, đánh giá các điểm sạt lở hoặc nguy cơ sạt lở, lũ ống, lũ quét, để vừa chủ động các phương án ứng phó, vừa kịp thời tham mưu, đề xuất theo thẩm quyền để ban hành các tình huống xử lý khẩn cấp, chủ động lực lượng, phương án sơ tán dân nếu cần thiết.
Người dân ở núi nứt, sụp Mang Kà Muồng (xã Sơn Bao, huyện Sơn Hà) được sơ tán ngay trong đêm 26/10.Ở vùng biển, đảo, huyện Lý Sơn cũng đã tổ chức di dời, sơ tán xen ghép 134 hộ với 412 nhân khẩu. BCH PCTT&TKCN tỉnh Quảng Ngãi cho biết, tính đến tối 26/10, các địa phương đã tổ chức sơ tán 163 hộ với 539 nhân khẩu ở vùng có nguy cơ cao đến nơi an toàn.
Kiên quyết cấm ngư dân ra biển
Theo kinh nghiệm của một số ngư dân, trước và sau mỗi cơn bão hay áp thấp nhiệt đới, các loại hải sản tìm về vùng biển ven bờ tránh trú, tìm kiếm thức ăn rất nhiều.
Theo kinh nghiệm của một số ngư dân, trước và sau bão là thời điểm dễ khai thác được nhiều hải sản.Do đó, dù thời tiết trên các vùng biển Quảng Ngãi rất xấu, mưa to, sóng lớn do bão số 6 nhưng hàng chục ngư dân hành nghề thuyền thúng ở xã Bình Hải (huyện Bình Sơn) vẫn liều lĩnh chèo thúng đi thả lưới đánh bắt hải sản, dù tỉnh Quảng Ngãi đã ban hành lệnh cấm biển từ 10 giờ ngày 27/10.
"Trời êm thì biển ít cá, nhưng khi có gió bão thì cá lại rất nhiều. Giá cũng cao hơn ngày thường nên tranh thủ đi kiếm thêm"- ngư dân Phạm Thuận (trú thôn Phước Thiện, xã Bình Hải) cho hay.
Bất chấp lệnh cấm, ngư dân vẫn chèo thúng đi đánh cá.Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn Ung Đình Hiền cho biết, chính quyền đang cùng các cơ quan liên quan thống kê, rà soát, khẩn trương kêu gọi các tàu thuyền này sớm vào nơi tránh trú an toàn.
“Chúng tôi cũng yêu cầu các đồn biên phòng ở các xã ven biển khẩn trương rà soát số phương tiện vẫn còn đang hoạt động. Đồng thời, cử lực lượng tuyên truyền, túc trực 24/24 giờ, tuyệt đối không cho ngư dân ra khơi để đảm bảo an toàn tính mạng, nếu có trường hợp bất chấp sẽ lập biên bản xử phạt”- ông Hiền nói.
Đăng thảo luận