Một ly cà phê đến từ thương hiệu nước ngoài được bán với giá gấp bốn, năm lần ly cà phê Việt truyền thống 15.000 đồng, nhưng vẫn đắt khách.
Gần đây, giới thượng lưu đua nhau khoe độ chịu chơi khi bỏ gần cả trăm triệu để mua đùi heo muối Espana ăn. Họ còn hãnh diện, tự hào khi bỏ tiền để được ăn "vàng" - một kim loại - để chứng tỏ độ sang chảnh. Họ không ngần ngại chứng tỏ độ giàu có khi chịu xuống tiền mua một bình hoa, đồ gắp đá... - những vật dụng vốn rất bình thường trong nhà với giá trị bằng cả một chiếc xe máy - có thể là cả gia tài của một người bình thường.
Nhiều người hay rủ nhau đi du lịch trời Âu, khoe lên mạng những tấm hình để nhận được vô số sự ngưỡng mộ của bạn bè. Trong khi, khách du lịch thế giới lại đổ xô đến Việt Nam để khám phá hang Sơn Đoòng, động Phong Nha, Vịnh Hạ Long... và không ngớt lời trầm trồ, khen ngợi trước cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, nên thơ mà nước ta đang được sở hữu.
Có người đi du lịch ở Nhật Bản đã rất ngạc nhiên khi thấy trái nhãn của nước ta được xếp trang trọng trong một hộp gồm sáu trái, trưng bày trên kệ hàng của một siêu thị của họ với mức giá gây sốc mà không phải ai cũng có điều kiện mua được. Trong khi đó, ở nước ta, có những mùa vải, màu đỏ nhuộm cả con đường, theo người nông dân ra phố với giá "giải cứu".
Hay như một ly cà phê đến từ thương hiệu nước ngoài được bán với giá gấp bốn, năm lần so với một ly cà phê Việt truyền thống giá chỉ 15.000 đồng, nhưng vẫn được nhiều người chọn mua. Trong khi đó, cà phê Việt được đánh giá là ngon nhất thế giới, giá rất bình dân, nhưng vẫn chật vật tìm chỗ đứng tại chính sân nhà - nơi có sản lượng cà phê xuất khẩu đứng thứ hai thế giới.
Rồi còn cả bánh mì, phở, cơm tấm, chả giò, bánh xèo - năm món ăn của nước ta được lọt vào danh sách 100 món ăn đường phố hấp dẫn nhất ở châu Á cũng chịu chung số phận hẩm hiu. Và mới đây, mì Quảng và phở Nam Định, Hà Nội được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.
>> Người trồng cà phê quê tôi chuộng loại pha trộn
Thực tế, người dân ở chính cái nôi của mì Quảng, phở, hay vùng nguyên liệu, sản xuất ra ly cà phê đặc sản, vẫn điềm nhiên, vô tình lướt qua những tinh hoa, tinh túy ẩm thực ấy mỗi ngày. Thậm chí, họ còn không hiểu rõ thành phần, hương vị của những món đồ ăn, thức uống này.
Để rồi, tại các cửa hàng bán thực phẩm nhập ngoại, quán ăn, quán cà phê đều là những thương hiệu được nhượng quyền từ nước ngoài, luôn đông khách dù giá thành không hề rẻ. Dường như, một món ăn, thức uống, điểm đến nào đó chỉ tạo nên tiếng vang khi được người nổi tiếng đánh giá, truyền thông chú ý, hoặc đơn vị sản xuất làm tốt công tác marketing. Người tiêu dùng đang phó mặc cho người khác thay mình quyết định chi tiền để ăn món gì, đi chơi ở đâu, mua vật dụng nào...?
Tất nhiên, mọi sự so sánh đều là khập khiễng và cũng có nhiều người phản biện rằng "đừng dạy người giàu cách tiêu tiền" mỗi khi đề cập tới sự lãng phí của giới thượng lưu. Chi tiền cho giá trị dinh dưỡng thật sự hay chỉ là thương hiệu của món ăn, xét cho cùng là quyền quyết định của mỗi người. Tuy nhiên, đừng thờ ơ với những đặc sản chúng ta đang sở hữu, cũng là một cách giải cứu, nâng cao giá trị sản phẩm Việt tại chính quê hương.
Hơn ai hết, chính chúng ta, hãy trở thành những người tiêu dùng thông thái, khi biết lựa chọn cho mình những thực phẩm rõ nguồn gốc xuất xứ, quan tâm đến đặc sản vùng miền; cảm nhận, trân trọng khi thưởng thức những món ăn đặc sản quê hương; lựa chọn một điểm đến nghỉ dưỡng vì chính vẻ đẹp của nơi đó; quyết định mua một món hàng để phục vụ nhu cầu tiêu dùng. Đừng bị cuốn theo bất cứ một trào lưu nào đang thịnh hành, do một người nổi tiếng nào review, dẫn dắt.
- Sập tiệm bánh đồng xu 'đu trend' vì chất lượng dở tệ
- Bạn trẻ được gì khi xếp hàng 'bắt trend' trà chanh, bánh đồng xu?
- Bắt trend vô bổ vì sợ mình 'tối cổ'
- Chê bai người trẻ 'phí tiền cho ly trà sữa 50.000 đồng'
- 'Không dám uống ly trà sữa 50.000 đồng để tiết kiệm 80% lương tháng'
- 'Lương 10 triệu nhưng uống ly trà sữa 70 nghìn đồng'
Đăng thảo luận