Sau 6 năm ở Nhật, cô gái về Việt Nam làm công nhân và cái kết ê chề
(Dân trí) - Ngày đầu đi xin việc ở quê, Huệ đã sốc bởi phải cạnh tranh với rất nhiều lao động khác. Sau một ngày làm công nhân, cô gái trẻ rưng rưng nước mắt vì thực tế phũ phàng.
Sáu năm trước, Thân Thị Huệ (27 tuổi, quê Bắc Giang) quyết định nghỉ làm công nhân. Cô nhờ gia đình vay mượn 200 triệu để sang Nhật Bản lao động. Sở hữu tấm bằng tốt nghiệp trung học phổ thông, cộng thêm ít kinh nghiệm làm ở nhà máy, Huệ mong ước giản đơn là thu nhập khá hơn để đỡ đần gia đình.
Tuy vậy, Huệ sang Nhật chưa kiếm đủ tiền để gia đình trả nợ thì đại dịch Covid-19 ập đến. Ba năm liên tiếp sau đó, công ty của Huệ ít việc làm, có thời điểm công nhân phải nghỉ làm. Cô gái quê Bắc Giang "nuốt nước mắt" nhận thù lao 60% lương.
Cô gái Việt "vỡ mộng" khi bỏ Nhật Bản về nước làm công nhân (Clip: NVCC).
"Thời gian đó tôi cảm thấy nản, nhưng lại nghĩ về bố mẹ nghèo, số tiền 200 triệu vẫn còn đó. Chán lắm nhưng cố bám trụ, tôi tự nhủ gắng được đến đâu thì tốt, cho bõ công đi Nhật", Huệ nhớ lại những ngày tháng khó khăn ở xứ người.
Đầu năm nay - thời điểm giá Man Nhật thấp kỷ lục - Huệ cày cuốc 1 tháng chỉ cầm về tay được khoảng 15 triệu đồng.
"Sang Nhật 6 năm nhưng tôi cày 3 năm mới trả được hết nợ, 3 năm còn lại tính ra chẳng dư được bao nhiêu. Nhìn tương lai thấy mông lung, mù mịt", Huệ tâm sự.
Nghĩ đầu, nghĩ đuôi, cuối cùng, tháng 6 vừa qua, cô gái quê Bắc Giang quyết định về Việt Nam tìm kiếm cơ hội khác, bởi thu nhập nơi xứ người không còn được như mong muốn.
Sau một tuần nghỉ ngơi, Huệ cầm hồ sơ đi xin việc tại khu công nghiệp gần nhà. Ban đầu, bản thân cô thấy thoải mái, tự tin bởi trước khi sang Nhật, cô đã có 3 năm làm công việc này, lại thêm kinh nghiệm bên xứ người.
Huệ chia sẻ, làm công nhân ở quê nhà tuy không áp lực như Nhật Bản nhưng xin việc căng thẳng hơn ở xứ người. Đơn cử, áp lực sản lượng "áp" cho mỗi nhân công lắp ráp điện tử là rất lớn, song tiền lương nhận được chỉ 173.000 đồng/ngày.
Huệ khi còn làm nhân viên nhà hàng ở Nhật Bản (Ảnh: NVCC).
Dù xác định năng lực bản thân hạn chế, song so sánh với Nhật, Huệ vẫn cảm thấy sốc về mức thù lao quá bèo bọt.
"Buổi chiều tan làm, tôi rưng rưng nước mắt đi về. Không phải do áp lực công việc mà tự tôi thấy bản thân mình yếu kém, tự trách hồi ở Nhật không học hỏi thêm chút kỹ năng nào. Những gì tôi có sau sáu năm vẫn chỉ là tấm bằng tốt nghiệp cấp 3… để đến bây giờ nhận cái kết ê chề.
Ở quê tôi nhiều công ty, nhưng biết tiếng Nhật thôi chưa chắc đã xin được việc. Có nơi họ yêu cầu bằng cao đẳng, đại học, rồi trình độ tin học. Tôi có thể xin được việc ở Hà Nội, thu nhập cao hơn ở quê nhưng mất tiền thuê nhà, chi phí sinh hoạt cao", Huệ chia sẻ.
Không muốn những đồng hương nơi xứ người chung cảnh với mình, Huệ quay video chia sẻ câu chuyện về nước của bản thân lên mạng xã hội. Từ trải nghiệm của bản thân, cô gái 27 tuổi nhắn nhủ mọi người cân nhắc kỹ "Nếu không có bằng cấp, không trình độ, hãy suy nghĩ kỹ nên về nước hay ở lại".
Câu chuyện của cô gái Bắc Giang nhận được nhiều lời chia sẻ, đồng cảm của những người đi trước.
Theo Huệ, hiện tại ở quê nhà, vật giá cũng leo thang, công việc nhà máy cũng áp lực lớn. Thu nhập hàng tháng đủ sống đã là cố gắng, chưa nói gì đến tiết kiệm.
"Hiện tại, cứ rảnh rỗi là tôi lại ngồi cập nhật lại giá Man. Hỏi thăm, theo dõi mạng xã hội thấy nhiều bạn bè khoe lương cao nghĩ cũng thèm. Tôi vẫn liên lạc với ông chủ bên Nhật Bản và chắc chắn sẽ quay lại Nhật Bản để sửa sai.
Quá khứ thì không thay đổi được, quan trọng là giờ phải nhìn về phía trước", Huệ trần tình.
Đăng thảo luận