Sử dụng AI (trí tuệ nhân tạo) trong học tập giúp sinh viên tiếp cận nhiều nguồn tài nguyên học tập đa dạng, mở rộng và tăng tư duy phản biện. Nhưng nếu lạm dụng, trí tuệ nhân tạo này sẽ phản tác dụng và có thể gây hậu quả.
Một buổi học ứng dụng AI vào nghiên cứu của sinh viên ĐH Kinh tế TP.HCM - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
Mới đây, vụ một sinh viên sử dụng AI để làm bài thi và bị giảng viên chấm 0 điểm tại một trường cao đẳng ở TP.HCM đã gây ồn ào, tranh cãi dữ dội trên khắp mạng xã hội.
Trước đó vào tháng 11-2023, một sinh viên khác của trường đại học ở TP.HCM cũng bị giảng viên trừ 50% điểm vì dùng các ứng dụng AI để viết tiểu luận.
Vậy sinh viên nên sử dụng AI trong học tập và làm việc thế nào cho… thông minh?
Sử dụng AI thành xu hướng
Vốn học ngành robot và trí tuệ nhân tạo, cô sinh viên ĐH Kinh tế TP.HCM Đào Minh Duyên cho biết gần như tất cả các môn bạn đều sử dụng AI để học.
"Sau khi soạn sẵn sườn, tôi sẽ dùng AI để phát triển ý tưởng, cải thiện bài làm, nhờ đó rút ngắn được thời gian hoàn thành bài từ 1 - 2 ngày. Việc này giúp tôi tiết kiệm thời gian tìm kiếm ví dụ bằng Google search, và tránh được tình trạng hiểu sai khái niệm triết học, từ đó đưa ra ví dụ minh họa sai.
Với môn cơ kỹ thuật, nếu đọc lời giải ví dụ minh họa không hiểu tôi sẽ chụp lại và nhờ ChatGPT giải đáp thắc mắc, việc này giúp tôi theo kịp tốc độ bài giảng trên lớp, đồng thời nếu có chỗ chưa hiểu, tôi vẫn có thể tự học mà không quá phụ thuộc vào giảng viên", Duyên nói.
Tương tự, Lê Phan Nguyên Đạt (sinh viên khoa điện - điện tử, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM) cũng cho hay mình gần như sử dụng AI cho các môn học như lịch sử, kiến thức lý thuyết về mạch điện, điện tử…
Đạt dùng AI để tra cứu nhanh những thông tin, nghiên cứu phức tạp, từ đó tìm hiểu sâu vào bài học. "Tuy nhiên thông tin có được vẫn chưa có tính xác thực, nên bản thân cũng phải tự kiểm chứng lại", Đạt nói.
Sử dụng ChatGPT để viết một kế hoạch tổ chức sự kiện cho ra kết quả khá nhanh và đầy đủ - Ảnh: YÊN CHÂU
Còn với Nguyễn Hồ Như Quỳnh (sinh viên ngành truyền thông chuyên nghiệp, ĐH RMIT), cô thường ứng dụng AI vào trong bài học như môn truyền thông châu Á, truyền thông chuyên nghiệp, PR hay quan hệ công chúng…
Thông thường, Quỳnh sẽ xây dựng sườn bài trước, sau đó sử dụng ChatGPT để tìm thông tin cơ bản. Cô chia sẻ: "Việc sử dụng AI mang lại nhiều lợi ích, giúp tôi tìm kiếm thông tin dễ dàng, nhanh chóng hơn, đỡ phải đọc nhiều nguồn để tìm kiếm thông tin. Ngoài ra, AI còn gợi ý cho tôi bài làm, giúp tôi gỡ rối khi gặp những bài tập khó".
Theo PGS.TS Nguyễn Trường Thịnh - viện trưởng Viện công nghệ thông minh và tương tác, ĐH Kinh tế TP.HCM, AI đã và đang tác động đáng kể đến việc học tập, nghiên cứu đối với sinh viên các trường cao đẳng - đại học.
Việc sử dụng AI trong học tập giúp sinh viên phát triển tư duy hệ thống, tăng tư duy phản biện. Từ đó giải quyết vấn đề trên nền tảng dữ liệu một cách nhanh chóng và chính xác.
"Ngoài ra còn giúp tối ưu hóa thời gian học tập, đưa ra những kế hoạch học tập phù hợp với từng cá nhân, thúc đẩy tính sáng tạo và nghiên cứu của sinh viên", thầy Thịnh nói.
Phụ thuộc AI gây hậu quả ngắn hạn lẫn lâu dài
Thừa nhận việc sử dụng AI gần như trở thành xu hướng trong giới sinh viên, song N.T.N.V. (sinh viên khoa báo chí - truyền thông, Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM) cho biết không phải lúc nào dữ liệu AI trả về cũng đúng. "Nhiều lúc tôi đã bị sai mốc thời gian, hoặc tên sự kiện chỉ vì tin tuyệt đối vào kết quả mà AI trả về", V. nói.
V. cho biết từ khi dùng AI vào học tập và công việc, thói quen tự tìm tòi tổng hợp thông tin của anh bị lược mất, khiến khả năng ghi nhớ lượng kiến thức vừa nghiên cứu giảm đáng kể.
"Ở góc nhìn cá nhân, tôi thấy việc dùng AI đôi lúc khiến sinh viên suy giảm kỹ năng giao tiếp và làm việc nhóm khi thấy ít cần thiết phải tương tác với bạn bè hoặc thầy cô để trao đổi ý tưởng và học hỏi, dẫn đến sự cô lập và thiếu kỹ năng xã hội. Chưa kể còn có nguy cơ bị lộ thông tin cá nhân", V. cho hay.
Bạn trẻ làm việc tại FPT trong Khu công nghệ cao TP.HCM - Ảnh minh họa: QUANG ĐỊNH
Theo chàng trai 22 tuổi, lạm dụng AI còn có thể dẫn đến những vấn đề về đạo đức như gian lận trong học tập. Sinh viên có thể sử dụng AI để làm bài thay, vi phạm các quy tắc học thuật.
Anh chia sẻ: "Cá nhân tôi cũng từng chứng kiến nhiều sinh viên dùng AI nhưng điểm rất cao, thậm chí cao hơn những bạn tự tư duy làm bài. Nếu không kiểm soát tốt, việc này có thể làm giảm chất lượng giáo dục và sự công bằng trong đánh giá kết quả học tập".
PGS.TS Trường Thịnh nhận định sinh viên khi dùng AI cũng sẽ có những mặt trái như quá phụ thuộc vào các công cụ AI, dẫn đến không tự tin với kết quả mình làm.
"Những kết quả thực hiện bằng AI, việc đánh giá cần phải có kiến thức, nhưng đối với sinh viên đang học thì khó có đủ năng lực để xác định tính chính xác. Do đó làm cho người học dễ bị lệ thuộc vào kết quả sai.
Sử dụng AI thiếu kiểm soát, phụ thuộc sẽ làm sinh viên hiện nay lười suy nghĩ và không phát triển được các ý tưởng sáng tạo của riêng mình. Chưa kể không đảm bảo tính công bằng trong học tập và dễ vi phạm bản quyền", thầy Thịnh cho biết.
Theo Minh Duyên, sinh viên nếu quá phụ thuộc vào AI, khả năng tư duy sẽ bị lụi dần. Bên cạnh đó, kết quả AI vẫn chưa chính xác tuyệt đối nên cần phải có kiến thức nền tảng khi ứng dụng chúng vào môn học.
"Ngoài ra, ở trường giảng viên sẽ có phần mềm để kiểm tra đạo văn và AI, nếu bị phát hiện sẽ bị trừ điểm nặng. Do đó, sinh viên chỉ nên dùng AI để tham khảo, vẫn phải tự viết bài luận là chính", Duyên nói.
Đăng thảo luận