Ngày 30/10, tin từ UBND tỉnh Sóc Trăng cho biết, tỉnh vừa có công văn gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị hỗ trợ vốn đầu tư cảng Trần Đề - Cảng cửa ngõ vùng ĐBSCL.
Theo đó, UBND tỉnh Sóc Trăng đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét, chấp thuận trình Thủ tướng Chính phủ đưa vào Nghị quyết, Chương trình của Chính phủ về việc án đầu tư xây dựng cảng Trần Đề - Sóc Trăng hoàn thành hồ sơ thủ tục đầu tư trong năm 2025 và triển khai đầu tư vào năm 2026.
Phối cảnh cảng Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng (Ảnh: CTV).Đồng thời, UBND tỉnh Sóc Trăng cũng đề nghị ngân sách Trung ương đầu tư giai đoạn 2025 – 2030 hỗ trợ địa phương này với tổng số vốn là 19.403 tỷ đồng để đầu tư xây dựng đường sau cảng kết nối với bến cảng ngoài khơi Trần Đề.
Theo quy hoạch, khu cảng Trần Đề được định hướng trở thành cảng nước sâu cửa ngõ của vùng ĐBSCL. Dự án có quy mô lớn, khả năng tiếp nhận tàu có trọng tải lên đến 160.000 DWT.
Một số hạng mục nổi bật theo nghiên cứu sơ bộ như: khu bến cảng ngoài khơi có diện tích hơn 411ha; cầu vượt biển dài gần 18km, rộng 28m, 6 làn xe; khu dịch vụ hậu cần cảng, logistics khoảng 4.000ha;…
Theo UBND tỉnh Sóc Trăng, dự án cảng Trần Đề có vốn đầu tư lớn, khả năng thu hồi vốn chậm, xây dựng trên địa bàn đặc biệt khó khăn. Do đó, việc kêu gọi đầu tư tư nhân gặp nhiều thách thức.
UBND tỉnh này cho rằng, ngoài nguồn vốn kêu gọi xã hội hóa đầu tư các bến cảng theo quy hoạch, cần bố trí nguồn vốn ngân sách nhà nước đầu tư kết cấu hạ tầng liên quan.
"Khoản hỗ trợ từ ngân sách nhà nước sẽ tăng tính hấp dẫn để kêu gọi đầu tư bằng nguồn vốn tư nhân tương tự như các khu bến cảng cửa ngõ khác (Lạch Huyện, Liên Chiểu) đã kêu gọi đầu tư trong thời gian qua", theo UBND tỉnh Sóc Trăng.
Toàn vùng ĐBSCL hiện có 52 khu công nghiệp và 28 khu chế xuất với diện tích khaongr 17.300 ha, trong đó có khoảng 9.000 ha đã được xây dựng, đạt tỷ lệ lấp đầy 53,5%; hàng hoá luân chuyển theo các phương thức vận tải khoảng 35 triệu tấn.
Theo UBND tỉnh Sóc Trăng, với sản lượng hàng hóa xuất, nhập khẩu lớn nhưng năng suất vận chuyển của cả vùng nhìn chung còn thấp, chủ yếu bằng phương tiện thủy nội địa và đường bộ. Trong đó có 70-80% hàng hóa xuất, nhập khẩu cả vùng đang phải chuyển tiếp đến các cảng khu vực Đông Nam Bộ làm tăng chi phí vận chuyển, giảm sức cạnh tranh hàng hóa, khó khăn thu hút đầu tư, chuyển dịch cơ cấu kinh tế,...
Do đó, vùng ĐBSCL cần thiết phải có một cảng đầu mối để phục vụ xuất, nhập khẩu hàng hóa trực tiếp cho vùng, giảm chi phí vận tải và khối lượng hàng hóa chuyển tiếp lên các cảng miền Đông Nam Bộ.
#box1730252680804{background-color:#acccac}
Đăng thảo luận