Túi thuốc gia đình với những loại thiết yếu như hạ sốt, đau bụng, tiêu chảy, dị ứng, băng keo cá nhân… sẽ nhanh chóng được gửi đến người dân đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi cơn bão số 3.
Sở Y tế TPHCM vừa phát động toàn ngành hỗ trợ 30.000 túi thuốc cho 10 tỉnh, thành miền Bắc đang bị ảnh hưởng nặng nề do bão số 3. Dự kiến ngày mai (14/9), các túi thuốc đầu tiên sẽ được vận chuyển đến Sở Y tế các tỉnh, thành.
Túi thuốc gia đình sẽ được gửi cho các tỉnh thành phía Bắc bị ảnh hưởng bởi bão số 3. Ảnh: SYTGiám đốc Sở Y tế - ông Tăng Chí Thượng cho biết đơn vị đã phân công các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa của TPHCM “bắt cặp” với bệnh viện quận, huyện, sẵn sàng nguồn nhân lực chi viện cho công tác y tế cộng đồng khi nước lũ rút.
Cụ thể: các bệnh viện An Bình, Phạm Ngọc Thạch, Răng Hàm Mặt, Tâm Thần, Quận 8 hỗ trợ tỉnh Lạng Sơn; các bệnh viện Lê Văn Thịnh, Nhi đồng 1, Từ Dũ, Quận 11 hỗ trợ tỉnh Cao Bằng; Viện Y dược học dân tộc, các bệnh viện Da liễu, Đa khoa khu vực Hóc Môn, Quận 7, Quận Phú Nhuận hỗ trợ tỉnh Lào Cai; các bệnh viện Phục hồi chức năng - Điều trị bệnh nghề nghiệp, Mắt, Tai Mũi Họng, TP Thủ Đức, Quận 6, Quận Bình Tân, Huyện Củ Chi, Huyện Bình Chánh hỗ trợ tỉnh Yên Bái; các bệnh viện Nhân dân 115, Nguyễn Trãi, Truyền máu Huyết học, Nhi đồng Thành phố, Quận Gò Vấp hỗ trợ tỉnh Phú Thọ; các bệnh viện Hùng Vương, Nguyễn Tri Phương, Viện Tim, Quận Bình Thạnh hỗ trợ tỉnh Bắc Giang; các bệnh viện Nhi đồng 2, Trưng Vương, Đa khoa khu vực Thủ Đức, Quận Tân Phú, Lê Văn Việt hỗ trợ tỉnh Bắc Kạn; các bệnh viện Nhân dân Gia Định, Bệnh Nhiệt đới, Chấn thương chỉnh hình, Đa khoa khu vực Củ Chi, Y học cổ truyền, Quận 1, Quận 4 hỗ trợ tỉnh Thái Nguyên; các bệnh viện Ung bướu, Bình Dân, Đa khoa Sài Gòn, Quận 12, Quận Tân Bình, Huyện Nhà Bè hỗ trợ tỉnh Hòa Bình.
Ông Thượng cũng yêu cầu các bệnh viện sẵn sàng nguồn nhân lực hỗ trợ cho tuyến huyện, tỉnh trong công tác khám, chữa bệnh khi nhận được đề nghị của Sở Y tế tỉnh, thành miền Bắc hoặc Bộ Y tế.
Đăng thảo luận