Theo đài RT, Thủ tướng Burkina Faso Apollinaire Joachim Kyelem de Tambela mới đây đã bày tỏ mong muốn gia nhập Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS).
“Trở thành thành viên của BRICS có thể giúp Burkina Faso thách thức “sự thống trị của đồng bạc xanh và euro”, đồng thời đạt được “mối quan hệ thương mại công bằng hơn trên trường quốc tế”- Thủ tướng Apollinaire Joachim Kyelem de Tambela cho biết, tại cuộc gặp với Đại sứ Nga tại Burkina Faso Igor Martynov hôm 23/9.
Sau cuộc gặp, Chính phủ Burkina Faso có thông báo đăng trên Facebook, xác nhận rằng Thủ tướng Kyelem de Tambela đã “bàn về việc Burkina Faso gia nhập BRICS”.
Theo Thủ tướng Apollinaire Joachim Kyelem de Tambela, Nga và Burkina Faso "có chung tầm nhìn chính trị", trong khi Moscow đóng vai trò là đối tác chiến lược của quốc gia Tây Phi ở nhiều lĩnh vực, như ngoại giao, quân sự và kinh tế.
Ông Tambela cho biết, Burkina Faso mong muốn ý tăng cường hợp tác với Nga, đặc biệt về lĩnh vực kinh tế, đồng thời ủng hộ việc thiết lập dịch vụ hàng không trực tiếp giữa Moscow và Ouagadougou.
Về phần mình, Đại sứ Martynov nói rằng Nga muốn thực hiện một dự án phát triển nhà máy điện hạt nhân tại Burkina Faso.
Trước đó, hồi thàng 6/2023, Chính phủ Burkina Faso và BRICS đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác. Hai bên xác định các lĩnh vực hợp tác, bao gồm kinh tế, y tế, giáo dục, cơ sở hạ tầng, hàng không, đường sắt, công nghiệp, thương mại, khai khoáng, năng lượng, thể thao, văn hóa, công nghệ thông tin và truyền thông, du lịch.
Hồi tháng 6 vừa qua, Bộ trưởng Quốc phòng Zimbabwe Oppah Muchinguri-Kashiri tuyên bố rằng nước này đã sẵn sàng gia nhập BRICS.
BRICS có thể trở thành khối lớn nhất hành tinh
Theo trang Watcher.guru, 23 quốc gia chính thức nộp đơn xin gia nhập BRICS trước hội nghị thượng đỉnh BRICS năm 2024. Các quốc gia này đến từ châu Á, châu Phi, Nam Mỹ và đều là các nền kinh tế mới nổi muốn sử dụng đồng nội tệ để giao dịch thay vì đồng USD.
Diễn biến này cho thấy BRICS có lợi cho các nền kinh tế mới nổi vì khối cung cấp giải pháp giúp đồng nội tệ của họ tăng trưởng. Nhóm BRICS đi đầu trong chương trình nghị sự phi USD hóa và các nước đang phát triển thấy sáng kiến này có hiệu quả.
Ngoài 23 nước chính thức nộp đơn xin gia nhập khối, 24 quốc gia khác đã bày tỏ mong muốn tham gia BRICS một cách không chính thức. Do đó, tổng số quốc gia muốn gia nhập BRICS đã tăng lên 47 - có thể đưa BRICS trở thành nhóm có số lượng quốc gia thành viên lớn nhất hành tinh.
Để so sánh, Liên minh châu Âu (EU) hiện có 27 nước thành viên. Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) có 32 thành viên. Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) có 10 thành viên...
Nga đảm nhận chức Chủ tịch luân phiên của BRICS từ ngày 1/1/2024. Hội nghị thượng đỉnh BRICS dự kiến được tổ chức tại Kazan, Nga từ ngày 22-24/10.
Một số cuộc thảo luận quan trọng liên quan đến thương mại và các thỏa thuận mới có thể được đưa ra tại hội nghị thượng đỉnh sắp tới. Lãnh đạo BRICS cũng có thể thảo luận về việc sử dụng rộng rãi các đồng nội tệ của các nước thành viên trong các giao dịch xuyên biên giới.
Liên quan đến vấn đề kết nạp các quốc gia mới, quan điểm của các nước thành viên BRICS dường như chia rẽ. Trong khi Trung Quốc và Nga muốn BRICS mở rộng, Ấn Độ lại có quan điểm ngược lại, muốn giữ nguyên danh sách 10 nước thành viên hiện tại.
Chính quyền New Dehli đã phát tín hiệu muốn tạm dừng việc kết nạp thêm các quốc gia mới vào khối trong tối thiểu 5 năm. Tuy nhiên, cần phải chờ đợi và theo dõi hội nghị thượng đỉnh BRICS lần thứ 16 sắp tới về quyết định mở rộng khối này.
Theo Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov, một trong những tiêu chí quan trọng để Moscow chào đón các thành viên mới là bất kỳ quốc gia nào muốn gia nhập BRICS đều phải kiềm chế tham gia vào các lệnh trừng phạt đơn phương bất hợp pháp.
BRICS được thành lập vào năm 2006 bởi Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc, với Nam Phi gia nhập vào năm 2011. Đầu năm nay, Ai Cập, Ethiopia, Iran, Ả Rập Saudi và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất đã chính thức trở thành thành viên của nhóm.
Đầu tháng này, truyền thông quốc tế cũng đưa tin Thổ Nhĩ Kỳ đã chính thức nộp đơn xin gia nhập BRICS.
Đăng thảo luận