Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành rà soát, đề xuất các cơ chế đặc thù, đặc biệt cho dự án đường sắt cao tốc, gồm huy động nguồn lực và quy trình, thủ tục.

Giữa tháng 9, hội nghị Trung ương 10 khóa 13 thống nhất chủ trương đầu tư toàn tuyến dự án đường sắt tốc độ cao (350 km/h) trên trục Bắc Nam và giao Ban cán sự đảng Chính phủ, Đảng đoàn Quốc hội chỉ đạo các cơ quan khẩn trương hoàn thiện hồ sơ trình kỳ họp thứ 8 khai mạc tháng 10.

Tại cuộc họp ngày 5/10, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Giao thông vận tải và các bộ ngành liên quan sớm trình Hội đồng thẩm định, hoàn thiện hồ sơ trình Quốc hội về dự án này.

Qua rà soát phương án, tham khảo suất đầu tư của các nước và tư vấn lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, tổng mức đầu tư dự án sơ bộ 67,34 tỷ USD. Thủ tướng giao các cơ quan liên quan rà soát, đảm bảo "chính xác nhất có thể" về suất đầu tư, sơ bộ tổng mức đầu tư của dự án này.

Cùng đó, các cơ quan rà soát, đề xuất các cơ chế đặc thù, đặc biệt cho dự án, gồm huy động nguồn lực và các thủ tục về đất đai, giải phóng mặt bằng, vật liệu xây dựng. Việc này phải theo phương châm "cơ chế thông thoáng, thủ tục rút gọn, thi công rút ngắn".

Ông lưu ý đánh giá tác động tới các khoản nợ công, Chính phủ, nước ngoài, bội chi ngân sách. Cùng đó, hiệu quả của dự án cần được phân tích rõ, về hiệu quả kinh tế, tác động tới tiềm lực, vị thế của đất nước, chi phí logistics, sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa.

Thủ tướng giao các bộ ngành đưa ra cơ chế huy động theo hướng đa dạng nguồn lực, gồm đầu tư công của Trung ương, địa phương, vốn vay, phát hành trái phiếu và các nguồn hợp pháp khác. "Cần huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, tổng lực từ nhân dân và doanh nghiệp về nhân lực, phương tiện để phục vụ dự án", ông lưu ý.

Thủ tướng: Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc Nam cần cơ chế đặc thù  第1张

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại cuộc họp, ngày 5/10. Ảnh: VGP

Tuyến đường sắt tốc độ cao dự kiến điểm đầu tại ga Ngọc Hồi (Hà Nội), điểm cuối tại ga Thủ Thiêm (TP HCM). Dự án đi qua 20 tỉnh thành gồm Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai, TP HCM.

Thủ tướng nhấn mạnh phương án đầu tư phải đảm bảo hướng tuyến thẳng nhất có thể, tránh các khu dân cư lớn để không phải giải phóng mặt bằng nhiều, tiết kiệm kinh phí, triển khai nhanh, tạo không gian phát triển mới. Cùng với đó, quy hoạch, bố trí các ga và xây dựng các ga phù hợp, theo hướng hiện đại, tầm nhìn xa. Song, việc này cũng phải tránh lãng phí, phát huy công năng, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng.

Tuyến đường sắt này phải được xây dựng phù hợp với quy hoạch quốc gia, ngành. Việc này nhằm đảm bảo kết nối với các hạ tầng, phương thức giao thông khác, như hàng không, hàng hải và các hành lang kinh tế trong nước, khu vực như Trung Quốc, Lào, Campuchia.

Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chính phủ đã thành lập Tổ công tác để triển khai dự án. Song, ông nhấn mạnh, để thực hiện được, các cơ quan tham gia phải có cách làm mới với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt. "Chỉ bàn làm, không bàn lùi, phân công rõ người, việc, trách nhiệm, thời gian, hiệu quả", ông yêu cầu thêm.

Phương Dung