Thủ tướng cho biết Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng 6,5-7% năm 2025, thậm chí cao hơn để tăng xếp hạng quy mô nền kinh tế và GDP bình quân đầu người đạt 4.900 USD.
Tại phiên khai mạc kỳ họp 8 sáng 21/10, Thủ tướng Phạm Minh Chính báo cáo về tình hình phát triển kinh tế - xã hội 2024, kế hoạch năm 2025.
Theo đó, năm nay Chính phủ phấn đấu GDP năm nay đạt và vượt 7%. Năm 2025, Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng 6,5-7%, phấn đấu cao hơn 7-7,5%. Việc này để quy mô kinh tế quy mô kinh tế xếp hạng 31-33 thế giới, tăng 1-3 bậc so với hiện tại.
Cùng với đó, GDP bình quân đầu người dự kiến khoảng 4.900 USD, theo Thủ tướng. Mức này tăng hơn khoảng 5% so với năm 2024 (khoảng 4.679 USD một người một năm).
"Thu nhập bình quân đầu người" là chỉ tiêu duy nhất năm nay chưa đạt, khi thấp hơn 53-56 USD so với mục tiêu (4.700-4.730 USD một người một năm). Tuy nhiên, theo lãnh đạo Chính phủ, nếu tăng trưởng kinh tế năm nay trên 7%, mục tiêu này sẽ đạt được, tức 15/15 chỉ tiêu đều đạt và vượt mục tiêu đề ra.
Thủ tướng trình bày báo cáo kinh tế xã hội tại phiên khai mạc, sáng 21/10. Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội
Thủ tướng cho biết Chính phủ sẽ ưu tiên tiếp tục làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống (đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng), thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới như chuyển đổi xanh, chuyển đổi số và lĩnh vực mới như chip bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI).
Chính phủ cũng tập trung cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu, xử lý các ngân hàng thương mại được kiểm soát đặc biệt. Giải ngân vốn đầu tư công - vốn là điểm nghẽn lâu nay - sẽ được đẩy nhanh từ đầu năm, nhất là tại các dự án, công trình quan trọng quốc gia.
Về năng lượng, ông cho hay nhà chức trách sẽ xây dựng cơ chế, chính sách phát triển điện lực, năng lượng tái tạo và các nguồn năng lượng mới, như hydrogen. "Quy hoạch điện VIII sẽ được thực hiện hiệu quả. Dứt khoát không để thiếu điện cho sản xuất kinh doanh, tiêu dùng", Thủ tướng nói.
Hạ tầng vẫn là điểm nhấn trong năm sau, với mục tiêu đưa vào khai thác dự án nhà ga T3 Tân Sơn Nhất, T2 Nội Bài và hoàn thành các hạng mục chính của sân bay quốc tế Long Thành. Chính phủ tiếp tục tháo gỡ khó khăn về mặt bằng, nguồn cung nguyên liệu và khởi công tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, cũng như hoàn thành 3.000 km đường bộ cao tốc. Mức này tăng gần 1.000 km so với thực hiện năm nay.
Khai mạc kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, sáng 21/10. Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội
Nhìn lại 2024, theo Thủ tướng, ngân sách đã dành gần 700.000 tỷ đồng, bảo đảm đủ nguồn lực tăng lương cơ sở, điều chỉnh lương hưu từ ngày 1/7, với mức cao nhất từ trước đến nay. Mức lương tối thiểu vùng cho người lao động trong doanh nghiệp cũng tăng 6% năm nay.
Phát triển hạ tầng đột phá rõ nét, nhất là hạ tầng giao thông, điện lực. Nhờ tinh thần "vượt nắng, thắng mưa, không thua gió bão", "ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương", hơn 2.021 km đường bộ cao tốc đã hoàn thành, khai thác. Dự án đường dây 500 kV mạch 3 Quảng Trạch - Phố Nối (gần 1 tỷ USD) hoàn thành sau hơn 6 tháng thi công.
Dù vậy, kinh tế vĩ mô còn tiềm ẩn rủi ro, nhất là từ các yếu tố bên ngoài như lạm phát, tỷ giá. Tín dụng tăng trưởng chưa cao; áp lực trả nợ trái phiếu doanh nghiệp đến hạn lớn. Sản xuất kinh doanh còn khó khăn, khi 9 tháng có 163.800 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 21,5%
Sức mua trong nước có dấu hiệu tăng chậm lại. Xuất siêu còn phụ thuộc vào khu vực FDI. Nợ xấu có xu hướng tăng. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng tới cuối tháng 8 là 4,7%, nếu không gồm 5 ngân hàng kiểm soát đặc biệt, tỷ lệ này ở mức 1,99%. Lượng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn cao, khoảng 237.500 tỷ đồng, riêng quý cuối năm chiếm hơn 32% (76.900 tỷ).
Thẩm tra nội dung này, ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, nhận xét thị trường tài chính, tiền tệ còn tiềm ẩn thách thức, nợ xấu cao và việc xử lý các ngân hàng yếu kém chậm. Tỷ giá có giai đoạn biến động bất thường ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp.
Liên quan tới bất động sản, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho rằng thị trường này có tín hiệu phục hồi nhưng vẫn khó khăn. Cơ cấu sản phẩm trên thị trường thiếu cân đối khiến giá nhà chung cư ở phân khúc sơ cấp và thứ cấp bị đẩy lên cao. "Người dân có nhu cầu thực về nhà ở khó tiếp cận", ông nói.
Giá đất nền tại các quận nội thành và ven đô Hà Nội đã có dấu hiệu tăng nhanh trở lại, nhất là ở các huyện có thông tin lên quận. Tình trạng "bỏ cọc" sau khi trúng đấu giá tái diễn, tác động tiêu cực đến mặt bằng giá và thị trường nhà ở.
"Tình trạng lũng đoạn, thổi giá, tạo sóng, đầu cơ đất đai đẩy giá đất lên cao khiến việc mua bán hầu như chỉ diễn ra trong giới đầu cơ. Trong khi đó người dân, doanh nghiệp khó tiếp cận vì giá đất cao, vượt khả năng chi trả của họ", ông Thanh nói.
Cơ quan thẩm tra cũng lo ngại điểm nghẽn đầu tư công. Tốc độ giải ngân 9 tháng rất thấp, gần 47,3% kế hoạch Thủ tướng giao, thấp hơn cùng kỳ 2023 (51,4%). 13 bộ, cơ quan trung ương và 40 địa phương có tỷ lệ giải ngân trên mức bình quân cả nước. Nhưng vẫn có 31 bộ, cơ quan trung ương và 23 địa phương giải ngân dưới mức này.
"Chính phủ cần làm rõ nguyên nhân, nhất là lý do chủ quan để có giải pháp khắc phục tình trạng này. Bởi, cùng một hệ thống pháp luật, kết quả thực tế các cơ quan, địa phương lại khác nhau", Ủy ban Kinh tế đề nghị.
Ở điểm này, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho hay Chính phủ quyết tâm đạt tỷ lệ giải ngân vốn công năm nay tối thiểu 95% kế hoạch, qua giải quyết dứt điểm khó khăn trong giải phóng mặt bằng, thúc tiến độ ở những nơi còn chậm.
"Chính phủ rà soát, chống thất thoát, lãng phí, tham nhũng, tiêu cực các cơ chế chính sách đặc thù cho các dự án giao thông, các dự án quan trọng quốc gia", Thủ tướng nói, thêm rằng thể chế, thủ tục hành chính sẽ được cải thiện mạnh mẽ, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho đầu tư, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, người dân.
Để đạt mục tiêu GDP 7% năm nay và mức tương đương vào 2025, cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững trên cơ sở tăng cường năng lực nội sinh, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tỷ giá.
Chính phủ được đề nghị có giải pháp đặc biệt để khôi phục sản xuất của các doanh nghiệp ở các địa phương chịu ảnh hưởng bởi cơn bão Yagi; nâng cao năng lực phân tích, dự báo, phản ứng chính sách kịp thời.
"Cần xử lý dứt điểm vướng mắc về đất đai, ngăn xu hướng suy giảm của thị trường bất động sản và khắc phục tình trạng mất cân đối cung cầu hoặc cầu có nhưng không có khả năng thanh toán", Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nêu.
Ông cũng đề nghị Chính phủ tăng giải pháp kích thích tiêu dùng, mở rộng cầu tiêu dùng, phát triển thị trường trong nước và đa dạng thị trường xuất khẩu, tham gia sâu hơn chuỗi khu vực, toàn cầu.
Anh Minh
Đăng thảo luận