Sản xuất công nghiệp Hà Nội hồi phục

Tính chung 9 tháng năm 2024, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 5,4% so với cùng kỳ năm 2023. Chỉ số tiêu thụ sản phẩm toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9,9% so với cùng kỳ năm 2023. Nhờ đó, chỉ số tồn kho của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước tính đến ngày 30/9 đã giảm 2,3% so với cùng thời điểm năm 2023.

Cùng với hỗ trợ từ Chính phủ, bộ, ngành, thành phố đã triển khai quyết liệt các giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, tiêu thụ trên thị trường nội địa, giảm hàng tồn kho, đã giúp cho sản xuất công nghiệp trên địa bàn Hà Nội phục hồi tích cực, lấy lại đà tăng trưởng. Có ngành đạt tăng trưởng như giai đoạn trước dịch Covid-19.

Tin tức kinh tế ngày 15/10: sản xuất công nghiệp Hà Nội hồi phục  第1张 Tin tức kinh tế ngày 15/10: sản xuất công nghiệp Hà Nội hồi phục. Ảnh minh họa.

Giá vàng nhẫn tiếp tục tăng mạnh 

Giá vàng thế giới trong ngày 15/10 giao dịch ở mức 2.650 USD/ounce, giảm nhẹ so với phiên trước.

Tại thị trường trong nước, ghi nhận vào chiều ngày 15/10, giá vàng SJC tại khu vực Hà Nội niêm yết ở mức 83 - 85 triệu đồng/lượng (mua vào/bán ra), giữ nguyên cả chiều mua vào và bán ra so với chốt phiên hôm qua.

Giá vàng SJC tại PNJ đang được mua vào ở mức 82,6 – 83,6 triệu đồng/lượng (mua vào/bán ra), giảm 100.000 đồng/lượng cả chiều mua vào và bán ra so với chốt phiên hôm qua.

Trong khi đó, giá vàng nhẫn 99,99 và vàng trang sức 24K các loại được giao dịch ở mức cao hơn. Công ty SJC niêm yết giá vàng nhẫn mua vào 81,8 - 83,2 triệu đồng/lượng (mua vào/bán ra), tăng 200.000 đồng/lượng so với chốt phiên hôm qua.

Công ty Bảo Tín Minh Châu niêm yết giá vàng nhẫn trơn lên tới 82,93 - 83,83 (mua vào/bán ra), tăng đến 400.000 đồng/lượng so với chốt phiên hôm qua.

Hơn 43% giá trị trái phiếu doanh nghiệp sắp đáo hạn thuộc bất động sản

Theo dữ liệu của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, lũy kế từ đầu năm đến ngày 4/10, tổng giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp được ghi nhận là 312.067 tỷ đồng, với 15 đợt phát hành ra công chúng trị giá 27.054 tỷ đồng (chiếm 8,7% tổng giá trị phát hành) và 294 đợt phát hành riêng lẻ trị giá 285.012 tỷ đồng (chiếm 91,3%).

Tổng giá trị trái phiếu đã được mua lại trước hạn đạt 144.044 tỷ đồng, giảm 21,1% so với cùng kỳ năm 2023. Ngân hàng là nhóm ngành dẫn đầu, chiếm khoảng 72,5% tổng giá trị mua lại trước hạn (tương ứng khoảng 104.444 tỷ đồng).

Trong phần còn lại của năm 2024, tổng giá trị trái phiếu sẽ đến hạn là 78.878 tỷ đồng. Có 43,5% giá trị trái phiếu sắp đáo hạn thuộc nhóm bất động sản với khoảng 34.317 tỷ đồng, theo sau là nhóm ngân hàng với gần 8.500 tỷ đồng (chiếm 10,8%). Tính từ đầu năm đến ngày 4/10, tổng giá trị đạt 750.000 tỷ đồng.

Xuất khẩu tôm đạt gần 2,8 tỷ USD

Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), giá tôm nguyên liệu của Việt Nam ghi nhận có chuyển biến tích cực hơn kể từ tháng 7 cho đến nay. Cụ thể, giá tôm chân trắng nguyên liệu các cỡ 50, 80, 100 con/kg tăng đều kể từ tháng 7 đến tháng 9. Giá trung bình tôm xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ và châu Âu cũng ghi nhận tăng từ tháng 6. Giá xuất khẩu sang Trung Quốc, Nhật Bản cũng ghi nhận tăng nhẹ.

Dự kiến giá tôm nguyên liệu vẫn sẽ tiếp tục khả quan trong quý IV/2024. Tuy nhiên, sẽ có khả năng thiếu nguyên liệu cục bộ do đây là giai đoạn Trung Quốc sẽ tăng mua cho nhu cầu lễ Tết Nguyên đán và đón năm mới, doanh nghiệp cần nguồn nguyên liệu để đẩy mạnh sản xuất các đơn hàng cuối năm. 

Trong 3 quý vừa qua, mặt hàng tôm mang về kim ngạch xuất khẩu cao nhất, ước đạt gần 2,8 tỷ USD, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm 2023.

Giải ngân các dự án vốn nước ngoài chỉ đạt 24,33% kế hoạch

Trong 9 tháng năm 2024, Chính phủ ký kết vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài với tổng trị giá 638,8 triệu USD. Dự kiến năm 2024 sẽ hoàn thành việc đàm phán, ký kết 14 hiệp định, thỏa thuận vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài với tổng trị giá 1.500 triệu USD.

Tuy nhiên, chi phí vay nước ngoài đang cao hơn so với chi phí vay bình quân trong nước. Lãi suất vay 2 tổ chức đa phương lớn nhất (WB và ADB) dao động trong khoảng 5,91 - 6,5%/năm.

Tỷ lệ giải ngân các dự án vốn nước ngoài trong 9 tháng ước chỉ đạt 24,33% kế hoạch Thủ tướng giao. Nguyên nhân chủ quan là hệ thống pháp luật vẫn đang hoàn thiện, các vướng mắc liên quan đến đầu tư công, đấu thầu chưa được xử lý triệt để, trong khi sức ép từ các nhà tài trợ phải áp dụng tiêu chuẩn quốc tế.