Tiêm phòng vaccine HPV được giới trẻ chú trọng vào mùa cưới
(Dân trí) - Đứng trước ngưỡng cửa hôn nhân, bên cạnh sự chuẩn bị về tâm lý, tài chính, việc xây dựng nền tảng sức khỏe tốt cũng được các cặp đôi chú trọng, nhất là tiêm vaccine phòng ung thư cổ tử cung và các bệnh do HPV gây ra.
Những tháng cuối năm là thời điểm thích hợp để tổ chức lễ cưới, đánh dấu bước ngoặt lớn trong đời mỗi người. Các cặp đôi ngày nay dần có ý thức hơn trong việc chăm sóc sức khỏe tiền hôn nhân, điều này không chỉ giúp các cặp đôi chuẩn bị tâm lý cho cuộc sống gia đình về sau mà còn phòng tránh nguy cơ lây nhiễm các bệnh lây truyền qua đường tình dục.
Đại diện phòng tiêm chủng Thu Cúc TCI cho biết, các cặp đôi đến tiêm phòng HPV tăng cao trong thời gian gần đây, đặc biệt là tỷ lệ nam giới tăng lên đáng kể. Đây là một tín hiệu tích cực cho thấy giới trẻ đã nhận thức được mức độ nguy hiểm của các bệnh lây truyền qua đường tình dục, nhất là trong thời điểm mùa cưới hiện nay.
Tỷ lệ nam giới tiêm phòng HPV tại phòng tiêm chủng Thu Cúc TCI tăng gần đây (Ảnh: TCI).Phạm Thắng (24 tuổi, Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ: "Trước đây, mình chỉ biết vaccine HPV dành cho các bạn nữ phòng ngừa ung thư cổ tử cung. Cho đến gần đây, người yêu mình rủ đi tiêm phòng thì mình mới bắt đầu tìm hiểu về tiêm phòng HPV cho nam giới. Bất cứ ai cũng có thể bị nhiễm virus HPV, giá như mình sớm tìm hiểu các thông tin ngừa HPV cho nam giới sớm hơn, thì hiệu quả tiêm phòng sẽ cao hơn so với hiện tại".
Lê Trang (23 tuổi, Thanh Xuân, Hà Nội) tiết lộ đã thuyết phục thành công bạn trai đi tiêm phòng HPV. "Mình đã được tiêm phòng HPV vào năm 18 tuổi, hôm nay mình dẫn bạn trai sắp cưới của mình đi tiêm phòng. Tiêm phòng HPV cho nam giới được nhiều bạn trẻ biết đến trong một vài trào lưu gần đây trên mạng xã hội, và mình thấy cần thiết cho 2 phái. Và mình cũng khuyên các bạn bè của mình nên tiêm phòng HPV càng sớm càng tốt".
Khi nhắc đến HPV, nhiều người thường nghĩ đến ung thư cổ tử cung ở nữ giới và cho rằng tỷ lệ nhiễm virus ở nữ sẽ cao hơn nam. Tuy nhiên, ThS.BS. Đặng Thị Kim Hạnh - Trưởng đơn vị tiêm chủng, Hệ thống Y tế Thu Cúc TCI cho biết, nam và nữ đều có nguy cơ lây nhiễm virus HPV.
Không chỉ gây ra ung thư cổ tử cung và ung thư âm đạo ở nữ giới, virus HPV còn là nguyên nhân của nhiều bệnh lý và ung thư nguy hiểm ở nam giới như ung thư dương vật, ung thư hậu môn, ung thư hầu - họng và mụn cóc sinh dục ở cả hai giới.
Tiêm phòng HPV tại phòng tiêm chủng Thu Cúc TCI (Ảnh: TCI).Theo bác sĩ Hạnh, đường lây chính virus HPV là qua quan hệ tình dục, nhưng cũng có khả năng lây qua việc sử dụng chung dụng cụ sinh thiết, đồ lót, và có thể được truyền từ mẹ sang con trong quá trình sinh nở.
Có hơn 100 chủng HPV khác nhau, trong đó 14 trong số 40 chủng lây truyền qua đường tình dục có nguy cơ cao và có thể gây tổn thương tiền ung thư. Thường gặp nhất là HPV 16 và HPV 18 có thể gây bệnh ung thư cổ tử cung, HPV 6 và HPV 11 có thể gây bệnh sùi mào gà cơ quan sinh dục.
Theo Thư viện Y học Quốc gia Hoa Kỳ, dữ liệu ước tính cho thấy xác suất nhiễm HPV trung bình trong vòng đời ở nam giới là 91%, trong khi ở nữ giới là 85%. Ngoài ung thư cổ tử cung, hiện vẫn chưa có biện pháp sàng lọc thường quy được khuyến nghị nhằm phát hiện sớm các bệnh lý ung thư do HPV ở nam giới.
Hầu hết người nhiễm HPV không phát hiện ra mình đã mắc bệnh từ khi nào và do đâu. Đến khi triệu chứng rõ ràng thì bệnh đã ảnh hưởng trầm trọng đến sức khỏe. Tiêm vaccine là phương pháp phòng bệnh sớm và hiệu quả, được khuyến khích đối với cả nam và nữ từ 9-26 tuổi.
Nếu như trước đây, vaccine Gardasil chỉ dành cho nữ giới và ngừa 4 chủng của virus HPV, thì hiện tại, với sự xuất hiện của Gardasil 9 thế hệ mới đã mở rộng khả năng ngừa lên đến 9 chủng virus HPV và có thể áp dụng cho cả nam giới.
Gardasil 9 hiệu quả trong việc phòng ngừa bệnh với tỷ lệ lên đến 94%, áp dụng cho nam và nữ. Được biết đến như vaccine bình đẳng giới, Gardasil 9 hứa hẹn đóng góp đáng kể vào việc giảm sự lưu hành của HPV thông qua việc tăng cường miễn dịch trong cộng đồng.
Vaccine Gardasil 9 tiêm chủng cho cả nam và nữ ở độ tuổi 9-26 tuổi (Ảnh: TCI).Vaccine ngừa virus HPV đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn nguy cơ tổn thương tiền ung thư và các loại ung thư như: ung thư cổ tử cung, ung thư âm hộ, âm đạo và mào gà sinh dục.
Theo bác sĩ Hạnh, sau khi tiêm vaccine, cơ thể cần một khoảng thời gian để phát triển kháng thể bảo vệ. Với các loại vaccine cần tiêm nhiều mũi thì phác đồ có thể kéo dài từ 3 tháng đến 1 năm. Do đó, các cặp đôi cần chủ động sắp xếp thời gian hợp lý để chủng ngừa, như trong giai đoạn chuẩn bị kết hôn hoặc trước khi mang thai.
Ngoài vaccine HPV, các bác sĩ cũng khuyến khích các cặp đôi trước khi kết hôn nên tiêm các loại vaccine phòng các bệnh như thủy đậu, sởi - quai bị - rubella, bạch hầu - ho gà - uốn ván, các bệnh do phế cầu, cúm, viêm gan A, B… để bảo vệ sức khỏe và chuẩn bị cho giai đoạn mang thai.
Sức khỏe chủ động là chuyên mục do Báo Dân trí và Hệ thống Y tế Thu Cúc TCI phối hợp thực hiện. Các bài viết có sự tham gia cố vấn của đội ngũ bác sĩ, chuyên gia kinh nghiệm của TCI, nhằm mang đến cho độc giả những kiến thức hữu ích về chăm sóc sức khỏe chủ động.
Đăng thảo luận