Chuyên gia Chứng khoán VPBanks cho rằng huy động tăng thấp so với tín dụng là do người dân có xu hướng rút tiền gửi đi mua vàng, bất động sản, các kênh đầu tư có hiệu suất sinh lời cao hơn khi lãi tiền gửi thấp.

Tiền gửi ngân hàng tăng ‘đuối’ hơn, tiền không ồ ạt vào chứng khoán thì chạy đâu?  第1张

Lãi suất thấp, tăng trưởng huy động tiền gửi thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Số liệu Tổng cục Thống kê vừa công bố, đến ngày 27-9-2024, huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 4,79% (cùng thời điểm năm trước tăng 6,63%); còn tăng trưởng tín dụng 8,53% (cùng kỳ tăng 6,24%).

Thấy gì khi tăng trưởng tín dụng gần gấp đôi huy động vốn?

Xu hướng này tiếp diễn từ nửa đầu năm nay, khi báo cáo tài chính nhiều ngân hàng thể hiện tăng trưởng cho vay vượt huy động.

Đơn cử như Vietcombank, dư nợ cho vay khách hàng tăng 7,8% trong nửa đầu năm nay, tương đương 99.300 tỉ đồng được giải ngân.

Còn huy động tiền gửi tại Vietcombank giảm 1,5%, còn hơn 1,37 triệu tỉ đồng so với mức 1,39 triệu tỉ đồng hồi đầu năm nay. Nhiều ngân hàng khác cũng cho vay khách tăng trưởng vượt huy động.

Theo chuyên gia Chứng khoán VPBanks, huy động tăng thấp do người dân có xu hướng rút tiền đi mua vàng, bất động sản hay kênh đầu tư khác có hiệu suất sinh lời cao hơn khi nền lãi suất tiền gửi thấp. Đặc biệt các ngân hàng Big4 lãi suất thấp gây hiệu ứng rất lớn.

Dữ liệu: SBV

Đến cuối tháng 9, lãi suất 12 tháng trung bình của nhóm ngân hàng thường đã tăng 13 điểm cơ bản so với đầu năm lên mức 5%, trong khi lãi suất của nhóm quốc doanh vẫn giữ nguyên ở mức 4,7%, thấp hơn 26 điểm cơ bản so với đầu năm.

Để bù đắp thanh khoản, chuyên gia VPBanks cho biết ngân hàng có xu hướng huy động trên thị trường 2 và nhiều kênh khác. Như vay hợp vốn nước ngoài, bán vốn chiến lược, phát hành trái phiếu, sử dụng công cụ phát hành giấy tờ có giá…

Với nền lãi suất huy động đang tăng dần trở lại, thị trường vàng bị siết chặt, thị trường bất động sản đang ở trong giai đoạn quan sát đi kèm với việc thị trường chứng khoán ảm đạm, chuyên gia VPBanks cho rằng đây sẽ là những yếu tố thúc đẩy huy động tiền gửi tăng lại.

Vì sao tiền không chảy vào chứng khoán?

Hồi đầu năm, nhiều đơn vị dự báo với lãi suất tiền gửi thấp, chứng khoán sẽ hưởng lợi khi dòng tiền được rút khỏi ngân hàng, đổ vào sôi động hơn.

Tuy nhiên, giai đoạn nửa đầu năm, VN-Index thanh khoản tốt hơn nhưng sau đó đi vào giai đoạn điều chỉnh, tích lũy, gây chán nản với nhiều nhà đầu tư.

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Đỗ Bảo Ngọc - phó tổng giám đốc Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam - cho biết thanh khoản chứng khoán trong 4 tháng liên tiếp gần đây đều sụt giảm.

Dữ liệu cho thấy giá trị giao dịch bình quân phiên trong tháng 9 vừa qua chỉ hơn 13.500 tỉ đồng, mức thấp nhất trong gần 1 năm trở lại đây.

Thanh khoản chứng khoán giảm mạnh từ tháng 6 đến tháng 9 năm nay - Dữ liệu: VDCS

Trong khi nhìn sang thị trường bất động sản hay vàng, giá cả tăng mạnh, đem lại hiệu ứng "FOMO" hơn với nhiều nhà đầu tư. Đặc biệt, cơn sốt chung cư khiến nhiều khách hàng vội vã "sốt ruột" vì lo tăng giá từng ngày. Đây là những yếu tố, theo ông Ngọc, góp phần ảnh hưởng tâm lý thị trường chứng khoán thời gian qua.

Đến gần đây, thanh khoản thị trường chứng khoán đã cải thiện hơn với nhiều phiên vượt 20.000 tỉ đồng, theo ông Ngọc. Dòng tiền nội đứng trước những sự lựa chọn mới khi thị trường bất động sản, vàng trong nước đã bị đẩy lên nền giá quá cao. Tính hấp dẫn của sự đầu cơ cũng giảm đi.

"Trong khi thị trường chứng khoán có kỳ vọng tăng trưởng tốt hơn khi nền kinh tế phục hồi rõ nét hơn, tăng trưởng cao hơn", ông Ngọc nhận định.

Dữ liệu: VDCS

Bà Trần Thị Khánh Hiền - giám đốc khối phân tích Chứng khoán MB (MBS) - cũng cho rằng việc phân bổ vào từng kênh đầu tư sẽ phụ thuộc vào khẩu vị rủi ro và mục tiêu đầu tư của mỗi người. Với những nhà đầu tư cần thanh khoản cao thì rõ ràng chứng khoán là kênh nên phân bổ được lựa chọn.

Ngân hàng có lo "thiếu tiền"?

Trong bối cảnh áp lực tỉ giá giảm, Chứng khoán MB (MBS) cho biết Ngân hàng Nhà nước đang tiếp tục tích cực hỗ trợ hệ thống ngân hàng trong tháng 9, nhằm hạ mặt bằng lãi suất liên ngân hàng.

Tính đến ngày 30-9, tổng giá trị tiền ròng Ngân hàng Nhà nước bơm vào hệ thống ước khoảng 128.200 tỉ đồng với mức lãi suất 4 - 4,25%, kỳ hạn 7 ngày.

Kho bạc Nhà nước cũng phát đi thông báo về nhu cầu mua ngoại tệ từ các ngân hàng thương mại với khối lượng dự kiến tối đa là 350 triệu USD trong tháng này. Động thái này sẽ giúp tăng thanh khoản hệ thống.

Theo chuyên gia MBS, xu hướng tăng lãi suất tiền gửi tiếp tục chững lại trong tháng 9, khi chỉ có một vài ngân hàng tăng lãi suất với mức tăng từ 0,1 - 0,5%, cho thấy thanh khoản hệ thống khá dồi dào trong vài tuần đầu tháng.

Tuy nhiên, việc cơn bão Yagi gây ra nhiều thiệt hại nghiêm trọng khiến nhiều doanh nghiệp mất khả năng trả nợ, có thể làm gia tăng áp lực nợ xấu. Đây là yếu tố thúc đẩy các ngân hàng tiếp tục điều chỉnh tăng lãi suất huy động nhằm thu hút vốn mới, qua đó giúp đảm bảo thanh khoản, theo MBS.

MBS dự báo lãi suất đầu vào sẽ tăng nhẹ 20 điểm cơ bản vào cuối năm trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng phục hồi gây áp lực lên thanh khoản hệ thống.