Khách mua trực tiếp giảm, nhiều tiểu thương đã chọn cách tăng kinh doanh online. Những tưởng sẽ bù vào lượng khách trực tiếp đang èo uột nhưng "cuộc chơi" trên mạng không dễ dàng chút nào.
Một doanh nghiệp ở TP.HCM livestream bán hàng ngay tại hội chợ - Ảnh: NGUYỄN TRÍ
Cuối năm 2023, chợ Bến Thành (quận 1, TP.HCM) từng sôi động với nhiều phiên livestream bán hàng của tiểu thương. Đây cũng là lần đầu tiên một chợ truyền thống thí điểm việc kinh doanh và quảng bá chính thức trên nền tảng TikTok ở Việt Nam.
Lúc bấy giờ, tiểu thương chợ Bến Thành hào hứng học bán hàng online, thậm chí còn mời TikToker livestream bán hàng cho du khách, nhưng chỉ sau một thời gian ai cũng... nản vì đơn hàng lèo tèo.
Livestream bán hàng nhưng chẳng được mấy đơn
"Không còn mặn mà" với livestream bán hàng online có lẽ là tâm trạng chung của nhiều tiểu thương tại chợ Bến Thành. Bà Nguyễn Thị Trang, tiểu thương gian hàng bánh kẹo, bảo rằng dù có hầu hết tài khoản mạng xã hội như Facebook, Zalo, TikTok... nhưng chỉ sau vài ba lần livestream, đăng bài bán hàng là ngưng.
"Tôi bán trực tiếp quen nguồn khách rồi, giờ bán online toàn người lạ, chưa quen biết nhau nên khách ngại mua. Chưa kể mỗi lần giao hàng tốn phí cao nên người mua không chịu, nếu người bán chịu phí giao hàng thì khó lời", bà Trang lý giải.
Từng được các TikToker nhiều lần "cầm tay chỉ việc" về livestream bán hàng thời trang nhưng sau thời gian ngắn áp dụng, bà Bùi Thị Lụa, tiểu thương chợ, cũng nản lòng. Theo bà Lụa, các TikToker có sức ảnh hưởng trên mạng nên khi livestream dễ bán được sản phẩm, còn tiểu thương livestream gần như không bán được vì tài khoản ít người theo dõi, chưa kể phải đóng các loại phí.
Các 'chiến thần' livestream bạc tỉ cũng chi tiền tỉ cho quảng bá, nhân sự
Livestream Shopee ngày 15-9 kể chuyện doanh nghiệp Việt vươn ra biển lớn
Giành giật mua hàng Trung Quốc trên các phiên livestream của người Việt
Là người trẻ và sở hữu nhiều kênh bán hàng online như fanpage trên Facebook, kênh YouTube, website..., nhưng ông Lý Đại Lâm, quản lý sạp cà ri trong chợ Bến Thành, nói hiệu quả kinh doanh online khá khiêm tốn.
"Đặc thù ở mỗi chợ, mỗi ngành hàng, mặt hàng là khác nhau nên theo tôi cần xem xét có nên tham gia tăng bán kênh online không, hoặc bán online như thế nào cho phù hợp. Chưa kể hoạt động kinh doanh đang khá khó khăn nhưng chi phí bán hàng online lại khá nhiều", ông Lâm nhận định.
Đại diện ban quản lý chợ Bến Thành cho biết sau các lần tập huấn livestream bán hàng trên TikTok cho hơn 1.100 tiểu thương, từ đầu năm đến nay chợ chưa phối hợp tập huấn thêm lần nào. Việc này cũng một phần đến từ vấn đề nhiều tiểu thương không còn hào hứng.
"Khoảng 60 - 70% người bán tại chợ đã lớn tuổi nên không rành về công nghệ, chậm tiếp cận mô hình bán hàng online.
Chưa kể đặc thù là chợ du lịch nên khách chủ yếu chọn mua trực tiếp, trường hợp tiểu thương đầu tư thêm kênh online phải thuê thêm người với nhiều chi phí nên họ không mặn mà, hoặc rơi rụng dần sau khi tham gia tập huấn", đại diện ban quản lý chợ Bến Thành nói.
Chuẩn bị sản phẩm, thiết bị để phục vụ một buổi livestream bán hàng trên TikTok tại An Giang - Ảnh: NGUYỄN TRÍ
Hàng Việt thua ngay trên sân nhà?
Không chỉ tiểu thương, nhiều cơ sở lớn, doanh nghiệp cũng đuối với bài toán livestream bán hàng. Bà Nguyễn Thị Đào, chủ cơ sở thường xuyên livestream bán hạt điều trên Facebook, TikTok... ở Bình Phước, cho biết bán hàng đặc sản thường dễ hơn nhưng cũng khá đuối vì có quá nhiều nơi livestream bán hàng tương đồng, thậm chí có nơi bán với giá chỉ phân nửa.
"Muốn cạnh tranh bắt buộc phải chi tiền cho các nền tảng online để tăng tương tác, tiếp cận được với nhiều người, mỗi tháng có thể phải mất cả chục triệu đồng chỉ cho khoản này. Chi phí nhiều nên hoạt động kinh doanh này phải tính toán kỹ", bà Đào thận trọng.
Là doanh nghiệp chấp nhận tăng đầu tư cho kênh bán hàng trên nền tảng mạng xã hội nhiều năm qua, ông Vũ Ngọc Minh, chủ một đơn vị sản xuất đồ gia dụng tại TP.HCM, cho rằng không thể phủ nhận những điểm tích cực từ kênh online mang lại như giúp tăng lượng khách hàng, tăng độ nhận diện xuyên biên giới, giảm chi phí thuê mặt bằng...
Nhưng theo ông Minh, cái khó hiện nay là gần như mặt hàng gia dụng nào Việt Nam cũng đụng Trung Quốc, trong khi hàng Trung Quốc lại có giá bán thấp hơn 10 - 20%, thậm chí 30%.
"Trung Quốc có hệ thống logistics quá mạnh, có nền tảng TikTok mở đường cho khâu thương mại với những chính sách tạo điều kiện để hàng Trung Quốc dễ dàng thâm nhập vào Việt Nam", ông Minh nhận định.
Theo Báo cáo chỉ số thương mại điện tử Việt Nam 2024 (VECOM) - Đồ họa: TUẤN ANH
Bán hàng online là chặng đường dài
Trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Đoàn Thị Thu Hà, đại diện ban quản lý chợ Thủ Đức, xác nhận từng lên kế hoạch mời TikToker về chợ để livestream bán hàng giúp, hỗ trợ đào tạo nhưng nhiều người bán không mặn mà nên không triển khai. Tuy vậy, bà Hà cho rằng việc đưa kiến thức kinh doanh online đến tiểu thương là chặng đường dài.
"Livestream bán hàng giúp hoặc đào tạo trong ngắn hạn sẽ không đạt nhiều hiệu quả cao do nhiều tiểu thương có tuổi không quen với công nghệ thông tin, thậm chí bán kiểu này đôi khi họ còn sợ bị mất tiền", bà Hà nói.
Còn ông Nguyễn Ngọc Luận, giám đốc Công ty TNHH Liên kết Thương mại Toàn Cầu (TP.HCM), cho rằng hàng Trung Quốc tung hoành khắp thế giới, trong đó có Việt Nam, không phải ngẫu nhiên.
Để dễ bán hàng online, theo ông Luận, cần đảm bảo hai yếu tố chính là giá thành sản xuất phải thấp, cạnh tranh và kênh xúc tiến, bán hàng qua các nước phải ổn. Và gần như hàng Trung Quốc có cả hai điều này.
Đơn cử như một nhà máy nước tại Trung Quốc có công suất rất lớn, hàng xuất đi nhiều nước nhưng khâu sản xuất chỉ cần 5 - 6 người vận hành.
Trong khi đó, ông Trần Mạnh Quốc, chủ một doanh nghiệp bán đồ gia dụng tại TP.HCM, cho rằng ngoài câu chuyện về giá quá tốt thì giải pháp về bán hàng, thương mại quá hoàn hảo đã giúp Trung Quốc xuất khẩu hàng dễ dàng.
"Gần đây nhiều doanh nghiệp tại Trung Quốc liên tục mời lượng lớn TikToker, những người có tầm ảnh hưởng trên mạng của các nước qua để kết nối, đào tạo nhằm định hướng cho những cá nhân này thành "đại sứ" bán hàng Trung Quốc ở các nước, trong đó có Việt Nam", ông Quốc nói.
TikTok có nhiều ưu đãi đối với hàng Trung Quốc?
Ông Nguyễn Ngọc Luận cho rằng nền tảng TikTok đang có nhiều ưu đãi đối với hàng Trung Quốc như bán hàng Trung Quốc thường xuyên được hỗ trợ miễn, giảm phí giao hàng, tăng khuyến mãi.
Ngược lại, hàng Việt rất ít khi được các chính sách này, để dễ bán hàng người bán phải bỏ tiền ra tăng tính tương tác, chấp nhận giảm lợi nhuận. Đơn cử đơn vị bán một hộp cà phê qua kênh TikTok giá 80.000 đồng thì phí giao hàng hết 30.000 đồng.
"Giá hàng Trung Quốc khá cạnh tranh, giờ thêm miễn phí giao hàng dĩ nhiên tâm lý chung người mua lẫn người bán sẽ ưa chuộng dòng hàng này.
Việc dùng kênh online, công nghệ để hỗ trợ điều chỉnh hành vi của người dùng giúp hàng Trung Quốc dễ thắng thế so với hàng Việt", ông Luận nhận định.
Chặn trên 6.000 gian hàng vi phạm
Bộ Công Thương cho biết đã tăng cường kiểm soát các sàn từ khâu đăng ký để đảm bảo tuân thủ đúng quy định khi hoạt động; tiến hành hậu kiểm tra các sàn định kỳ theo kế hoạch thanh tra, hoặc kiểm tra đột xuất để phát hiện, đấu tranh với các hành vi vi phạm.
Bộ này thường xuyên chủ động rà soát các website yêu cầu gỡ bỏ sản phẩm vi phạm. Năm 2023 bộ đã kiểm tra 834 vụ, xử lý 764 vụ, phạt 12 tỉ đồng với giá trị hàng hóa gần 6 tỉ đồng.
Có 14 văn bản được ban hành yêu cầu các đơn vị sở hữu sàn thương mại điện tử, website, ứng dụng gỡ bỏ các sản phẩm vi phạm với 23.359 sản phẩm, chặn 6.254 gian hàng vi phạm.
Đăng thảo luận