TP HCMNhiều tài sản, khoản tiền trị giá hàng chục nghìn tỷ đồng liên quan đến bà Trương Mỹ Lan tiếp tục được tòa thẩm tra để truy thu, khắc phục cho trái chủ.
Ngày 1/10, TAND TP HCM tiếp tục xét hỏi bà Trương Mỹ Lan và đại diện một số đơn vị để rà soát các khoản tiền, tài sản đang bị kê biên, ngăn chặn nhằm khắc phục hậu quả cho 35.824 trái chủ.
Trong buổi làm việc sáng nay, tòa nghỉ sớm để tạo điều kiện cho bà Lan tiếp cận 6 phụ lục về các tài sản bị kê biên, phong tỏa, ngăn chặn trong giai đoạn hai vụ án Vạn Thịnh Phát do nhiều tài sản bà "không nhớ".
Bà Trương Mỹ Lan tại tòa. Ảnh: Quỳnh Trần
Về phụ lục, ngoài một số tài sản được bà Lan đề cập trong những buổi làm việc trước đó, còn nhiều tài sản mới được làm rõ về giá trị và nguồn gốc.
Đối với dự án Khu đô thị Sing - Việt (diện tích hơn 331 ha tại xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh), quá trình xét xử giai đoạn một vụ án Vạn Thịnh Phát, tòa xác định bà Lan đã sử dụng 147 triệu USD thông qua Công ty Vivaland để mua cổ phần của các cổ đông sở hữu Công ty Amaland Pte.Ltd (Amaland) tại Singapore. Tuy nhiên, tòa đề nghị trong giai đoạn hai vụ án sẽ tiếp tục làm rõ nguồn tiền mua cổ phần có phải của SCB hay không.
Trả lời HĐXX, đại diện Công ty TNHH Đô thị Sing Việt cho biết làm chủ đầu tư dự án Khu đô thị Sing - Việt, song 100% vốn thuộc sở hữu của Amaland. Công ty này có hai người đại diện theo pháp luật là ông Nguyễn Thanh Tùng và một người Singapore. Dự án đang trong quá trình giải phóng mặt bằng, chưa được cấp giấy chứng nhận.
Từ năm 2012, các nhà đầu tư nước ngoài đã góp vốn thực hiện dự án, cho đến nay không góp thêm vốn. Tháng 4/2020, Amaland ký hợp đồng chuyển nhượng vốn tại Công ty Sing Việt cho Công ty CP Đầu tư Singapore – Việt Nam (SVIC) với giá 170 triệu USD, đã chuyển 16,5 triệu USD cọc. Thỏa thuận này sau đó không thể thực hiện do hai bên phát sinh tranh chấp.
Công ty TNHH đô thị Sing Việt cho biết, giữa Công ty Vivaland và Công ty CP Tập đoàn TTD Capital có ký một thỏa thuận khung, thể hiện Công ty Vivaland và TTD Capital cùng tham gia hợp tác, điều hành, phát triển dự án. Đồng thời, TTD Capital thay nhóm cổ đông ở Vivaland nộp 147 triệu USD khắc phục hậu quả vụ án.
Trình bày với tòa, đại diện Công ty cổ phần Tập đoàn TTD Captical Việt Nam xác nhận đang được nhóm công ty ở Singapore của Công ty Viva thuộc Vạn Thịnh Phát ủy quyền cho tham gia điều hành dự án và sẽ nộp khắc phục 147 triệu USD.
Còn phía SVIC xác nhận công ty đã chuyển hơn 16 triệu USD cho Amaland, nhưng hiện nay Amaland không tiếp tục thực hiện hợp đồng. Hiện các bên đã khởi kiện tại TAND TP HCM, còn Amaland đã khởi kiện tại trọng tài Quốc tế. Công ty chưa nhận được các kết quả giải quyết việc, song tại phiên tòa này công ty sẵn sằng nộp số tiền còn lại là 153 triệu USD khắc phục hậu quả vụ án để tiếp tục thực hiện dự án.
Về vấn đề này, bà Trương Mỹ Lan cho biết phần mua cổ phần vốn góp là tiền của Singapore 100% để thực hiện dự án. Do đây là dự án lớn nên những người tham gia đã nhờ bà kiếm đơn vị uy tín thực hiện. Trong đó, bà xin 60 hecta để làm nhà ở xã hội (tái định cư).
"Hơn 10 năm nay họ chưa chuyển nhượng hay nhận đồng nào, còn bị cáo chỉ giúp họ phát triển dự án. Nay phía Singrapore nói tìm được đối tác cho mượn hơn 3.700 tỷ đồng, hay cứ coi như là tiền ứng trước để khắc phục cho bị cáo, mong tòa tạo điều kiện", bà Lan đề nghị.
Liên quan đến dự án Tứ giác Bến Thành với tập đoàn Bitexco, bà Lan khai có thỏa thuận miệng với chủ tịch Bitexco về việc sẽ tìm đối tác chuyển nhượng dự án với giá 22.000 tỷ đồng. Bà sau đó đã nhiều lần chuyển cho công ty này tổng cộng 7.000 tỷ đồng. Bà có nói với chủ tịch công ty này là nếu bán dự án cho ai thì hoàn trả lại cho bà 7.000 tỷ đồng, và 30% giá trị của 7.000 tỷ đồng. Sau này bà có kiếm được đối tác Singapore để vào thực hiện dự án nhưng họ đang chuẩn bị nguồn tiền thì bà bị bắt.
Đại diện Công ty Bitexco thừa nhận có nhận 15.712 tỷ đồng từ bị cáo Trương Mỹ Lan để thực hiện dự án khu Tứ giác Bến Thành. Số tiền này mục đích để thực hiện triển khai dự án, hiện đã hòa nhập dòng tiền này vào hoạt động của tập đoàn.
Tập đoàn Bitexco dùng 15.712 tỷ đồng trên để trực tiếp thanh toán hoặc chuyển cho công ty con trong tập đoàn để hoàn trả các khoản chi phí phát sinh trong quá trình đầu tư xây dựng dự án, và một số dự án khác trong Tập đoàn Bitexco.
Công ty Bitexco đề nghị tòa không thu hồi số tiền trên, do là giao dịch dân sự hợp pháp giữa các bên; Bitexco nhận số tiền một cách hợp pháp và hoàn toàn không biết số tiền này có liên quan đến vụ án hay không. Việc để cho công ty tiếp tục thực hiện dự án sẽ giúp giải quyết được một cách tốt nhất quyền lợi, nghĩa vụ của các bên liên quan.
Các bị cáo đồng phạm với bà Trương Mỹ Lan trong vụ án. Ảnh: Quỳnh Trần
Liên quan tới dự án ở Khu đô thị phát triển An Phú TP HCM (TP Thủ Đức) do Công ty CP địa ốc Thủ Thiêm làm chủ đầu tư. Bà Lan khai có cho ông Nguyễn Văn Liêm (Tổng giám đốc Công ty địa ốc Thủ Thiêm) mượn 1.000 tỷ đồng. Bà Lan khẳng định đây là tiền riêng của mình chứ không phải của SCB và là tiền "cho mượn" chứ không phải là nguồn đầu tư cho dự án.
Theo bà Lan, do công ty này khó khăn nên đã cho mượn và hứa sẽ đi tìm nhà đầu tư, môi giới cho ông Liêm bán dự án để thu hồi lại số tiền và kiếm thêm lãi nhưng đến nay ông Liêm chưa trả lại. Bà Lan mong muốn thu hồi số tiền này để khắc phục hậu quả. Tuy nhiên, tài sản của công ty này cũng đang bị thế chấp cho một số khoản vay khác.
Đối với dự án Tân Thành tại Long An, bà Lan đề nghị Novaland thanh toán 2.500 tỷ đồng bằng tiền mặt để khắc phục hậu quả của vụ án.
Cũng trong chiều nay, bà Lan cho biết thêm, một số khoản tiền cho vay hoặc mua nhiều bất động sản nhưng chưa được nhận lại. Trong đó, bà đã bỏ ra 300 tỷ đồng để mua tòa nhà 129 Pasteur từ Công ty Nova, Công ty Bắc Nam 79 (của Phan Văn Anh Vũ). Bà không biết lý do sau này tòa nhà bị Nhà nước thu hồi, nên đề nghị tòa xem xét giải quyết để lấy lại được nguồn tiền này.
Trong buổi làm việc hôm qua, liên quan đến Công ty Hòa Thuận Phát - sở hữu hãng tàu Hòa Thuận Phát, bà Lan đề nghị tòa cho xin lại vì công ty này liên quan đến lịch sử của gia tộc. Tuy nhiên, tại tòa hôm nay, bà Lan cho biết trong công ty có liên quan đến dự án tái định cư. Do đó, những gì liên quan đến dự án bà đồng ý bán khắc phục hậu qủa, chỉ xin lại pháp nhân công ty vì trong gia phả của gia tộc công ty này gắn với lịch sử hình thành hãng tàu Hòa Thuận Phát.
Sau gần hai tuần làm việc, HĐXX đã thẩm vấn xong các bị cáo và người liên quan. Phiên tòa tạm nghỉ, sẽ tiếp tục vào ngày 4/10.
Trong phạm vi vụ án đang xét xử, bà Lan và 33 đồng phạm bị cáo buộc về các tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản (30.000 tỷ đồng của 35.824 trái chủ); Rửa tiền (445.768 tỷ đồng) và Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới (4,5 tỷ USD).
Quá trình thẩm vấn bà Lan nhiều lần nói "tôn trọng cáo buộc của cơ quan điều tra", song đề nghị HĐXX và VKS xem xét nguyên nhân, bối cảnh của hành vi phạm tội. Bà nhận toàn bộ trách nhiệm về hậu quả xảy ra. Các bị cáo khác cũng thừa nhận toàn bộ hành vi sai phạm nêu trong cáo trạng
Hải Duyên
Đăng thảo luận