Hải quân Mỹ cho biết một trong những tàu chở dầu của họ tại khu vực Trung Đông đã bị hư hỏng nghiêm trọng trong lúc hoạt động.
Tàu chở dầu tiếp tế USNS Big Horn của Hải quân Mỹ - Ảnh: HẢI QUÂN MỸ
Theo báo Washington Post, sự cố gây ra không ít khó khăn cho nhiệm vụ răn đe của Hải quân Mỹ, trong bối cảnh căng thẳng giữa Israel và lực lượng Hezbollah tại Lebanon có nguy cơ bùng phát thành xung đột quy mô lớn.
Tàu chở dầu USNS Big Horn bị sự cố vào sáng sớm 24-9 (giờ địa phương), nguyên nhân đang được điều tra. Tàu có khoảng 80 thủy thủ đoàn và đang được kéo vào cảng để kiểm tra và sửa chữa.
Một quan chức quân đội đề nghị không nêu tên cho biết tàu bị hư hỏng tại vùng biển Ả Rập, nơi tàu sân bay USS Abraham Lincoln và nhiều tàu chiến khác đã hoạt động trong nhiều tháng qua giữa căng thẳng leo thang do cuộc chiến của Israel ở Dải Gaza.
Một quan chức khác nói rằng tàu gặp sự cố khi gần bờ biển, nhưng không cung cấp thêm chi tiết.
Toàn bộ thủy thủ đoàn đều an toàn, chưa có thông tin rõ ràng về việc có ai bị thương hay không.
Hiện vẫn còn quá sớm để xác định nguyên nhân gây hư hỏng tàu Big Horn, tuy nhiên hai quan chức quân đội cho biết họ không tin rằng con tàu này đã va chạm với tàu khác.
Một trong các khoang của tàu đã bị ngập nước, buộc thủy thủ đoàn phải hành động kịp thời. Ngoài ra, có khả năng tàu đã mắc cạn ở vùng nước nông hoặc va phải một vật thể nào đó.
Video phiến quân Houthi cài bom nổ tung tàu chở dầu trên Biển Đỏ
Vận tải biển: Cơn ác mộng biển Đỏ
Các quan chức không loại trừ khả năng tàu bị tấn công bằng thủy lôi, nhưng cho rằng khả năng này rất thấp.
Sự cố này có thể gây khó khăn cho Hải quân Mỹ trong việc tiếp tục thực hiện các hoạt động tiếp nhiên liệu trên biển tại khu vực Trung Đông trong thời gian tới. Các quan chức quân đội cho biết giải pháp ngắn hạn có thể là thực hiện việc chuyển nhiên liệu giữa các tàu với nhau.
Mặc dù tàu sân bay Abraham Lincoln được trang bị động cơ hạt nhân, nhưng các chiến đấu cơ trên tàu vẫn cần nhiên liệu để bay. Các tàu chiến hộ tống tàu sân bay này như tàu khu trục USS O'Kane, USS Spruance và USS Stockdale cũng đều cần được tiếp nhiên liệu.
Bên cạnh đó, các tàu chiến khác của Mỹ đang hiện diện trong khu vực bao gồm: USS Wasp, USS New York, USS Oak Hill, USS Arleigh Burke và USS Bulkeley tại Địa Trung Hải; USS Frank E. Petersen Jr. và USS Michael Murphy tại biển Đỏ; và USS John S. McCain tại vịnh Oman.
Vào đầu tuần, Hải quân Mỹ đã triển khai thêm tàu sân bay USS Harry S. Truman cùng ba tàu chiến khác là USS Gettysburg, USS Stout và USS Jason Dunham từ cảng tại bang Virginia.
Các tàu này được điều động theo lịch trình định kỳ và dự kiến sẽ tham gia Hạm đội số 6 của Hải quân Mỹ, chuyên giám sát hoạt động tại khu vực ven biển châu Âu, bao gồm Địa Trung Hải.
Trong cả năm qua, Hải quân Mỹ đã duy trì sự hiện diện mạnh mẽ trong khu vực, nhằm tăng cường khả năng bảo vệ Israel và đảm bảo an toàn cho hoạt động hàng hải thương mại.
Cuộc chiến tại Gaza đã kích động Hezbollah cùng các nhóm vũ trang khác được Iran hậu thuẫn tiến hành các cuộc tấn công riêng rẽ.
Trong đó, Hezbollah là một tổ chức gồm đảng phái chính trị và nhóm vũ trang mà Mỹ xem là tổ chức khủng bố. Thủ lĩnh của Hezbollah đã tuyên bố sẽ tiếp tục tấn công Israel cho đến khi đạt được thỏa thuận ngừng bắn tại Gaza.
Nhóm vũ trang Houthi ở Yemen, cũng được Iran hỗ trợ vũ khí, đã gây gián đoạn nghiêm trọng đối với lưu thông hàng hải tại biển Đỏ.
Đăng thảo luận