Các bước tiến của Nga, sự mệt mỏi của đồng minh và những chia rẽ về chính trị trong nước đang khiến Ukraine rơi vào tình thế ngày càng cam go.
Binh lính Ukraine khai hỏa lựu pháo AS-90 về phía quân đội Nga trên tiền tuyến ở khu vực Kharkov
Nỗ lực của Ukraine và mục tiêu nằm ngoài tầm với
"Nga chỉ có thể bị buộc phải ngồi vào bàn đàm phán", Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky phát biểu trước Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc tuần này. Ông Zelensky đã có cuộc gặp các nhà lãnh đạo Mỹ cũng như các ứng viên tổng thống để nói về "kế hoạch chiến thắng" của mình nhằm chấm dứt cuộc xung đột kéo dài 2 năm rưỡi với Nga. Như thường lệ, ông đã yêu cầu thêm hỗ trợ quân sự, tài chính và ngoại giao để giúp đối phó với các cuộc tấn công liên tục của Nga. Tổng thống Biden đã đáp ứng bằng cách thông báo một lô vũ khí mới hỗ trợ Ukraine.
Tuy nhiên, cựu Tổng thống Donald Trump - ứng viên tranh cử tổng thống của đảng Cộng hòa lại không dễ chịu như vậy. Với việc quân đội Ukraine đang mất dần lãnh thổ, sự quan tâm của công chúng với cuộc xung đột suy giảm và sự ủng hộ của phương Tây bị nghi ngờ, ông Zelensky đang ở trong tình thế khó khăn.
Kể từ khi Ukraine giành lại thành phố Kherson vào cuối năm 2022, nước này hầu như không đạt được tiến triển nào trong việc đẩy lùi các cuộc tấn công của Nga. Cuộc tấn công được kỳ vọng cao vào mùa hè năm 2023 của Ukraine chỉ giành được một phần nhỏ lãnh thổ do Nga nắm giữ. Kể từ đó, hầu hết những thay đổi ở tiền tuyến, mặc dù nhỏ, đều đi sai hướng. Nga đã chiếm được thành phố Avdiivka ở tỉnh Donetsk vào tháng 2/2024. Trong những tháng gần đây, Moscow tiến gần một số thành trì của Kiev ở Donetsk, trong đó có Pokrovsk và Ugledar.
Về lý thuyết, Ukraine vẫn quyết tâm giành lại toàn bộ lãnh thổ đã mất, khôi phục lại biên giới năm 1991. Điều đó sẽ đòi hỏi phải giành lại không chỉ các vùng lãnh thổ Nga kiểm soát ở Donetsk, Kherson, Lugansk và Zaporizhia mà còn cả Bán đảo Crimea. Dù vậy, mục tiêu đó được cho là nằm ngoài tầm với về mặt quân sự.
Trên thực tế, xung đột ở Ukraine đã trở thành cuộc xung đột tiêu hao khi cả hai bên đều hy vọng họ có thể tồn tại lâu hơn bên còn lại hoặc ít nhất có thể chống trả bên kia đủ lâu để tránh phải ký một thỏa thuận hòa bình bất lợi.
Hiện nay, việc nói về chấm dứt xung đột hoàn toàn chỉ là khái niệm. Năm 2022, Tổng thống Zelensky đã ký một sắc lệnh cấm các quan chức Ukraine đàm phán với Nga trong khi ông Putin vẫn nắm quyền. Phía Kiev cho rằng Tổng thống Putin không thực sự quan tâm đến các cuộc đàm phán hòa bình.
Hy vọng của Ukraine là với lực lượng tân binh được bổ sung, nguồn cung vũ khí phương Tây ổn định và hỏa lực được sử dụng một cách thông minh, Kiev có thể ngăn chặn quân đội Nga, buộc Tổng thống Putin phải đứng trước sức ép huy động thêm binh lính và những căng thẳng về kinh tế, từ đó thúc đẩy ông hướng tới một thỏa thuận. Tuy nhiên, có thể chính quân đội, kinh tế và xã hội Ukraine sẽ đạt đến giới hạn chịu đựng trước.
Các mặt trận bị kéo căng
Mặc dù phương Tây đánh giá rằng đà tiến công của Nga đã chậm lại, Pokrovsk có thể tiếp tục trụ được vài tháng hay Dnipro và Odesa giảm nguy cơ sụp đổ nếu Mỹ không đột ngột cắt nguồn cung đạn dược nhưng trong cuộc xung đột tiêu hao này, lợi thế vẫn nghiêng về phía Nga.
Nếu các lực lượng của Moscow chiếm được Pokrovsk thì địa hình bằng phẳng hơn ở phía Tây sẽ tạo điều kiện cho các bước tiến xa hơn. Ngoài ra, Moscow vẫn đang có lợi thế lớn về hỏa lực, thậm chí cả sau khi Ukraine nhận được số lượng lớn vũ khí từ Mỹ đầu năm nay. Pháo binh Nga thống trị tiền tuyến, áp đảo Ukraine với tỷ lệ 10:1 ở một số nơi. Moscow cũng có lợi thế về bom lượn - loại vũ khí dẫn đường nặng lần lượt 500kg, 1.500kg và 3.000kg có thể san phẳng các vị trí phòng thủ và tiêu diệt binh lính đối phương.
Trong khi đó, Ukraine đang gặp khó khăn trong việc thay thế binh lính. Ngay từ đầu họ đã có binh lính ở tiền tuyến ít hơn Nga, đó là 450.000 quân so với 540.000 quân ở phía Moscow. Theo The Economist, trong khi hầu hết quân đội Nga đăng ký tự nguyện để được trả lương hậu hĩnh thì Ukraine ngày càng dựa vào chế độ nghĩa vụ quân sự. Các sĩ quan thường phàn nàn rằng nhiều người Ukraine bị bắt đi nghĩa vụ không phù hợp với việc chiến đấu do họ quá lớn tuổi, ốm yếu...
Những vấn đề ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn ở một mức độ nào đó do chiến dịch đột kích của Ukraine vào tỉnh Kursk của Nga bắt đầu từ tháng 8. Mặc dù cuộc tấn công này tái khẳng định khả năng của Ukraine nhưng nó cũng mở rộng chiến tuyến và kéo căng tuyến tiếp tế của Kiev. Cuộc đột kích Kursk không khiến các cuộc tấn công của Nga ở Donetsk chậm lại như mong đợi mặc dù một số binh lính của Moscow đã được chuyển hướng để lui về phòng thủ Kursk. Cuộc đột kích này cũng làm giảm các nguồn lực sẵn có của Ukraine để bảo vệ Pokrovsk. Theo Oleksandr, một sĩ quan đồn trú gần thị trấn này, đơn vị của ông đã nhận được ít hỗ trợ trên không hơn kể từ khi cuộc tấn công trên diễn ra.
Việc ổn định tiền tuyến sẽ đòi hỏi nhiều hỏa lực hơn. Các quan chức cấp cao Ukraine cho biết lực lượng của họ cần một hệ thống phòng thủ nhiều lớp bao gồm pháo, tên lửa, chiến đấu cơ, UAV để buộc Nga phải rời khỏi tiền tuyến và không thể tiến xa hơn. Ukraine đã yêu cầu phương Tây cho phép sử dụng tên lửa tầm xa để tấn công các mục tiêu quân sự nằm sâu trong nước Nga như các căn cứ không quân, nhà máy và cơ sở hạ tầng. Ba cuộc tấn công táo bạo bằng UAV và tên lửa của Ukraine trong những tuần gần đây nhằm vào các kho vũ khí của Nga đã minh chứng cho những gì có thể xảy ra.
Tuy nhiên, phương Tây cho rằng sẽ không có đủ số lượng đáng kể tên lửa để Ukraine tạo ra sự khác biệt lớn. Thay vào đó, họ đang tập trung vào việc xây dựng ngành công nghiệp quốc phòng trong nước của Ukraine, đặc biệt là năng lực sản xuất UAV. Theo cố vấn của Tổng thống Zelensky – ông Oleksandr Kamyshin, sản lượng vũ khí của Ukraine tăng gấp ba lần so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, vấn đề chính không phải là năng lực mà là tiền. Chính phủ Ukraine không có tiền để mua sản phẩm của các nhà sản xuất vũ khí trong nước. Chẳng hạn, Ukraine có thể sản xuất hơn 3 triệu UAV tấn công tầm ngắn mỗi năm, nhưng quân đội chỉ có thể ký hợp đồng mua 1,5 triệu UAV.
Nga cũng đang sản xuất nhiều vũ khí hơn. Tổng thống Putin cam kết sẽ tăng sản lượng UAV lên gần gấp 10 lần trong năm nay. Hoạt động sản xuất bom lượn và tên lửa Iskander đã tăng gấp 7 lần kể từ cuối năm 2022.
Hệ thống phòng không Ukraine đã được cải thiện nhưng các cuộc tấn công của Nga cũng trở nên tinh vi hơn, sử dụng pháo sáng, mồi nhử và các thủ thuật khác để đánh lừa các hệ thống của đối phương.
Triển vọng Mỹ hỗ trợ Ukraine trở nên bấp bênh
Trước những diễn biến không mấy hứa hẹn, Tổng thống Zelensky đã đến Mỹ để tìm kiếm thêm sự ủng hộ. Các trợ lý của ông Biden, mặc dù phàn nàn về những yêu cầu vô tận của Ukraine, đang cố gắng hỗ trợ Kiev nhiều nhất có thể trong 4 tháng còn lại của nhiệm kỳ tổng thống của ông.
Gói viện trợ quân sự mới được cung cấp là một phần trong nỗ lực chi tiêu khoản hỗ trợ mà Quốc hội đã phê duyệt. Chính quyền Tổng thống Biden cũng đang cố gắng giải quyết tình trạng quan liêu xung quanh khoản vay được bảo đảm bằng tài sản đóng băng của Nga. Một số người thậm chí còn hy vọng Quốc hội sẽ phê duyệt thêm viện trợ cho Ukraine trong khoảng thời gian từ cuộc bầu cử vào tháng 11 đến lễ nhậm chức của tổng thống mới vào tháng 1 năm sau.
Nếu tổng thống mới là bà Kamala Harris - ứng viên đảng Dân chủ thì Ukraine mong đợi bà sẽ có cách tiếp cận tương tự như Tổng thống Biden. Nhưng nếu ông Trump giành chiến thắng nhiệm kỳ thứ hai thì triển vọng sẽ khó dự đoán hơn nhiều. Phe của ông Trump bao gồm cả những người có quan điểm cứng rắn ủng hộ Ukraine như ông Mike Pompeo - người từng là ngoại trưởng dưới thời ông Trump và những người không ủng hộ việc Mỹ viện trợ cho Ukraine, chẳng hạn như ông J.D Vance - người đồng hành tranh cử của ông Trump. Ngay trước chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine năm 2022, ông Vance đã nói rằng: "Tôi thực sự không quan tâm đến những gì sẽ xảy ra với Ukraine dù theo cách nào".
Ông Trump mới đây nói rằng Tổng thống Zelensky là "người bán hàng vĩ đại nhất trên Trái đất" và thường mang về hàng tỷ USD mỗi lần đến Mỹ. Ông cũng nhận định Nga có xu hướng giành chiến thắng trong cuộc xung đột và chỉ trích ông Biden đã không lên kế hoạch cho khả năng đó.
Tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc tuần này, ông Zelensky đã nói về những nguy cơ khi xoa dịu Nga và sự bất công khi cố gắng áp đặt một nền hòa bình không công bằng lên Ukraine nhưng ông vẫn chưa nêu rõ kết cục có thể chấp nhận được của cuộc xung đột này là gì ngoài một chiến thắng hoàn toàn. Tuy nhiên, trong tình hình khó khăn hiện tại của Ukraine, chiến thắng hoàn toàn có vẻ không phải một lựa chọn.
(Theo VOV)
Đăng thảo luận