Khi ngày bầu cử tổng thống Mỹ càng đến gần, giới tài chính và các nhà đầu tư trên toàn cầu càng theo dõi sát sao mọi diễn biến, bởi kết quả bầu cử có thể tác động mạnh mẽ đến nền kinh tế và thị trường chứng khoán không chỉ ở Mỹ mà còn trên toàn thế giới.

Tất cả những điều này diễn ra trong bối cảnh căng thẳng giữa Mỹ với Trung Quốc còn âm ỉ và một cuộc khủng hoảng mới ở khu vực Trung Đông đang diễn ra. Giá vàng - một cách phổ biến để các nhà đầu tư phòng ngừa sự không chắc chắn - tăng lên mức cao kỷ lục.

Tương quan thú vị giữa bầu cử ở Mỹ với kinh tế, chứng khoán toàn cầu  第1张 Ảnh minh họa:  Unsplash/CC0 

Rõ ràng, nước Mỹ và thế giới phát triển như thế nào phụ thuộc vào nhiều yếu tố, không chỉ riêng việc ai sẽ là chủ nhân của Nhà Trắng. Tuy nhiên, nếu lật lại lịch sử, có thể nhận ra một bức tranh thú vị về mối quan hệ giữa đảng cầm quyền của nước này và hiệu suất kinh tế, chứng khoán toàn cầu sau mỗi cuộc bầu cử.

Đảng Dân chủ "thân thiện" hơn

Có một số định kiến bị xem là có phần "thâm căn cố đế" đối với hai chính đảng lớn nhất nước Mỹ. Đảng Dân chủ thường được cho là đảng chủ động tiêu tiền chính phủ và ủng hộ các chính sách phân phối lại của cải thông qua thuế. Trong khi đó, đảng Cộng hòa nổi tiếng với "mác" thân thiện với doanh nghiệp, ủng hộ chính phủ nhỏ cùng các chính sách thụ động hơn với mức thuế suất thấp hơn.

Tuy nhiên, theo nghiên cứu của các học giả Lubos Pastor và Pietro Veronesi từ Đại học Chicago (Mỹ), trong giai đoạn 1927-2015, nền kinh tế Mỹ tăng trưởng mạnh hơn đáng kể dưới thời các tổng thống đảng Dân chủ. Cụ thể, GDP trung bình của nước này tăng 4,86% dưới thời đảng Dân chủ nắm quyền, trong khi con số này chỉ là 1,7% dưới thời đảng Cộng hòa.

Trên thị trường chứng khoán, phí bảo hiểm rủi ro cổ phiếu - chỉ số đo lường lợi nhuận vượt trội so với lãi suất không rủi ro - cũng cao hơn 10,9% dưới thời các tổng thống đảng Dân chủ. Đặc biệt, trong giai đoạn 1999-2015, khoảng cách này thậm chí còn nới rộng lên 17,4%.

Điều đáng chú ý là tác động này không chỉ giới hạn ở nước Mỹ. Các thị trường chứng khoán quốc tế cũng cho thấy xu hướng tương tự. Tại Australia, phí bảo hiểm rủi ro cổ phiếu cao hơn 11,3% dưới thời các tổng thống thuộc đảng Dân chủ Mỹ. Con số này ở Anh là 7,3%, trong khi tại Canada, Pháp và Đức đều xấp xỉ 13%.

Hai yếu tố có thể giúp giải thích tại sao những gì xảy ra ở Mỹ lại có phạm vi ảnh hưởng rộng rãi như vậy. Thứ nhất, cổ phiếu ở những thị trường này thuộc sở hữu của các nhà đầu tư toàn cầu. Các cuộc bầu cử tổng thống Mỹ có thể phản ánh chu kỳ lo sợ rủi ro trên toàn thế giới, từ đó ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán của từng nước.

Thứ hai, kinh tế và thị trường tài chính của các nước trên cũng có sự gắn kết chặt chẽ với Mỹ trong các lĩnh vực như thương mại, khiến chu kỳ kinh tế của họ có mối tương quan cao.

Khó có đột phá trong năm nay?

Tuy nhiên, mối tương quan này không nhất thiết phản ánh hiệu quả chính sách của từng đảng. Pastor và Veronesi cho rằng điều này có thể xuất phát từ tâm lý cử tri. Khi nền kinh tế suy yếu và thị trường chứng khoán đi xuống, người dân thường có xu hướng ngại rủi ro hơn và ủng hộ các chính sách phân phối lại của đảng Dân chủ.

Ba lần chuyển giao quyền lực gần đây từ đảng Cộng hòa sang Dân chủ đều minh họa rõ điều này. Tổng thống Bill Clinton đắc cử sau cuộc suy thoái 1990-91, Tổng thống Barack Obama lên nắm quyền trong khủng hoảng tài chính 2008, còn Tổng thống Joe Biden giành chiến thắng trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang hoành hành. Sau mỗi giai đoạn khủng hoảng, thị trường thường có xu hướng phục hồi mạnh mẽ.

Tuy nhiên, nhìn về cuộc bầu cử 2024, nhiều chuyên gia cho rằng khó có khả năng xảy ra một đợt bùng nổ thị trường chứng khoán. Lý do chính là vì đây sẽ là sự tiếp nối nhiệm kỳ của đảng Dân chủ chứ không phải chuyển giao từ đảng Cộng hòa. Hơn nữa, kinh tế Mỹ đang trong chu kỳ tăng trưởng tốt với tỷ lệ thất nghiệp thấp và nhiều việc làm mới được tạo ra.

Có thể thấy, mối liên kết chặt chẽ giữa các nền kinh tế và thị trường tài chính toàn cầu giải thích tại sao bầu cử tổng thống ở Mỹ có sức lan tỏa rộng rãi. Một phần của điều này là vì cổ phiếu ở các thị trường lớn thường thuộc sở hữu của nhà đầu tư toàn cầu. Thêm vào đó, chu kỳ kinh tế của các nước phát triển thường có mối tương quan cao với Mỹ thông qua các kênh thương mại và đầu tư.

Dù vậy, điều quan trọng cần lưu ý là mối tương quan không đồng nghĩa với quan hệ nhân quả. Hiệu suất tốt hơn dưới thời một tổng thống đảng Dân chủ có thể đơn giản là do họ thường nắm quyền sau các cuộc khủng hoảng - thời điểm mà sự phục hồi kinh tế và thị trường là điều tất yếu, hơn là kết quả trực tiếp từ các chính sách của họ.