Khép lại chuyến thăm Mông Cổ, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm lên chuyên cơ đến điểm dừng chân tiếp theo là Ireland cho chuyến thăm mang tính lịch sử.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm vẫy tay chào trước khi vào chuyên cơ rời Mông Cổ - Ảnh: NGUYỄN HỒNG
Chiều 1-10, kết thúc tốt đẹp các hoạt động trong khuôn khổ chuyến thăm cấp nhà nước Mông Cổ, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm lên chuyên cơ rời thủ đô Ulaanbaatar.
Hơn 17h (giờ Việt Nam), chuyên cơ cất cánh từ sân bay Thành Cát Tư Hãn của Mông Cổ.
Trong khuôn khổ chuyến thăm Mông Cổ, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã hội đàm với Tổng thống Ukhnaagiin Khurelsukh.
Người đứng đầu Đảng và Nhà nước Việt Nam cũng hội kiến Chủ tịch Quốc hội Dashzegviin Amarbayasgalan, Thủ tướng Luvsannamsrain Oyun - Erdene. Ngoài ra, ông còn dự một số hoạt động khác với kiều bào Việt Nam tại Mông Cổ và doanh nghiệp sở tại.
Tại các cuộc tiếp xúc, lãnh đạo cấp cao hai nước đánh giá cao quan hệ hữu nghị truyền thống Việt Nam - Mông Cổ.
Với niềm tin vào tương lai hợp tác giữa hai nước, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Tổng thống Ukhnaagiin Khurelsukh đã quyết định ra tuyên bố chung nâng cấp quan hệ hai quốc gia lên Đối tác toàn diện.
Việt Nam - Mông Cổ ra Tuyên bố chung về thiết lập quan hệ Đối tác toàn diệnĐỌC NGAY
Phía Mông Cổ khẳng định luôn coi Việt Nam là đối tác quan trọng tại khu vực Đông Nam Á, mong muốn phát triển mở rộng quan hệ hợp tác cùng có lợi trên tất cả các lĩnh vực.
Việt Nam khẳng định coi trọng phát triển quan hệ với Mông Cổ, tôn trọng chính sách đối ngoại yêu chuộng hòa bình, rộng mở, tự chủ và đa trụ cột của Mông Cổ, chính sách “láng giềng thứ ba” và mong muốn thúc đẩy quan hệ hai nước phát triển hơn nữa trong thời gian tới.
Lãnh đạo cấp cao hai nước nhất trí cho rằng việc phát triển và làm sâu sắc quan hệ giữa Việt Nam và Mông Cổ phù hợp với lợi ích chung của nhân dân hai nước, góp phần quan trọng vào việc bảo đảm hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực và thế giới.
Trong khuôn khổ chuyến thăm, trước sự chứng kiến của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Tổng thống Ukhnaagiin Khurelsukh, các bộ, ngành và địa phương hai nước đã ký 7 văn kiện hợp tác.
Bộ trưởng Ngoại giao Mông Cổ Batmunkh Battsetseg tiễn Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tại sân bay Thành Cát Tư Hãn chiều 1-10 - Ảnh: NGUYỄN HỒNG
Rời Mông Cổ, Ireland sẽ là điểm dừng chân tiếp theo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm. Chuyến thăm diễn ra theo lời mời của Tổng thống Ireland Michael D. Higgins.
Đây là chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên của một nguyên thủ Việt Nam đến Ireland kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao. Vì lẽ đó, chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nhận được nhiều kỳ vọng từ cả hai phía, với một số nhận định cho rằng chuyến đi mang tính lịch sử.
Nói về quan hệ Việt Nam - Ireland, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết Ireland là một dân tộc có nhiều điểm tương đồng với Việt Nam về lịch sử và truyền thống yêu nước, ý chí vươn lên, nền văn hóa đa dạng, độc đáo. Hai bên có nhiều dư địa, tiềm năng để tăng cường hợp tác, cùng phát triển.
Dù là một quốc đảo và có dân số chỉ hơn 5,2 triệu người, Ireland được ví là Thung lũng Silicon của châu Âu khi là nơi đặt trụ sở khu vực của nhiều tập đoàn công nghệ lớn như Google, Meta.
Theo ông Bùi Thanh Sơn, trong khuôn khổ chuyến thăm lần này, lãnh đạo cấp cao hai bên sẽ trao đổi các biện pháp thúc đẩy hợp tác sâu rộng trên nhiều lĩnh vực Việt Nam có nhu cầu và Ireland có thế mạnh như đầu tư chất lượng cao, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi năng lượng, giáo dục - đào tạo, nhất là giáo dục đại học.
Trước đó, trong chuyến thăm Ireland của ông Bùi Thanh Sơn vào tháng 2-2024, phía Ireland đã bày tỏ mong muốn Việt Nam sớm mở đại sứ quán tại Ireland để tăng cường hơn nữa quan hệ song phương.
Phía Việt Nam đề nghị Ireland khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào Việt Nam trong các lĩnh vực mà Ireland có thế mạnh và phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam như chuyển đổi số, chuyển đổi năng lượng, nông nghiệp công nghệ cao...
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tiếp các doanh nghiệp Mông Cổ
Chiều 1-10, trước khi rời Ulaanbaatar, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã tiếp các tổ chức kinh tế tiêu biểu của Mông Cổ.
Tham dự cuộc tiếp, ngoài quan chức hai bên còn có đại diện của Tổ chức “Sáng kiến cách mạng thực phẩm” và lãnh đạo 10 doanh nghiệp tiêu biểu của Mông Cổ trong các lĩnh vực xuất nhập khẩu, năng lượng, khoáng sản, vận tải, logistics, du lịch, giáo dục, lao động, nông nghiệp...
Tại buổi tiếp, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nhấn mạnh hiện nay Việt Nam đã trở thành một trong 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới, nằm trong nhóm 20 nền kinh tế có quy mô thương mại hàng đầu thế giới, xếp thứ 32 trong top 100 giá trị thương hiệu quốc gia mạnh trên thế giới.
Với Việt Nam và Mông Cổ, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đánh giá cao việc gần đây hai bên tổ chức nhiều hoạt động trao đổi hợp tác giữa các cơ quan kinh tế và doanh nghiệp hai nước. Ông khẳng định hai nước có nhiều tiềm năng, cơ hội để phát triển mạnh mẽ, hòa trong dòng chuyển động của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, toàn cầu về chuyển đổi nền kinh tế số, tăng trưởng xanh với năng lượng tái tạo, năng lượng mới, công nghệ sinh học, công nghệ thông tin.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm khẳng định Nhà nước, Chính phủ Việt Nam luôn chào đón và hoan nghênh các doanh nghiệp Mông Cổ mở rộng hợp tác với Việt Nam. Ông khẳng định thành công của các doanh nghiệp Mông Cổ cũng chính là thành công của Việt Nam.
Đăng thảo luận