Thanh tra Chính phủ vừa đề nghị bỏ chỉ định 'xét nghiệm nồng độ cồn trong máu hoặc hơi thở' để đơn giản hóa, tạo thuận lợi và giảm chi phí cho người dân khi thực hiện cấp, cấp đổi giấy phép lái xe.
Ông Nguyễn Văn Tám (TP Thủ Đức, TP.HCM) khám sức khỏe để đổi giấy phép lái xe sắp hết hạn tại Bệnh viện Lê Văn Thịnh - Ảnh: T.T.D.
Đại diện các cơ quan liên quan, chuyên gia và bạn đọc nói gì về đề xuất trên?
* TS NGUYỄN BẢO THÀNH (chuyên gia giao thông, Trường ĐH Văn Lang):
Bỏ xét nghiệm cồn và xét nghiệm ma túy
Việc Thanh tra Chính phủ đề xuất bỏ xét nghiệm nồng độ cồn trong thi bằng lái là hoàn toàn phù hợp. Bởi vì thủ tục này là không cần thiết, chi phí bỏ ra để xét nghiệm khi khám sức khỏe cấp bằng lái xe là khá lãng phí.
Trong khi đó, kết quả xét nghiệm này chỉ phản ánh tình trạng tại thời điểm khám sức khỏe ở cơ sở y tế chứ không phải lúc lái xe trên đường. Khâu xét nghiệm này còn làm người dân phải chờ đợi, thực hiện thủ tục lâu hơn.
Bị trả hồ sơ đổi giấy phép lái xe vì 'sổ' khác 'giấy' khám sức khỏe
Được biết ở nhiều nước trên thế giới như Mỹ, việc đào tạo và cấp phép lái xe đơn giản hơn ở các thủ tục, họ không thực hiện xét nghiệm nồng độ cồn khi học và thi lái xe. Thay vào đó họ tập trung kiểm soát, xử nặng các hành vi vi phạm trên đường.
Thậm chí, kể cả xét nghiệm ma túy cũng không nên đưa vào thủ tục học và thi bằng lái mà nên cắt giảm luôn. Những trường hợp muốn đối phó thủ tục, họ chỉ ngưng sử dụng chất kích thích một khoảng thời gian nhất định là đủ để thay đổi kết quả xét nghiệm.
Thay vào đó, nên tăng cường kiểm tra các bài thực hành sát hạch, cấp phép lái xe. Đồng thời tăng các hình thức xử phạt người lái xe mà trong máu có cồn, ma túy hoặc các chất kích thích khác.
* Bác sĩ HỒ TRỌNG THƯƠNG (Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, Hà Nội):
Quy định vẫn mang tính chất răn đe
Kết quả xét nghiệm nồng độ cồn không có ý nghĩa về lâu dài. Quy định này mang tính chất răn đe nhiều hơn, nhắc trách nhiệm không sử dụng rượu bia.
Để tăng cường ý thức của người lái xe khi tham gia các kỳ thi, lực lượng giao thông cũng có thể đo nồng độ cồn "ngẫu nhiên" đối với người lái xe trước kỳ thi thực hành. Như vậy, từ khi được cấp bằng người lái xe đã có ý thức hơn trong việc "đã uống rượu bia không lái xe".
* Bác sĩ NGUYỄN HUY HOÀNG (Trung tâm oxy cao áp Việt Nga, Bộ Quốc phòng):
Xét nghiệm chỉ mang tính chất thời điểm
Người ta có thể "né" bằng việc không uống rượu bia trước khi khám sức khỏe. Với chi phí khoảng 35.000 đồng/lần có thể không nhiều nhưng với hàng triệu giấy phép lái xe được cấp thì con số khá lớn. Vì vậy, quy định này có thể bỏ, thay vào đó chúng ta có thể kiểm soát nồng độ cồn khi lái xe như hiện nay.
* Ông VƯƠNG ÁNH DƯƠNG (phó cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế):
Sẽ nghiên cứu đề xuất, lấy ý kiến chuyên gia
Cục Quản lý khám chữa bệnh là đầu mối nghiên cứu, xây dựng, sửa đổi mẫu giấy khám sức khỏe của người lái xe tại thông tư 24 (năm 2015). Vừa qua, Bộ Y tế đã thông qua cuộc họp của ban soạn thảo, hội đồng thẩm định của Bộ Y tế cho phép ban hành thông tư.
Qua ý kiến của hội đồng thẩm định, các chuyên gia, bộ ngành đã đưa ra một số ý kiến để thay đổi thông tư. Trong đó có đề xuất bỏ chỉ định "xét nghiệm nồng độ cồn trong máu hoặc hơi thở" đối với khám sức khỏe người lái xe.
Bộ Y tế đã tiếp thu những ý kiến này và sẽ cân nhắc nghiên cứu, lấy ý kiến chuyên gia để làm sao tạo thuận lợi cho người dân khi khám sức khỏe lái xe cũng như cấp đổi giấy phép lái xe.
* Ông LƯƠNG DUYÊN THỐNG (trưởng Phòng quản lý vận tải, phương tiện và người lái - Cục Đường bộ Việt Nam):
Không cần thiết
Trong kết luận vừa qua của Thanh tra Chính phủ đã nêu rõ luật chỉ cấm nồng độ cồn với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Còn khi khám sức khỏe, người ta không điều khiển phương tiện. Do vậy, xét nghiệm khi khám sức khỏe là không cần thiết.
Nội dung Thanh tra Chính phủ đề nghị xem xét bỏ quy định chỉ định xét nghiệm nồng độ cồn khi khám sức khỏe với tài xế là đúng.
* Đại biểu PHẠM VĂN HÒA (ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội):
Cần sớm bỏ "giấy phép con"
Kết quả xét nghiệm bằng 0 cũng không có ý nghĩa là họ sẽ không uống rượu bia khi lái xe. Người ta có thể khám xong rồi ra uống rượu bia và vẫn vi phạm. Việc chỉ định xét nghiệm là sự vô lý, như một "giấy phép con".
Nếu lấy số liệu của Cục Đường bộ Việt Nam (Bộ GTVT) xác định từ 1-1-2021 đến 1-1-2023, toàn ngành GTVT cấp hơn 9,9 triệu giấy phép lái xe các loại.
Nếu tính đơn giá 35.050 đồng/xét nghiệm, chi phí người dân phải bỏ ra để xét nghiệm nồng độ cồn bất hợp lý khi khám sức khỏe cấp bằng lái xe là khoảng 350 tỉ đồng. Còn nếu tính từ khi thông tư liên tịch số 24/2015 của Bộ GTVT và Bộ Y tế có hiệu lực đến nay thì số tiền chi cho xét nghiệm này rất lớn.
Quy định này đã và đang gây sự lãng phí. Các cơ quan liên quan cần xem xét, bỏ sớm nhất có thể quy định bất hợp lý này.
Tốn 350 tỉ đồng để xét nghiệm nồng độ cồn bất hợp lý
Thanh tra Chính phủ cho rằng chi phí người dân bỏ ra để xét nghiệm nồng độ cồn khi khám sức khỏe cấp bằng lái xe là khoảng 350 tỉ đồng và đề nghị bỏ quy định này.
Đề nghị trên được đưa ra trong kết luận thanh tra trách nhiệm thực hiện công vụ của cán bộ, công chức, viên chức trong giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công cho người dân và doanh nghiệp tại Bộ GTVT.
Theo cơ quan thanh tra, kết quả kiểm tra nồng độ cồn chỉ phản ánh tại thời điểm khám sức khỏe, không phải tại thời điểm điều khiển phương tiện của người lái xe. Việc quy định xét nghiệm nồng độ cồn tại thời điểm khám sức khỏe của người đề nghị cấp giấy phép lái xe là không cần thiết, làm tăng chi phí cho người dân khi thực hiện thủ tục cấp mới, cấp đổi giấy phép lái xe.
Từ những phân tích trên, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế nghiên cứu, sửa đổi mẫu giấy khám sức khỏe của người lái xe theo hướng bỏ chỉ định "xét nghiệm nồng độ cồn trong máu hoặc hơi thở".
Nên bỏ vì quá mất thời gian và tốn kém
Tháng 8-2024 đến hạn đổi bằng lái xe, tôi tới bệnh viện quận khám sức khỏe theo quy định. Nhưng có hai điều khiến tôi bất ngờ: một là giá tiền khám tới 375.000 đồng, hai là có thêm khâu xét nghiệm máu.
10 năm mới trở lại khám sức khỏe đổi bằng lái nên tôi không cập nhật thông tin về quy định này. Trước khi xét nghiệm máu, nhân viên hỏi tôi tối qua có uống rượu bia gì không, tôi trả lời không và hỏi lại nhân viên vì sao phải lấy máu và lấy máu để làm gì? Nhân viên trả lời xét nghiệm chủ yếu để kiểm tra xem trong người có chất ma túy không, để đảm bảo an toàn khi lái xe.
Tôi lại nghĩ thầm: uống rượu bia có liên quan gì đến chất ma túy không, nhưng cũng không tiện hỏi vì thấy nhiều người còn đang xếp hàng chờ đợi. Tuy nhiên kết quả xét nghiệm sau đó tôi nhận được là xét nghiệm về nồng độ cồn.
Trước đây mỗi lần khám sức khỏe chỉ mất 1-2 tiếng đồng hồ, nay có thêm khâu xét nghiệm máu nên phải chờ thêm gần 2 tiếng, tương đương thời gian cho tất cả các khâu khám khác nên mất cả buổi sáng mới khám sức khỏe xong. Tôi thấy có rất nhiều người chờ đợi giống như tôi.
Quy định thì phải tuân thủ, nhưng thực sự có cần thiết không? Nếu chỉ vì kiểm tra nồng độ cồn trong máu, tôi nghĩ không phù hợp, thậm chí là vô lý. Bởi lúc xét nghiệm tôi có thể không uống bia rượu nhưng tình huống này không thể "đi theo" tôi suốt thời gian sau này, kể cả khi lái xe và kết quả đó không có giá trị vĩnh viễn.
Ngoài ra hiện nay cơ quan chức năng cũng rất nghiêm khắc trong việc đo và xử lý người đang lái xe vi phạm nồng độ cồn. Vậy lý do gì phải duy trì chuyện "xét nghiệm nồng độ cồn trong máu hoặc hơi thở" như nội dung bắt buộc khi khám sức khỏe để lấy bằng lái xe như hiện nay.
Tôi rất ủng hộ với đề xuất của cơ quan chức năng là nên bỏ mục này, để người đi khám sức khỏe không phải mất thêm tiền khám và thời gian chờ đợi.
Đăng thảo luận