Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề xuất dự án tại khu công nghiệp được hưởng “cơ chế luồng xanh”, tức không phải thực hiện thủ tục về xây dựng, môi trường, phòng cháy chữa cháy.

Nội dung này được Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nêu khi giải trình tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 10/10, cho ý kiến Luật sửa đổi, bổ sung 4 luật, gồm Luật Quy hoạch, Đầu tư, Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Đấu thầu.

Theo ông Dũng, sửa luật lần này Chính phủ đề nghị bổ sung quy định về thủ tục đầu tư đặc biệt. Việc này nhằm rút ngắn thời gian triển khai dự án, tạo cơ chế thuận lợi, cạnh tranh và thu hút nhà đầu tư chiến lược. Theo đó, thủ tục đầu tư đặc biệt áp dụng với dự án thuộc lĩnh vực đổi mới sáng tạo, nghiên cứu và phát triển (R&D); công nghiệp bán dẫn, chế tạo linh kiện, vi mạch điện tử; công nghệ cao tại khu công nghiệp, khu kinh tế.

Thủ tục hành chính cũng được đề xuất giảm bớt, thời gian thực hiện các thủ tục, quy trình dự kiến giảm 260 ngày. Nhà đầu tư không phải thực hiện thủ tục để được cấp phép, phê duyệt từ cơ quan quản lý với 3 lĩnh vực tốn nhiều thời gian thực hiện, là xây dựng, môi trường và phòng cháy chữa cháy.

Giải trình thêm, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói "một số quy định sửa tại Luật Đầu tư có cải tiến rất mạnh". Ông nói ngoài nội dung tại dự thảo luật, cơ quan soạn thảo còn đề xuất tất cả dự án thuộc mọi lĩnh vực đầu tư tại khu công nghiệp, chứ không riêng công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, được hưởng "cơ chế luồng xanh". Tức là, khi nhà đầu tư đăng ký, họ được xem xét cấp phép trong 15 ngày. Sau đó, họ không phải thực hiện các thủ tục về xây dựng, môi trường, phòng cháy chữa cháy, mà triển khai ngay dự án.

"Chúng tôi mong lần này cải cách mạnh thì các dự án trong khu công nghiệp, tức đã xác định rõ quy hoạch, môi trường, hạ tầng, được thực hiện cơ chế luồng xanh, thủ tục đặc biệt", ông Dũng nói.

Đề xuất dự án tại khu công nghiệp được hưởng thủ tục đầu tư đặc biệt  第1张

Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại phiên thảo luận, ngày 10/10. Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội

Nêu quan điểm, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định lưu ý "đặc biệt ở đây là cần thiết kế quy trình nhanh, chứ không có nghĩa chỉ rút gọn về thời gian, thủ tục".

Ông phân tích, nhà đầu tư chỉ cần một bộ hồ sơ xin cấp phép cho tất cả lĩnh vực môi trường, phòng cháy chữa cháy... chứ không phải mỗi khía cạnh lại một hồ sơ như hiện nay. Đầu mối tiếp nhận, xử lý hồ sơ cũng cần thu về một mối, ví dụ Bộ Kế hoạch & Đầu tư, sau thời hạn 30-60 ngày trả lời nhà đầu tư.

"Quy định thủ tục đặc biệt mà vẫn như hiện nay thì chưa đặc biệt, chưa nhanh được. Hiện nhà đầu tư phải đi hết cơ quan này, tới cơ quan kia. Mỗi cơ quan một bộ hồ sơ, thời gian kéo dài tới vài ba năm", ông Định nêu.

Đề xuất dự án tại khu công nghiệp được hưởng thủ tục đầu tư đặc biệt  第2张

Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ngày 10/10. Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội

Ở góc độ cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh đề nghị Chính phủ cân nhắc giới hạn thủ tục đặc biệt cho một số dự án lớn, đặc thù, có tính lan tỏa và cần thực hiện ngay để không bỏ lỡ cơ hội đầu tư.

Ông Thanh cũng cho rằng, việc phân cấp thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đầu tư đặc biệt cần đánh giá tác động kỹ lưỡng, bảo đảm đáp ứng năng lực quyết định, tổ chức, nhân lực của từng cấp quản lý.

Nhìn nhận việc một luật sửa 4 luật liên quan lĩnh vực đầu tư, quy hoạch là những vấn đề lớn, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định lưu ý Chính phủ tiếp tục rà soát, để "tháo gỡ những gì thực sự đang vướng, bức xúc".

"Luật sau khi sửa phải mở ra những thứ mới, tốt và nhanh hơn, còn đừng quản lý Nhà nước chặt hơn, gây khó hơn cho người dân, doanh nghiệp", ông nói, thêm rằng việc sửa luật này tháo gỡ khó khăn nhưng không hợp thức hóa sai phạm.

Dự kiến Luật sửa đổi, bổ sung 4 luật liên quan đầu tư, quy hoạch sẽ trình Quốc hội xem xét, thảo luận tại kỳ họp khai mạc vào 21/10.