Thông qua nền tảng số giúp nông dân vùng dân tộc thiểu số và miền núi Thanh Hoá bán được hàng, tạo việc làm, nâng cao thu nhập, góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Lang Chánh là một trong những huyện miền núi của tỉnh Thanh Hoá. Thực hiện Dự án 3 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025, nội dung phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị, thời gian qua, nông dân huyện miền núi Lang Chánh đã chủ động áp dụng phương pháp bán hàng mới thông qua nền tảng số.
Đại diện Hội Nông dân huyện Lang Chánh cho biết, trước đây, nông sản do người nông dân trên địa bàn làm ra được bán bằng phương thức truyền thống, thậm chí nhiều hộ chỉ bán quanh quẩn ở thôn, xã, huyện; nếu có thương lái đến mua thì bị ép giá nên dẫn đến tình trạng hàng hóa giá thành rẻ, ế ẩm.
Tuy nhiên, từ năm 2023, Hội Nông dân đã đến tận nhà, ra tận vườn, đồi, hướng dẫn bà con sử dụng mạng xã hội như chụp ảnh, livestream (phát trực tiếp) bán hàng nông sản.
Bán hàng qua mạng xã hội giúp mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản.Theo đó, tính đến nay, có hơn 200 hội viên có mặt hàng là các loại quả, củ biết đến phương thức bán hàng mới này. Phần lớn bà con đã thành thạo trong việc chụp ảnh, viết lời quảng bá về sản phẩm; đăng bài vào các hội, nhóm để bán; một số khác tự tin tổ chức livestream, giao lưu trực tuyến với khách hàng.
Từ khi bà con nông dân biết sử dụng phương pháp bán hàng mới, thị trường tiêu thụ nông sản được mở rộng, thương lái khắp cả nước đến thu mua, tạo sự cạnh tranh, giá cả cũng tăng lên. Việc bán hàng qua mạng xã hội mở ra một phương thức quảng bá, tiêu thụ hoàn toàn mới trên nền tảng thương mại điện tử.
Việc livestream giúp cho khách hàng tận mắt chứng kiến những mặt hàng mà người nông dân đang có. Nông dân có thể trực tiếp thưởng thức những sản phẩm do mình làm ra ngay tại vườn, đồi, từ đó trò chuyện, tương tác, tạo lòng tin với khách hàng.
Hình thức quảng bá, giới thiệu nông sản trên các nền tảng số tạo tiền đề để thúc đẩy xã hội số. Thông qua nền tảng số giúp nông dân bán được hàng, tạo việc làm, nâng cao thu nhập, góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Đăng thảo luận